Trả yếm lại cho anh

Phạm Văn Tình

09/10/2021 19:17

Theo dõi trên

“Yếm chàng tặng” đã về tay nàng rồi thì nó sẽ vĩnh viễn đi không bao giờ trở lại.

ao-yem-1633778731.jpg
Áo yếm, nét đẹp xưa. Ảnh internet

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em có chồng rồi trả yếm cho anh!

Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi?

Đó là bài ca dao bốn câu. Chỉ nghe qua ta cũng hiểu ngay đây là đoạn đối đáp giữa hai người: "chàng" và "nàng". Và dù lời đổi trao rất ngắn gọn ta cũng có thể hình dung ra sự tình với nội dung câu chuyện như sau: "Chàng và nàng từng một thời yêu nhau (tiền giả định 1). Lúc vui vẻ mặn nồng, chàng đã tặng nàng một vật phẩm (rất thực tế) là cái yếm (đồ mặc lót, trang phục dành cho phụ nữ thời trước, bằng vải hay lụa khổ vuông, có dây buộc vòng qua cổ, hở nách, cốt để che từ ngực tới rốn) (tiền giả định 2).

Bây giờ, nàng đã có chồng (“hoa cúc vàng đã thành hoa cúc tím”). Nàng đã thuộc về người khác, xa hơn “một chân trời khác”. Chàng cho rằng nàng đã phản bội nên đòi lại chiếc yếm (kỉ vật rất gần gũi, thiết thực năm xưa) (suy luận logic). Nàng trả lời: Đúng, tình thế đã khác (“hoa cúc vàng giờ là hoa cúc xanh”) nhưng không có chuyện trả lại yếm (cho anh)”.

Câu ca dao cuối cùng “Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi?” (đã được tỉnh lược cho gọn) có thể viết đầy đủ là “Yếm của em thì em mặc, đâu phải yếm của anh mà anh lại đòi (vô lí quá)?” Câu trả lời đanh thép, thái độ dứt khoát của nàng không phải là sự chạy làng, xí xoá mọi chuyện (xa hơn là sự không chung thuỷ, vô ơn). Chiếc yếm nàng đang mặc là quà tặng của chàng? Nhiều khả năng là như thế. Nhưng nếu có là như thế 100% đi nữa thì chuyện chàng đòi lại yếm là không thể chấp nhận được.

Bởi điều này không phù hợp với “lẽ đời” (rules of life) và “lẽ thường” (topos). Về lẽ đời, chúng ta biết rằng, “cho” (hay “tặng”, “biếu”) là một hành vi bình thường trong cuộc sống. “Cho” là “chuyển cái sở hữu của mình sang thành của người khác mà không đổi lấy gì cả” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Khi vật đã cho đi rồi, người cho không còn thẩm quyền gì trong việc sở hữu nó nữa. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong phạm trù “cho và nhận”. Còn về lẽ thường, ở đời, chuyện chàng trai nào đó đem lòng yêu một cô gái nào đó, thì ngoài việc bày tỏ tấm lòng của mình với nàng, chàng có thể tặng nàng quà cáp (tuỳ khả năng và sự hào phóng). Nhưng chàng nên hiểu rằng, dù tặng nàng bao nhiêu chăng nữa thì chàng cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện đòi lại được.

Vậy nên, “yếm chàng tặng” đã về tay nàng rồi thì nó sẽ vĩnh viễn đi không bao giờ trở lại. Mà đấy chỉ là chiếc yếm nhỏ nhoi (chả là cái đinh rỉ), chứ chàng có tặng nàng “quần lượt áo là”, đến “vòng vàng xuyến bạc” hay thậm chí “chín đụn mười trâu” thì cũng đừng nằm mơ lấy lại cho mình.

Thông điệp mà bài ca dao gửi gắm vượt ra ngoài hai phát ngôn đối đáp. Thông điệp mang triết lí giản đơn này cũng quá quen thuộc trong dân gian. Chàng trai ơi, chàng cần phải thấm nhuần “bài học xương máu” đó để răn mình và cũng để rút kinh nghiệm về sau (Đuổi theo cô gái để “đòi lại yếm”, chàng có hâm không thế?).

Bắc thang lên hỏi ông giời

Đem tiền cho gái có đòi được không?

 

Bạn đang đọc bài viết "Trả yếm lại cho anh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn