Rồi đến khi loa làng liên tục phát đi thông báo không cho bất cứ nhà nào nuôi chó nữa ... Một chiều, mặt trời hắt đổ bóng hoàng hôn, tôi lững thững ôm chú chó nhỏ chừng 2,3 kg gì đó, lủi thủi đem cho gia đình bà cô ruột của mẹ tận một làng khác huyện cách nhà chừng 5 cây số. Điều không ngờ là đứa em gái kế tôi ( chừng 6,7 tuổi ) cũng lẽo đẽo khóc chạy theo sau nhưng do cắm cúi đi tôi không hề quay đầu ngoảnh lại nên đâu biết. Tối, vừa về tới nhà, nghe em vừa khóc vừa kể ... chạy theo chị và con chó được nửa đường, đến cây đa Đông Đống ( địa danh quen thuộc của người quê tôi ) bị bọn trẻ trâu làng ấy chọc phá, bắt trói vào gốc đa. May có người làng tôi ngang qua thấy " giải cứu " đưa về nhà ... vừa kể em vẫn thút thít khóc ... chuyện giờ đôi khi chị em ngồi vẫn thường nhắc ... ?
Năm 197x
Sáng sớm, vừa thức dậy tôi vội vàng để đến nhà thầy Hiền xem tình hình cụ thể về buổi học môn Pháp chế sáng nay của lớp ra sao vì nghe thông tin là phải nghỉ . Từ nơi ở đến hội trường học cũng khá xa mà vòng đi vòng lại cũng cực, là lớp phó học tập nên tôi phải biết rõ thời khóa biểu của ngày còn thông báo với lớp, tôi chọn lối tắt men sườn đồi để đến khu tập thể nơi thầy cô ở ... một con chó nhà ai xồ ra, táp tôi luôn một miếng ở chân, rách cả quần, chảy cả máu ...
Nghe mọi người bảo chó sáng sớm cắn độc lắm phải tiêm phòng chứ nguy hiểm đấy. Vậy là thứ 4 hàng tuần tôi nghỉ học, mượn xe bạn bè đạp cả 20 km từ trường ( Yên Dũng ) lên tận bệnh viện Tâm thần ( cây số 4 - Tân Yên ) để tiêm phòng, 4 tuần 4 mũi như vậy ...
Điều đặc biệt là mỗi lần sau khi tiêm xong về đến thị xã Bắc giang, đều đặn, tôi tìm đến cửa hàng ăn uống BG làm một bát ... bún chó xáo măng gọi là " bồi bổ " vì nghe nói tiêm thuốc này hại người lắm để rồi còn có sức đạp tiếp hơn chục cây số đường quanh co dốc núi mà về trường ...
Năm 198x
Phải công nhận thịt chó họ chế biến thơm, ngon và hấp dẫn thật ( giờ nói điều này ra tôi thấy e là không phải một chút nào nhưng đúng là quá khứ tôi từng là như vậy) !!!
Hàng ngày đi làm về, đoạn đường từ Quận 4 đến Thanh Đa, ngang Sở thú thấy một quán ăn vỉa hè luôn đông đúc : CẦY TƠ ! Và tôi, chính tôi đã từng một lần ghé mua mang về, một thầy giáo cùng trường ông xã ( chắc khi ấy đang trong quán ) thấy tôi vậy nên đã " lan tỏa " đến với thầy cô trong trường là tôi " tốt " với chồng nhưng quả là " oan " vì đấy là TẠI TÔI thích đấy mà.
Bình Triệu năm 199x
Thực thi quyết định " bỏ phố về vườn " của ông xã, gia đình bồng bế nhau từ quận Tư về Thủ Đức để kiếm kế sinh nhai và hưởng " trăng thanh gió mát " miệt vườn. Cũng như mọi nhà nơi đây, gia đình tôi cũng nuôi một chú cún lai Phú Quốc phải nói cực đẹp. Được mấy năm gắn bó, cả nhà đi vắng suốt ngày bỏ đói cún, bên hông nhà là con hẻm thông vào mấy nhà sâu sâu chút chừng hơn trăm mét có các bé rất thương cún nhà họ nên nhà tôi đã đồng ý cho cún nhà mình làm " con nuôi " nhà họ. Thật không ngờ ... cún tôi " biết thân biết phận " sao đó cứ sáng 2 bé nhà tôi chuẩn bị đi học thế nào cún tôi cũng chạy ra liếm láp, vẫy đuôi mừng 2 bé đi khỏi lại lặng lẽ về nằm ... nơi trước hiên nhà họ ngó ra ngoài nhà tôi ...
Chiều chiều, đi làm về tôi lui cui cơm nước, cửa bếp trổ ra lối hẻm nên cún tôi lại ra cào cào cửa, quen quen tôi mở cửa vuốt ve cún tí rồi nó lại lặng lẽ " ra về ". Thương cún, có bữa đang hầm xương nấu canh, cún ra " chơi " tôi vớt cục xương cho cún. Không hề động tới, một lát sau cún lại ra về như mọi bữa mà cũng chả buồn ăn .... Cún giận tôi !!!
Kế nhà tôi, ông già chủ nhà mất, ngày ngày chú cún nhà ông cụ cứ ra mộ ông nằm kế bên, không chịu ăn uống gì cho đến khi ... không thể sống được nữa vẫn nằm bên mộ ông cụ ...
Cũng từ đây, tư duy của tôi về loài chó khác hẳn và không khi nào tôi ăn thịt chó nữa ( ai cười sao ... tôi cũng chịu )
Năm 200X
Một lần nữa gia đình lại bỏ phố ( khi chỗ ở lúc đó đã thành phố ) để về vườn, chủ nhà lúc bàn giao đã để lại một chú Cún nghe nói cũng đã 5, 7 tuổi cho chúng tôi. Cả nhà đi vắng từ sáng đến tối, cún được một cụ già trong xóm ngày ngày mang một thau cơm luồn dưới khe chân cánh cổng sắt cho ăn, xóm mới này nhà nào cũng nuôi cả bầy nên số cún của xóm đông vô kể, nhà này cho 1 con, nhà kia cho 1 con thành ra nhà tôi cũng cả đàn, thôi thì cho chúng " có bạn có bè ". Bầy cún thường hay bệnh.
Đã nhiều lần tôi phải đưa cún đến bác sỹ thú y hoặc kêu bác sỹ tới nhà thăm chữa nhưng rồi lần lượt chúng cũng không qua khỏi, cuối cùng còn lại 2 chú lớn tuổi và cũng lớn xác nhất. Hình như chúng có sự phân công nhau thì phải, nhà không cần gắn chuông nhưng khi ai đó đứng cửa là y như 1 chú đứng canh cổng sủa inh ỏi, 1 chú chạy vào tận cửa nhà " gọi " thấy thương lắm ... Vậy mà bọn cẩu tặc cũng " vớt " mất 1 con, con cuối cùng bị chúng bỏ bả ... những phút cuối nhìn nó cầu cứu tôi mà tôi chả biết làm gì hơn kể cả không dám nhìn vào mắt nó ... ánh mắt ấy ám ảnh tôi biết bao năm sau đó. Cũng từ đây tôi " thề " sẽ không bao giờ nuôi cún nữa mặc nay người này kêu cho, mai người khác gọi tặng ... bởi thực ra tôi cũng không phải là người yêu thương cún thực sự nên chẳng tắm rửa, chăm chút, vỗ về chúng bao giờ ... Không dối lòng, tôi đã thầm xin lỗi chúng, loài động vật trung thành nhất của loài người .
Theo Chuyện làng quê