Tôi chỉ muốn nghe hát

Lê Trọng Hà

29/05/2021 17:00

Theo dõi trên

Nói về việc livestream gần đây của bà Phương Hằng, ông Lưu Đình Phúc – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) – khẳng định những thông tin bà đưa ra “đúng sai thì pháp luật còn phải xác minh”, nhưng không thể nào cứ tiếp diễn việc một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để thóa mạ, chửi bới người khác, việc này “là không chấp nhận được”

1-kien-giang-o-nhiem-1622080725.jpg
Dọn rác!

Chỉ trong vài ngày trở lại đây, bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành hiện tượng của loại hình livestream, khi phá vỡ mọi kỷ lục streaming ở Việt Nam. Nhiều người, trong đó có tôi, thực sự thấy kinh ngạc, và tìm cách lý giải về hiện tượng này.

Một nhà báo nhận định, bà Hằng nổi lên theo cách giống Donald Trump, tức “cut the cord” - tự thân, “từ một tới thẳng đại chúng”; nhưng một ý kiến khác lại cho rằng bà Hằng thu hút sự chú ý giống cách của nhóm Thánh Cô Cô Bóc vào năm 2015, tức bóc phốt showbiz.

Điểm chung dễ nhận thấy đầu tiên ở Donald Trump và Nguyễn Phương Hằng là cả hai đều là doanh nhân giàu có, họ không ngại quảng bá sự giàu có đó. Trong một xã hội mà tiền là một thước đo, đôi khi, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì”, có thể được trả lời theo cách “có tiền để nói có người nghe".

Theo chuyên gia Vũ Tuấn Anh - tiến sĩ truyền thông của Đại học Sydney: “Cư dân mạng là những người rất tò mò, đặc biệt là trong một nền báo chí mà mối quan hệ giữa báo giới, chính trị gia và doanh nghiệp là ba cột nương tựa vào nhau”. Thế nên khi bà Hằng không cần "rào trước đón sau", không cần kiêng nể, sẵn sàng phơi bày tất cả, bao gồm cả tính cách và câu chuyện của riêng bà, công chúng phần nào cảm thấy thỏa mãn sự tò mò.

Yếu tố cộng hưởng quan trọng cho hiện tượng Nguyễn Phương Hằng là cách bà Hằng công khai tấn công showbiz, khi "đại náo" showbiz, bà Hằng mới tạo thành “cú nổ” đúng nghĩa. Và cơn bão bà tạo ra là chỉ tên trực tiếp những người nổi tiếng như NSND Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Vy Oanh, Gia Bảo, Hứa Minh Đạt... và đặc biệt là Hoài Linh.

Ngày 27/05/2021, trong bài viết “Thánh chửi, Thần y, Danh hài và các ngôi sao đang lặn”, chuyên gia về nghiên cứu quốc tế, truyền thông báo chí và đào tạo Nguyễn Quang Dy (cựu cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam từng học tập và nghiên cứu tại Đại học quốc gia Úc và Đại học Harvard), nhận định:

“Cuộc chiến đầy kịch tính giữa “thánh chửi” Phương Hằng với “thần y” Võ Hoàng Yên và “danh hài” Võ Hoàng Linh, cùng một số “ngôi sao”, không chỉ phản ánh sự phân hóa cộng đồng, mà còn bộc lộ thực trạng văn hóa và dân trí của giới Showbiz…”, “tuy bà sử dụng truyền thông mạng (lá cải), nhưng nó ngày càng hiệu quả và có tác động tích cực”.

Theo suy nghĩ của tôi, “Cuộc chiến”  Phương Hằng - Showbiz cho dù là “ngày càng hiệu quả” và “có tác động tích cực” (như đánh giá của chuyên gia Nguyễn Quang Dy), thì cũng đã đến lúc nên dừng lại. Hiện tượng này có xu hướng biến thành chuyện hai đám trẻ trâu xóm dưới làng trên xích mích, thách thức rồi dàn trận lao vào đánh nhau chí tử. Xã hội mất nhiều hơn được.

Dịch bệnh covid đang lan nhanh khắp cả nước. Ngoài Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội đang gồng mình chống dịch, tại TP.HCM tính đến tối 28/5, số ca nhiễm từ cụm dịch hội truyền giáo đã lên 58 người, ở 16 quận, huyện; đều thuộc biến chủng Ấn Độ, có tốc độ lây lan rất nhanh. Tôi quan tâm cổ vũ cuộc chiến chống covid và tẩy chay cuộc chiến Showbiz - Phương Hằng!

Tham khảo: Bà Phương Hằng cam kết không livestream nữa!

Trả lời Tuổi Trẻ Online sáng 29-5, ông Lưu Đình Phúc – cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) – xác nhận ông đã trao đổi với Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM để xử lý vụ việc bà Phương Hằng gần đây livestream “thóa mạ, chửi bới” một số cá nhân, nghệ sĩ.

Ông Phúc cho biết Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đã làm việc sơ bộ với phía bà Phương Hằng và “họ cam kết thôi không livestream”. Trước đó, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nhận được văn bản từ Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM phản ánh việc bà Phương Hằng gần đây liên tục livestream xúc phạm, thóa mạ nhiều nghệ sĩ thuộc hội.

Đồng thời với việc chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM làm việc với phía bà Phương Hằng yêu cầu dừng livestream thóa mạ, xúc phạm nhân phẩm các cá nhân.

Ngày 28-5, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý với các đối tượng livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Nói về việc livestream gần đây của bà Phương Hằng, ông Lưu Đình Phúc khẳng định những thông tin bà đưa ra “đúng sai thì pháp luật còn phải xác minh”, nhưng không thể nào cứ tiếp diễn việc một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để thóa mạ, chửi bới người khác, việc này “là không chấp nhận được”

Ghi chú:

Mời bạn xem bài hát Nơi đảo xa của Nhạc sĩ Thế Song. Khi cùng cất lên tiếng hát bảo vệ đất nước quê hương thì nghệ sĩ, doanh nhân, học sinh, công nhân là một. Covid và giặc ngoại xâm không tha bất cứ ai, cả doanh nhân và nghệ sĩ. Cũng như bạn, tôi không muốn chiến tranh. Tôi chỉ muốn nghe hát.

Bài liên quan: Nghệ sĩ và công chúng có mối quan hệ tương hỗ

(Bài viết có sử dụng một số ý của Báo Vietnamnet)

 

Bạn đang đọc bài viết "Tôi chỉ muốn nghe hát" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn