Cách đây 30 năm, Quần thể di tích Cố đô Huế là Di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nay nhìn lại chặng đường bảo tồn và phát triển ấy thật đáng tự hào.
ngày 17/6, tại Quảng Trường Ngọ Môn, Đại nội Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh Di sản thế giới. Quần thể gồm có hệ thống các di tích liên quan đến triều Nguyễn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự kết hợp độc đáo hài hòa giữa kiến trúc truyền thống phương Đông và chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, Huế vẫn bảo tồn được hàng trăm công trình nghệ thuật vừa phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc Huế…
Nói chung về di sản kiến trúc của Cố đô Huế, có thể kể đến những di tích tiêu biểu sau: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, hệ thống lăng tẩm của các vua Nguyễn, cung An Định, Trai cung, bến thuyền Cung đình, Trấn Bình đài, Trấn Hải thành, điện Hòn Chén, nhà bà Từ Cung, Văn miếu, Võ miếu…Tất cả các di tích phân bố trên khắp 6 huyện 2 thị trấn và thành phố Huế. Kinh thành Huế: được khởi công xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1832, nằm bên bờ Bắc của sông Hương, quay mặt về hướng Nam.
Đại nội nằm giữa trục chính của Kinh thành Huế, bao gồm khu vực phòng vệ là hệ hào, tường bao bọc và 10 cây cầu. Khu vực cử hành đại lễ: được tính từ Ngọ môn đến điện Thái Hòa. Khu vực các miếu thờ vua chúa gồm: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng tiên. Khu vực của Hoàng thái hậu và Thái Hoàng thái hậu gồm: cung Diên Thọ và cung Trường Sanh. Khu vực Nội vụ gồm: nhà kho lưu giữ đồ quý, xưởng thủ công mỹ nghệ chế tạo đồ vàng, bạc, ngọc, ngà, gấm, vóc. Khu vực vườn Cơ Hạ và điện Khâm Văn là nơi học tập và chơi đùa của các Hoàng tử khi chưa xuất phủ.
Thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã gửi một đoàn đi sứ sang Trung Quốc thời vua Càn Long, trong đó có một dàn nhạc cung đình mà sử gia nhà Thanh gọi là “An Nam quốc nhạc”. Từ năm 1808, triều Gia Long đổi tên là “Việt Nam quốc nhạc”. Thưc ra từ đời Lý đã xuất hiện dàn nhạc cung đình. Đến đời Trần cũng có dàn Đại nhạc trong cung đình. Vì thế nhạc cung đình đã được duy trì và phát triển qua hàng trăm năm, nên giá trị nghệ thuật cực kỳ đặc sắc. Trước hết vì nó quy tụ khắp cả nước những nhạc sĩ, nhạc công tài năng bậc nhất. Khi được mời vào cung họ có phương tiện để trở thành những nhạc sĩ, nhạc công chuyên nghiệp bậc thầy.
Dàn nhạc cung đình được chia thành dàn Đại nhạc dùng vào việc tế lễ Nam Giao, các lễ Đại triều, Thường triều v.v. Gồm khoảng 120 – 170 người, sử dụng kèn, trống và bộ gõ. Có thể kể đàn nhị, kèn đại, kèn trung, kèn tiểu. Bộ trống lớn nhất là đại cổ, trống tiểu cổ, cặp trống vỗ. Bộ gõ có mõ, phách, chuông to, chuông nhỏ, đại la, tiểu la, chập chõa. Dàn Tiểu nhạc gồm có nhạc công, ca nhi, vũ công v.v. sử dụng những nhạc khí dùng dây tơ và sáo thường biểu diễn cho nhà vua, các đại quan và các nhà quyền quý thưởng thức. Trãi qua 20 năm Nhã nhạc cung đình Việt Nam ngày càng phát triển, có sự kế thừa kể từ khi được UNESCO vinh danh Di sản thế giới…