Trận đánh thị xã Xuân Lộc (tiếp theo)

Trong quá trình tấn công vào thị xã Xuân Lộc- Long Khánh. Có mũi, có hướng phát triển thuận lợi đã đánh chiếm sân bay Cáp Răng, tiếp tục đánh đến đường tàu. Bên cạnh đó mũi đánh vào dinh tỉnh trưởng, quân địch ban đầu còn ngỡ ngàng, bối rối bởi sức mạnh tấn công như vũ bão của quân giải phóng- của tiểu đoàn 5 trung đoàn 270.
chu-tr-ti2-1634693370.jpg
Ảnh tác giả bài viết.

Sau đợt tấn công phủ đầu vào quân địch, sau đó địch như bừng tỉnh lại, chúng dồn sức, huy động mọi hỏa lực, sinh lực: pháo binh, máy bay cường kích, máy bay trực thăng UH1, bắn phá dữ dội vào đội hình tấn công của tiểu đoàn 5. Để bảo toàn lực lượng, một số bộ phận nhỏ của tiểu đoàn 5 tạm thời rút ra ngoài hàng rào của thị xã, xốc lại lực lượng để chiều 09/4 sẽ tổ chức tấn công lần 2.

trưa ngày 09/4 đồng chí Hoàng Biền tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 rất xông xáo, quần xắn vài lượt, chạy lên đơn vị tiền tiêu rồi chạy ra phía sau đốc chiến. Trên tay anh luôn cầm khẩu súng k59, mỗi lần nói, mỗi lần đôn đốc cấp dưới là mỗi lần khẩu k59 lại vung lên vung xuống đầy uy lực.

Trưa hôm đó anh Biền thấy anh Trương Công Ty đại đội trưởng đại đội 6 đang đứng ở trạm tiếp nhận thương binh, tử sỹ ngoài hàng rào thị xã, trong vườn cà phê. Anh Biền yêu cầu anh Ty khẩn trương lên chốt đốc chiến vì ở đây đã có chính trị viên phó đại đội.

ch-tr-tim1-1634693322.jpg
Tù binh địch ta bắt được tại trận Xuân Lộc. Ảnh do tác giả cung cấp.

Trong chiến đấu tiểu đoàn- trung đoàn đã phân công, phân nhiệm rất rõ ràng và bài bản. Trạm đón tiếp thương binh, liệt sỹ phía sau, cụ thể trận này là mé ngoài hàng rào kẽm gai gồm: 1 y tá, 1 y sỹ để sơ cứu ban đầu. Tiểu đoàn có chính trị viên phó tiểu đoàn chỉ huy chung, ngoài ra các đại đội có chính trị viên phó có nhiệm vụ tiếp nhận- nhận dạng cán bộ chiến sỹ của đại đội mình bị thương và hy sinh, đồng thời động viên những trường hợp bị thương nhẹ quay trở lại chiến đấu. Quân lực tiểu đoàn có nhiệm vụ ghi vào sổ tay các trường hợp bị thương vong, riêng tử sỹ quân lực ngoài bàn giao danh sách cho đơn vị phía sau ra, còn ghi vào mảnh giấy nhỏ: họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị và báo tin cho ai ở quê nhà, mảnh giấy đó được cho vào túi áo của tử sỹ. Bên cạnh đó có tổ thông tin: 2w- thông tin hữu tuyến và truyền đạt( truyền đạt là lính thông tin chạy bộ). Chính trị viên phó tiểu đoàn chỉ huy chung, còn có nhiệm vụ báo lên trung đoàn đề nghị trung đoàn cho vận tải chuyển đạn dược xuống và chuyển thương binh, tử sỹ về phía sau. Đồng thời theo lệnh của tiểu đoàn trưởng hoặc tiểu đoàn phó chỉ huy đơn vị phía trước, chính trị viên phó tiểu đoàn lệnh cho trung đội vận tải chuyển đạn dược cho các đại đội bộ binh ở tuyến trước và vận chuyển thương binh, tử sỹ về phía sau. Không khí ở nơi đây lúc nào vội vàng, khẩn trương và nhanh chóng. Cùng với đó là tiếng gọi nhau, tiếng đôn đốc của chỉ huy, cùng tiếng rên xiết vì đau đớn của thương binh. Họ làm việc khẩn trương bất chấp mưa bom, bão đạn, tiếng gầm rú của máy bay các loại của quân thù. Ở đây những ngày đầu rất đông vì thương binh, tử sỹ nhiều.

Tôi còn nhớ trước trận đánh một ngày, tôi đi qua bìa rừng thấy thấy 9- 10 đồng chí đang đào nhiều hố sâu. Tôi hỏi" chúng bay đào gì đây"? Chúng nó bảo" bọn tao đang đào huyệt" có đứa cười còn nói đùa" biết đâu huyệt này tao đào, ngày mai tao lại nằm vào đây cũng nên- cười". Những người lính trẻ thật vô tư, thật hồn nhiên, ngày mai là bước vào trận chiến đầy máu lửa, trước hòn tên mũi đạn, họ không sợ chết, họ vẫn sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, coi cái chết nhẹ như" lông hồng". Vâng bao gia đình, là người mẹ, người vợ ở phương xa đang trông ngóng chồng con hàng ngày, hàng giờ. Là người lính trực tiếp chiến đấu trong trận này, viết đến đây tôi không cầm được nước mắt, lòng khâm phục những người lính can trường, quả cảm năm xưa.

Khoảng 12 giờ trưa ngày 09/4 lúc đó ở bãi đất trống tôi thấy anh Hoàng Biền tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 tay cầm khẩu k59 vung lên vung xuống, to tiếng lệnh cho anh Chín đại đội trưởng đại đội 8 khẩn trương tập trung- trung đội cối 82 ly chuẩn bị tấn công vào thị xã lần 2. Đại đội 8 là đại đội hỏa lực nên các tiểu đội 12,7ly, tiểu đội DKZ đều tăng cường về các đại đội bộ binh kể cả cán bộ đại đội chỉ trừ đại đội trưởng đi cùng và chỉ huy trung đội cối.

13 giờ ngày 09/4 các đơn vị rút ra buổi sáng nay tổ chức tấn công lần 2 vào thị xã Xuân Lộc. Vũ khí, đạn dược được tăng cường và bổ sung thêm như bộc phá ống đánh hàng rào ngoài ra còn bộc phá khối đánh hầm ngầm và lô cốt. Mỗi bộc phá khối nặng 10kg thuốc nổ TNT được bó chắc chắn, mỗi bộc phá có gắn 2 kíp nổ mười, nhằm tạo sức nổ tối đa của bộc phá. Dưới bộc phá khối có 2 chân bằng tre hoặc gỗ để áp chặt vào mục tiêu.

Khác với buổi sáng quân địch bố trí rải đều quân khắp thị xã. Buổi chiều địch đã co cụm cố thủ trong hệ thống hào và hầm ngầm kiên cố, lúc này ta và địch phân tuyến rõ ràng. Cách đánh cả hai bên đều thể hiện cách đánh hiện đại, trước khi đánh vào mục tiêu đều có pháo bắn dọn đường từ 20- 40 phút lúc đó mới xung phong và đánh ban ngày. Ban đêm trinh sát bò vào để nắm tình địch về báo cáo chỉ huy.

Trên trời đủ loại máy bay của địch từ loại VO10, rồi L19 bay vè vè trên cao khi phát hiện mục tiêu chúng bắn đạn khói chỉ điểm các trận địa pháo bắn cập tập, rồi từng tốp 3 chiếc máy bay A37- loại máy bay cường kích lao xuống ném. Chưa hết từng tốp, từng tốp máy bay trực thăng UH1, rồi máy bay trực thăng vận tải- vũ trang Xi Núc bay trên trời như chuồn chuồn. Đúng là cái" chợ trời trên không" mà do chúng độc diễn, cùng lúc đó tiếng nổ thùng thùng hàng loạt pháo 37ly 2 nòng của ta bắn máy bay, tụi trực thăng sợ hãi bay thấp, bay quanh vòng trong thị xã để tránh pháo phòng không của ta.

Bộ đội ta luôn bám thắt lưng địch mà đánh, luôn áp sát mục tiêu từ 50- 70 m nên đã vô hiệu hóa pháo binh và máy bay ném bom của địch. Ta thương vong do bom và đạn pháo của địch chủ yếu ở vòng ngoài hoặc trong quá trình vận động lên chốt tiền tiêu.

Cuộc chiến buổi chiều 09/4 rất khốc liệt, bộ đội chiến đấu rất dũng cảm, tất cả đã anh dũng xông lên không sợ hy sinh, không sợ nguy hiểm, đồng chí trước ngã đồng chí sau lao lên trong làn đạn dày đặc của quân thù.

Địch dù có hầm hào kiên cố với hàng bao cát dày từ 60cm đến 1m vẫn bị pháo bắn thẳng 85 ly của ta xới tung lên, ngoài ra ta có B41, DKZ 82ly loại vũ khí vác vai, rồi DKZ 75 với uy lực khủng khiếp. Cối 82ly luôn đi sát các đại đội bộ binh, ngắm bắn trực tiếp, đã chi viện đắc lực, kịp thời cho các đơn vị theo yêu cầu. Với quả đạn cối nặng gần 4kg, với kiểu bắn ứng dụng rất linh hoạt, cối 82ly của đại đội 8 làm cho quân địch khiếp sợ.

Bọn địch không chịu nổi sức tấn công mãnh liệt của quân ta, một số tuyến phòng ngự của địch phải bỏ chạy.

Tiểu đội B41 là tiểu đội 4 thuộc trung đội cối 82 của đại đội 8 khi chuẩn bị vào chiến trường tiểu đội này biên chế hẳn vào các đại đội bộ binh. Mỗi đại đội một khẩu, trong các trận đánh tất cả các tiểu đội của các trung đội 12,7ly, DKZ 82ly đều tăng cường về các đại đội bộ binh. Trong trận này mũi nào, hướng nào cũng ác liệt, cũng khó khăn nên tiểu đoàn giao khẩu B41 cho tôi đi cùng trung đội cối 82ly, khi nào mũi nào khó khăn tiểu đoàn lại điều tôi về chi viện cho mũi đó. Tôi là xạ thủ chính, Thắng số phụ mang đạn, với ba lô đạn 3 quả cùng 1 quả cầm tay. Thắng người thấp, nhỏ con, nặng khoảng 45kg, nó chậm chạp nên tôi thường kiêm luôn mang bô lô đạn cho gọn vì nó thường đi- chạy không kịp tôi, thôi để nó ở trung đội cối nó gánh đạn cối.

Sang đêm thứ 2 ngày 10/4 khoảng 7 giờ tối tôi được lệnh tăng cường lên tiểu đội tiền tiêu của đại đội 7. Tôi vội khoác khẩu súng B41 cùng ba lô đạn 3 quả, một quả lắp đầu nòng súng thêm một quả cầm tay, tất cả 5 quả B41. Lên đến nơi tôi thấy tiểu đội này ở trong căn hầm vững chắc của quân địch để lại, trong ngôi nhà 3 từng, tôi thông báo cho tiểu đội trưởng tiểu đội này biết nhiệm vụ của tôi lên đây cùng tiểu đội chốt giữ vững trận địa này. Nói xong ra ngoài thấy 3 ống Hỏa Châu trắng xóa, tôi đút vội vào túi quần rồi bước lên cầu thang ngôi nhà 3 từng. Từ đây quan sát tôi thấy từ phía xa khoảng 300m nơi địch phòng ngự có ánh đèn pin lấp lóe. Đây là loại đèn pin cổ queo xuống, có thanh thép nhỏ để gài vào thắt lưng loại to bản. Đèn pin này được trang bị cho lính ngụy. Lâu lâu một loạt tiếng AR 15 nổ vang chắc bọn lính gác bắn lung tung cho đỡ sợ. Tôi đứng nhìn một lúc không phát hiện mục tiêu nào đáng bắn B41 cả, trong lúc đó pháo sáng từ máy bay thả xuống, cùng ánh Hỏa Châu của bọn ngụy bắn lên sáng rực trời. Tôi cũng rút ống Hỏa Châu từ trong túi quần thổ mạnh xuống từng thượng nhà 3 từng, tiếng vút lao lên khoảng 30 m Hỏa Châu vọt lên không trung, ánh sáng- sáng rực cả một vùng. Tôi ngồi xuống quan sát mục tiêu, phía địch không có phản ứng gì. Xuống từng trệt, tôi thổ tiếp 2 quả Hỏa Châu nữa xuống đường nhựa để quan sát, tìm mục tiêu, nhưng đêm nay rất yên tĩnh. Địch nằm im re cố thủ dưới hệ thống hầm hào, với hàng rào kẽm gai bao bọc bảo vệ.

