Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với TPHCM bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới về cách ly F1 tại nhà phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Giao ban trực tuyến ngắn với “Sở Chỉ huy chống dịch TPHCM”, sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các sở, ngành… điểm lại những việc đã làm, tập trung trao đổi những vấn đề cụ thể mới phát sinh.
Tiếp tục giảm nhiêu khê, phiền hà cho người dân
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong vòng 24 giờ (tính đến 6 giờ ngày 12/7), Thành phố ghi nhận thêm 1.489 ca mắc COVID-19, trong đó, có 29 ca qua tầm soát cộng đồng, 189 ca qua sàng lọc ở các bệnh viện, còn lại chủ yếu ở các khu cách ly, khu phong tỏa.
Đến nay, Thành phố đã thiết lập 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào thành phố, 144 chốt cấp quận, huyện và 400 chốt tại 312 phường/xã/thị trấn. Trong 3 ngày qua, Thành phố đã xử phạt được 1.200 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tình hình tại các chốt kiểm soát đã ổn định, mật độ giao thông giảm mạnh. TPHCM đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 5 đơn vị với 2.800 xe vận tải ra, vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt.
Từ phản ánh của người dân liên quan đến những phiền hà do phải sử dụng giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi di chuyển trong thành phố, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh nêu quan điểm do đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố nên quy định này không cần thiết. Thành phố sẽ có chỉ đạo để giảm nhiêu khê, phiền hà cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giải pháp kiểm soát người ra, vào bằng giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 có tác dụng phòng, chống dịch ở mức độ nhất định nếu được tổ chức tốt. Trong điều kiện TPHCM và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thì Bộ Y tế, Bộ GTVT cần nghiên cứu điều chỉnh để kiểm người từ vùng dịch vào vùng an toàn, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa…
Nhiều kênh cung cấp lương thực, thực phẩm
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, Thành phố đang triển khai nhiều kênh cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho người dân nghèo.
So với ngày 10/7, sức mua tại các chợ truyền thống tương đối ổn định, các quận, huyện siết chặt việc chốt chặn kiểm soát khiến người dân có xu hướng ngại ra đường. Tại các siêu thị, mã lực mua sắm tăng khoảng 10%. Hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả được niêm yết công khai, ổn định. Thành phố đã khai trương lại “siêu thị mini 0 đồng” tại 6 điểm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho khoảng 16.000 người dân nghèo. Người dân được chọn lựa những loại thực phẩm, lương thực, hàng hóa đang cần.
Hệ thống siêu thị đang hoạt động hết công suất với sự hỗ trợ tối đa của các DN kho vận (logistics) để tổ chức bán hàng bình ổn lưu động tại các khu dân cư, nơi chợ truyền thống tạm dừng hoạt động. Sau ngày đầu tiên chỉ có 8 điểm bán, ngày hôm nay, TPHCM dự kiến sẽ tổ chức 30 điểm bán lưu động và sẽ tiếp tục tăng theo yêu cầu của các quận, huyện. TPHCM đã triển khai điểm trung chuyển hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả bên cạnh chợ đầu mối Thủ Đức.
Kêu gọi giúp đỡ người khó khăn quanh mình
TPHCM tổ chức tiếp nhận đối tượng cơ nhỡ, lang thang nơi công cộng đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sau khi xét nghiệm; chi hỗ trợ cho 54.700 người/225.000 lao động tự do với 82 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM quan tâm cả những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt mà trong điều kiện bình thường chưa quản lý, nắm hết được.
Chủ tịch MTTQ TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, Mặt trận đã huy động các tổ chức, đoàn thể, với sự tham gia của Đoàn Thanh niên để rà soát, không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 09/NQ-TPHCM của Thành phố, bị thiếu đói, đứt bữa trong thời gian giãn cách xã hội.
