Hướng đường sắt, sau khi đối phương biết có lực lượng của chúng tôi chốt trên núi Dục Kinh thì chúng coi như đã bị cắt đứt. Xe cộ chạy trên đường 1 giảm hẳn. Lệnh của trên là hạn chế không cho xe dân sự di chuyển về phía nam, tiêu diệt hoặc bắn cháy xe quân sự. Thế là tổ trinh sát của Tiểu đoàn nằm quan sát, xem xe di chuyển là xe dân hay là xe lính để báo cho hỏa lực khai hỏa. Chúng tôi chỉ có thể dùng hỏa lực, vì muốn ra đường 1 là không thể vì điểm chốt cách đường những là ruộng thụt lầy, chống trải… điểm chốt của địch lại ở trên cao bên núi đối diện. Tôi bò lên nóc tảng đá xem đánh nhau mà như xem phim, ở vị trí này quan sát rất rõ.
Xe chạy trên đường giảm đi nhưng không dừng hẳn. Sau này mới biết là lực lượng của ta trên hướng đối diện không tiếp cận được đường 1 theo kế hoạch. Một số anh em ra tới đường 21 đầu tiên đã bị địch phát hiện và ta đã có thương vong, hiện đang tác chiến ác liệt khu vực cầu Sông Ván, ngay trước mặt chúng tôi.
Quá trưa, thằng Huyền thì thầm vào tai, thú nhận với tôi rằng, 3 bình pin dự trữ phân công cho nó mang theo, đêm qua nó đánh rơi xuống nước, bây giờ nó mới dám nói với tôi. Chết bỏ mẹ rồi, Huyền ơi. Tôi rên lên, ông có biết không, 2 đại đội, mấy chục mạng người phụ thuộc vào máy của tao và mày, bây giờ mất liên lạc chỉ còn nước chết, nếu sống thì chỉ có ra tòa án binh. Chúng tôi lập cập moi pin ra thử, 2 bình chập hỏng hắn, 1 bình chập chờn lúc được lúc mất. Bình đang làm việc thì cũng gần hết vì dùng suốt từ nửa đêm hôm qua, do phải canh liên tục. Thằng Huyền thú nhận, lúc nãy gần trưa trời nắng, nó đã tranh thủ phơi. Mặc dù vô cùng lo lắng, tôi động viên, ít nhất ta còn 2 bình đang dùng tạm, bọn mình cố gắng tiết kiệm. Tôi quyết định báo cáo về nhà, xin chi viện pin nguồn. Anh Kiên báo bảo sẽ gửi cho tổ đài chúng tôi nguồn dự trữ ngay trong đêm nay… Anh Khoa lo lắm, liên lạc giữa lực lượng bên này núi về BCH chỉ có duy nhất điện đài của chúng tôi. Đành rằng chúng tôi làm việc theo phiên, thay cho canh liên tục, cứ 15 phút mở máy một lần, nhưng khốn nạn, chúng tôi không có đồng hồ nên mỗi lần lên máy cũng mất nhiều thời gian mới bắt tay nhau liên lạc được nên vẫn tốn nguồn.
Nhưng rồi dịp may đã đến. Chuyện có nguồn điện bổ sung như sau:
Lúc xế chiều, trinh sát phát hiện thấy khoảng độ hơn chục tên địch đã vượt qua cầu Dục Kinh trên đường sắt, men theo đường sắt tiến vào điểm chốt của chúng tôi. Đường bộ bị hỏa lực ta khống chế, không thể chạy xe cơ giới, chắc chúng thử mở đường máu theo đường sắt chăng? Anh Khoa ra lệnh bí mật chờ địch đến thật gần, khi có lệnh mới được nổ súng. Một lát sau, nằm trong hang đá tôi thấy rộ lên tiếng súng con ngay sát bên… Bọn địch bị hắt trở lại, chúng hiểu rằng, đường sắt cũng bị bọn tôi cắt đứt rồi. Địch đã rút, để lại vài xác trên trận địa, sát với điểm chốt, còn lại chúng rút về trú dưới gầm cầu, cách ta khoảng gần 1 km.
Lát sau thấy tổ trinh sát của anh Luân và một thằng bộ binh c5 quay lại dắt theo mấy thằng tù binh. Mặt đen nhẻm, lão cười hì hì rồi quẳng cho tôi 2 hộp pin, bảo, thử đi. Tôi lập cập lắp vào thử, ôi, đúng loại nguồn dùng chung cho PRC-25 và PRC-77, quý hơn vàng đây. A Luân nháy mắt, bọn tao suýt chết mới kiếm được cho bọn mày đấy. Sau tôi mới biết, khi phát hiện thấy tốp địch có thằng đeo máy VTĐ, anh Khoa lệnh cho anh Luân, anh Minh phải bắt sống bằng được để thu pin cho thông tin. Anh kể ”Lúc bắt tù binh, bọn địch bên kia núi phát hiện, cạch cho mấy quả cối 81, may bọn tao, lăn được kịp xuống hố, thoát chết trong gang tấc”. Lão còn khoe thu được nhiều chiến lợi phẩm nữa. Tôi chỉ biết cảm ơn “ các anh cứu bọn em rồi, cứu sống cả mấy chục mạng rồi, cứu cả 2 đại đội rồi”. Tôi bảo thằng Huyền, thấy chưa, bảo rồi, đi trận với trinh sát thì lo gì, các bố này cáo già lắm.
(Về chuyện này, anh N.T. Luân đã viết nhiều. Đại để là trong đám tù binh anh Luân tóm được, có 1 thằng thiếu tá, Liên đoàn phó Liên đoàn biệt động quân 21, tên Dương Hữu Chiêu, người Cao Bằng. Anh NTL thu được của nó súng ngắn, dao găm, bao đồ đi trận… Sau giải phóng, bao đồ, dao găm anh Luân cho cậu em trai là lúc đó là sĩ quan quản giáo trong trại cải tạo sĩ quan ngụy ở Lao Cai. Thằng LQ Chiêu nhận được đồ dùng của nó và khẳng định bị bộ đội 320 tịch thu ở Phú Yên… Hay thật, trùng lặp ngẫu nhiên như tiểu thuyết vậy).
Trời tối dần. Trận địa im ắng. Xe cộ bị tắc một hàng dài độ cây số trên đường 1. Lác đác đã có xe quay lại Tuy Hòa.
Bây giờ mới thấy đói. Ăn lương khô sót ruột quá, nước uống thì hết. Dưới chân núi toàn nước lợ, không uống được. Nguy rồi. Du kích bảo, muốn có nước ngọt phải vào làng, hỏi bao xa, họ bảo đi ngược theo đường sắt khoảng 2-3 cây thì mới có nước, nhưng làng này họ không nắm được, cơ sở cách mạng đã trắng từ lâu…
Trời tối, thôi rồi là muỗi, hơn trấu, vơ được trong lòng bàn tay, khủng khiếp. May là tôi mang theo màn tuyn, chúng tôi mắc màn rồi chui vào trực máy. Chỉ khổ mấy thằng lười không mang theo màn, đêm nay bọn muỗi rừng ngập mặn chắc là có đại tiệc. Bắt đầu đói, khát… Anh Khoa bảo các cậu cố chờ trinh sát và du kích, tớ đã giao cho họ đi kiếm nước uống và cái gì đó để ăn rồi. Rồi tôi truyền lệnh của anh Khoa cho hai đại đội, “tổ chức vượt đường 1 về nhận tiếp tế trong đêm”. Hóa ra cả bọn sang đường sắt c5, c8 đều đói, khát cả, chả riêng gì bọn tôi.
Quá nửa đêm nhóm trinh sát anh Luân anh Minh như mọc dưới đất lên, a Luân, anh Minh quần áo rách bươm ào vào hang. Đúng như tôi dự đoán, toán TS anh Luân đi kiếm ăn kệ nệ bê các thứ về. Đầu tiên là nước ngọt, ôi sướng quá, các anh ấy đùm nước vào cái tăng Mỹ, cho vào ba lô nên uống thoải mái nhé, còn cho chắt vào bi-đông và túi nước để dành. Đồ ăn thì là trứng vịt, , cả sống cả chín… Nghe anh ấy kể, gần đây có lều vịt của dân trên cánh đồng trước mặt, bọn tao cùng du kích “ngoại giao” được. Anh Luân còn khoe, tao còn kiếm được tay lưới xịn lắm, tốt hết xảy luôn. Cái này, dừng ở đâu là tao có cá tươi khợp ở đấy. Ôi, cái đói, cái máu cải thiện của lính B3 nó ngấm vào máu rồi, lúc nào cũng lo đói. Đúng là lính B3!
Nào tranh thủ nghỉ một tí, bụng ấm quá rồi, vừa ăn đặc sản…”giường” đệm êm bằng lá rừng, ngủ có màn tuyn, thách bố con nhà muỗi đấy… ha ha….
