Khoảng thời gian đó, nhà của anh Trí như trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật... Vơj chồng tôi có quan hệ tình nghĩa từ trước với anh- quý nhau như anh em ruột thịt! Các vị với anh Tri từng biết nhau, thân nhau từ thời tiền chiến… Tìm thăm nhau một phần, nhưng còn qua anh Tri để hiểu về Bình Định, để biết các di tích lịch sử, văn hóa vùng đất Thành Đồ Bàn. Và bao giờ anh Tri cũng bảo tôi đến trợ giúp anh đưa các vị, các đoàn văn nghệ sĩ đi chơi… Hành trình được anh em tôi thiết kế: qua Cầu Đôi, Tháp đôi, đến viếng mộ Hàn Mặc Tử, Trại thương Quy Hoà; ra Tháp Bánh Ít, Tháp Cánh Tiên, Thành Đồ Bàn… Xe ô tô gia đình, anh Trà Văn Tri tự lái, có lúc đưa xuống Gò Bồi thăm nhà cũ Xuân Diệu.
Hôm đưa Văn Cao đi mấy vòng quanh các khu Tháp Chàm, có nhũng nơi ông hỏi đi hỏi lại như một nhà báo đi tác nghiệp…. Cuối buổi, ông đề nghị về thẳng nhà riêng anh Trà Văn Tri chớ không về Khách sạn- Đến đó, tôi đưa ông ra sân nhỏ, kề căn gác nhỏ (có gắn một biển nhỏ “QUỲNH HOA HIÊN”. Văn Cao đi đi, lại lại, nhìn bốn hướng… Từ đó, tưởng như với tới Tháp đôi!
Bữa ăn nhẹ được vợ anh Trà Văn Tri chuẩn bị trước, có rượu Hennessy và thuốc 3 số; đồ ăn, mỗi người chỉ một chén súp Yến…
Vừa nhấp tí rượu, Văn Cao vừa lẩm nhẩm:
Từ trời xanh
rơi
vài giọt Tháp Chàm
Quanh Qui Nhơn
tôi như đứa trẻ
Chúng tôi cứ tưởng, trong hơi men ngà ngà, nhạc sĩ Văn Cao chỉ lẩm nhẩm đọc… chơi thôi- không ngờ ra Hà Nội, ông hoàn chỉnh bài thơ này- đưa lên các báo, được các chuyên gia đánh giá đó là bài thơ hay nhất của nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao viết về Qui Nhơn- Bình Định!