Phó Thủ tướng gợi ý, bên cạnh MTTQ, các tổ chức, đoàn thể, TPHCM cần kêu gọi, phát động các DN, người dân hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khăn ở quanh mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao ban ngắn với "Sở Chỉ huy chống dịch TPHCM” - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tổ chức sản xuất an toàn là vấn đề cấp bách
Lãnh đạo TPHCM cho biết, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có 42/128 DN đăng ký phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, đã chuẩn bị nhiều khu đất trống, nhà xưởng chưa sử dụng để phục vụ công nhân ăn, ở, sinh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, về mức độ ứng phó với dịch bệnh, hiện có 3 nhóm DN. Thứ nhất là những DN sẵn sàng triển khai vừa sản xuất, vừa cách ly. Thứ hai là những DN có nhu cầu duy trì sản xuất ở mức độ nhất định, tuy nhiên khó khăn là kiểm soát quá trình di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc an toàn. Thứ ba là những DN dừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội.
Từ dữ liệu gần 1.400 người có triệu chứng đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang ở hầu hết các nơi trong thành phố, Phó Thủ tướng cho rằng tổ chức các nhà máy an toàn là vấn đề cấp bách.
Đến nay, TPHCM đã cơ bản dần từng bước thiết lập kỷ cương, kiểm soát trong thực hiện giãn cách xã hội đối với người dân trong địa bàn dân cư, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa và thời gian tới phải kiểm soát khu vực sản xuất, tập trung vào khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thành phố cần phân loại những DN có đơn hàng gấp cần tổ chức vừa sản xuất, vừa cách ly; có biện pháp quản lý từng công nhân trong nhà máy từ nơi ở, quá trình di chuyển đến nơi làm việc theo chu trình khép kín.
Tính toán phương án mở rộng cách ly F1 tại nhà
Ngoài 11 khu cách ly tập trung hiện tại, Thành phố đang chuẩn bị đưa vào 5 khối nhà chung cư phục vụ tái định cư ở Thủ Thiêm để lập bệnh viện dã chiến 18.000 giường và 6.000 chỗ cách ly tập trung. Chấn chỉnh việc cung cấp suất ăn cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Công tác xử lý rác thải bảo đảm không ùn ứ, nhất là rác thải nguy hại. Thành phố đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tháo gỡ khó khăn trong mua sắm 18 loại vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc ghi nhận số ca nhiễm lớn trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa cần xem xét lại việc chống lây nhiễm chéo, bảo đảm giãn mật độ tối đa.
Bên cạnh đó, công suất các khu cách ly tập trung đã đạt khoảng 70%, vì vậy, Thành phố cần tính toán thêm phương án cách ly F1 tại nhà. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ TPHCM cho biết, Thành phố đang triển khai kịch bản cách ly F1 tại nhà, khách sạn trong tình huống có 20.000 F0 và 200.000 F1.
“Thành phố mong muốn Bộ Y tế tháo gỡ, điều chỉnh một số điều kiện để cách ly F1 tại nhà ở các khu chung cư, nhà xây mới bảo đảm điều kiện, có sự tham gia giám sát của 17.000 tổ COVID cộng đồng… còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh”, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết.
Phó Thủ tướng cho biết ông nhận được nhiều ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng việc cách ly F1 tại nhà là một bước tiến, nhưng cần tiếp tục xem xét điều chỉnh tiêu chí, điều kiện quy định hiện nay. Việc này Phó Thủ tướng đã giao và Bộ Y tế cần khẩn trương cùng với Thành phố bàn, căn cứ tình hình thực tiễn để có hướng dẫn mới phù hợp, tinh thần hiệu quả là trên hết.
Trong công tác điều trị, TPHCM cần có sự điều chỉnh từ chiến lược hạn chế số ca F0 sang hạn chế trường hợp tử vong, theo dõi rất sát các F0 không có triệu chứng đang điều trị trong các bệnh viện dã chiến, không để nặng lên.
Việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, các chuyên gia y tế lưu ý người tiêm vaccine sau vài tuần mới sinh kháng thể có tác dụng bảo vệ, vì vậy, kế hoạch tiêm của TPHCM cần xem xét, ngoài các lực lượng nòng cốt trong chống dịch, phục vụ phân phối hàng hoá, nhu yếu phẩm cho người dân, thì không nhất thiết tập trung vào những vùng dịch đang lây nhiễm cao mà thay vào đó là những vùng đệm an toàn, những nhà máy tổ chức sản xuất an toàn.