Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương dự Ngày hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được tổ chức nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân cùng những khát vọng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, lịch sự. Ngày hội là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Việc tổ chức Ngày hội còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới công tác dân tộc nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số ít người nói riêng; là dịp để mỗi người dân thể hiện tình cảm, lòng biết ơn, công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ cùng các thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng, giữ gìn, phát triển vùng đất của mình.
Lần đầu tiên được tổ chức, ngày hội đã tạo nên một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa. Niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt các nghệ nhân, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc rất ít người. Đây là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ngày hội là dịp giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và văn hóa truyền thống các dân tộc trong công cuộc đổi mới hội nhập, phát triển; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương bày tỏ vinh dự, tự hào khi địa phương được chọn là nơi đăng cai tổ chức Ngày hội; khẳng định, đây là cơ hội để các địa phương trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người đến từ 11 tỉnh trong cả nước.
Lai Châu, nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước, cùng hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng. Nơi đây còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Mảnh đất tiềm năng cùng con người thân thiện mến khách đang chào đón du khách gần xa tham dự Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.
Ông Lê Văn Lương hy vọng, trong thời gian lưu lại tại đây, các đại biểu, du khách sẽ dành nhiều thời gian để trải nghiệm và có những ấn tượng tốt đẹp nhất về mảnh đất, con người Lai Châu, quê hương của 4/14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong toàn quốc.
Ngay sau phần lễ, Chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội diễn ra với 3 chương: Khát vọng vươn lên cùng đại ngàn; Lung linh sắc màu đại ngàn; Lai Châu kỳ vỹ - Vui ngày hội.
Chương trình nghệ thuật tuyển chọn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc và một số ca khúc nổi tiếng của các tỉnh có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Qua đó, giới thiệu, quảng bá văn hóa, tín ngưỡng, những quan niệm, đổi thay đi lên của cuộc sống, giá trị tinh hoa trong nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian…
Bằng hình thức nghệ thuật diễn xướng dân ca, dân vũ, dân nhạc, sân khấu dân gian truyền thống kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, các trường đoạn tạo nên sức sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, kích thích sự hiếu kỳ tới đông đảo người dân và du khách.
Ngày hội diễn ra từ ngày 3 - 5/11 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn nhân dân, du khách như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội; các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, Liên hoan Văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao truyền thống; Giải đua mô tô địa hình; Giải dù lượn đường trường Putaleng mở rộng…