Ngày 11/4 bước ngày thứ 3 của cuộc chiến. Những trận đánh trên toàn mặt trận Xuân Lộc diễn ra vô cùng ác liệt. Địch cố giữ những vị trí có ý nghĩa chiến lược và chiến thuật trong trung tâm thị xã, ta quyết đánh nhằm chiếm bằng được.

Trong ngày này chúng tôi vô cùng buồn khi nghe tin Kỳ xạ thủ B41 đã hy sinh. Kỳ quê Sơn Phúc- Hương Sơn- Hà Tĩnh trước ở với trung đội cối thuộc tiểu đội B41, sau đó chuyển về đại đội 7 bộ binh, hôm đó Kỳ đang đứng bên chiến hào ngắm bắn, ba lô đạn B41 có 3 quả để cạnh bên, địch bắn một quả M72 trúng ba lô đạn, liều phóng cháy bùng lên Kỳ. Kỳ đã anh dũng hy sinh.

Khoảng 5 giờ chiều ngày 11/4 tôi với Nguyễn Khắc Sơn, Đinh Phùng Tuệ, Phan Trung......ngồi cùng mâm ăn cơm chiều, nói mâm cho oai chứ mấy tàu lá chuối trải ra làm mâm. Nồi canh tạp tàng, ít thịt hộp cho vào chén nhỏ. Mọi người ăn trong không khí buồn rầu, tất cả lặng lẽ ngồi ăn, không còn cảnh vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ như những lần trước. Vì trong 3 ngày chiến đấu khốc liệt ai cũng đã thấm mệt, bên cạnh đó nhiều đồng chí, đồng đội, đồng hương đã hy sinh trong 3 ngày qua, đã để lại lòng thương nhớ, thương tiếc vô cùng trong mỗi người lính chúng tôi. Đang ngồi ăn bỗng nghe tiếng rầm từ trên cây mít bên cạnh rơi xuống đất, mọi người quay đầu nhìn lại té ra quả mít ướt chín thối từ trên cây rơi xuống. Có thằng buột miệng nói vui- cười" chưa biết điềm gì đây, điềm hay- hay điềm gỡ ?". Cùng lúc đó anh Trần Quy chính trị viên phó đại đội 8 đến, anh thông báo" mỗi tiểu đội cử 2 đồng chí đêm nay lúc 10 đêm bò vào hàng rào kẽm gai. Vị trí bên ngoài lô cốt A, hầm ngầm B.......các đồng chí bò vào hết sức cẩn thận, nếu lộ bí mật, thương binh tử sỹ chẳng những không lấy ra được mà các đồng chí cũng khó mà ra được luôn, bởi địch có thể cài lựu đạn dưới các thi thể và các họng súng của chúng đang canh chờ ta vào lấy thương binh tử sỹ đấy". Tiểu đội trưởng Nguyễn Khắc Sơn được chính trị viên phó Trần Quy gọi tên đầu tiên trong danh sách những người đi lấy thương binh tử sỹ đêm nay.

( còn nữa)

Theo Trái tim người lính