Đêm, qua làn sóng điện, tôi mới được biết diễn biến phía bên kia đường. Chuyện là, đêm qua, c6 và c7 không chiếm lĩnh được trận địa theo kế hoạch nên thời gian nổ súng bị trễ. Khi trời sáng, mới ra được đến đường 1, lại không phát hiện được chốt của địch trên núi. Khi nhận được lệnh cắt đường, nhìn thấy xe dân sự ùn lại, (những tưởng như tình hình như trên Cheo Reo), anh Liệu, Chính trị viên đại đội 6 và một tổ chiến đấu ra tận đường 1 ngăn dân lại và giải thích thuyết phục họ quay lại. Ta nhân văn thế, ta đâu có nổ súng vào dân. Thế mà phía bên kia chúng bắn trộm, anh Liệu và trung đội trưởng Bế Thanh Bình hi sinh ngay lúc đó. Dã man hơn, bọn ác ôn ở điểm chốt của QLVNCH trên hướng đối diện còn lôi xác các anh rồi dùng lưỡi lê đâm nát thi hài các anh ngay trên đường số 1. Tiểu đoàn thông báo và phát động phong trào thi đua diệt địch, trả thù cho các anh. Nghe tin, tôi lặng người đi. Anh Liệu là sĩ quan hướng dẫn dìu dắt tôi từ trận đánh đầu đời, được phục vụ anh trong trận ĐỒI CHUỐI, trận LỆ NGỌC hồi trên Gia Lai, lúc tôi chập chững bổ sung về đơn vị. Đau xót quá. Nhân đây, tôi nghiêng mình kính cẩn mặc niệm hương hồn anh Liệu và anh Bế Thanh Bình, một nén nhang thơm gửi cho các anh… (Các anh sau này nằm ở nghĩa trang LS Tuy Hòa).
Đêm đó tôi nghẹn ngào kể lại kỷ niệm với anh Liệu cho thằng Huyền nghe. Phía trước mặt, đường số 1 tối um, không có một cái xe nào dám vượt qua vùng chiến sự. Chúng tôi thay nhau chợp mắt, trong cơn mê sảng, tôi thấy Anh Liệu vẫn cười với tôi, vẫn thủ thỉ bằng giọng xứ Nghệ Tĩnh líu lo…
*****
Thế là lại một đêm nằm trên núi Dục Kinh.
Từ tờ mờ sáng, âm thanh của các loại hỏa lực bắt đầu rền vang phía bắc. Đại quân của Sư đoàn nổ súng. Ta bắt đầu tiến công trên toàn mặt trận, Trung đoàn 48 tác chiến ở phía Bắc, phối hợp với bộ đội địa phương đánh chiếm căn cứ Chóp Chài rồi phát triển thành hai mũi vào thị xã, tiến thẳng ra hướng sân bay Đông Tác.Trung đoàn 9 đảm nhiệm đột phá trên hướng chủ yếu; bộ binh cùng xe tăng nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thị xã, căn cứ pháo binh Nhạn Tháp và Dinh tỉnh trưởng ngụy Phú Yên.
Ở hướng nam, trung đoàn 64 chúng tôi dùng tiểu đoàn 7 chặn đường số 1, đoạn cầu Đà Rằng.; tiểu đoàn 8 khóa chặt Đèo Cả không cho địch tháo chạy vào phía trong, điều kiện thuận lợi sẽ phối hợp với các đơn vị bộ đội địa phương Phú Yên đánh chiếm quận lỵ Hiếu Xương rồi thọc một mũi ra thị xã, cùng đánh vào sân bay Đông Tác.
Lệnh chuẩn bị xuất kích. Tổ đài chúng tôi thu xếp vũ khí, trang bị, máy móc sẵn sàng. Theo phân công thằng Huyền hôm nay trực tiếp trực máy và làm việc, tôi ôm vũ khí bảo vệ máy và bám sát tiểu đoàn phó Lương Minh Khoa, chúng tôi bò dần ra sát mỏm núi, gần cây cầu Giục Kinh trên đường sắt. Chả cần chờ đợi lâu, từ hướng bắc, bộ binh địch, xe cộ (chủ yếu xe ca, xe con, xe tải… không thấy có tăng, thiết giáp), cả dân nữa ùn ùn đổ về. Phía thị xã, các quận lỵ phía nam, các đồn bảo an, dân vệ, hệ thống ngụy quyền dọc đường 1 từ cầu bắc qua sông Đà Rằng (sông Ba) chắc là đổ tất về đây. Phía bên đường bộ, chạm súng xảy ra ác liệt, địch cố mở đường máu vượt qua chốt, vượt qua cầu Sông Ván về phía ga Hảo Sơn thì bị bộ đội c6, c7 đánh hắt trở lại, chúng buộc phải dừng. Không may cho chúng, chúng lại phơi sườn ra trước mũi súng của bọn tôi bên đường sắt. Nếu chúng tôi nổ súng nhắm vào mục tiêu thì chắc thiệt hại không biết bao mà kể. Lính, dân, xe cộ phơi ngay trước mũi súng chúng tôi như những tấm bia sống. Chúng tôi khai hỏa, chủ yếu là 12,7 ly, đại liên, trung liên, còn súng AK gần nhưng đuối tầm, suốt cả dãy núi đã phía bên này rền vang, tiếng nổ dội vào vách đá thành một thứ âm thanh chết chóc khủng khiếp… Mà lạ quá, chúng tôi quan sát, chẳng thấy trúng mục tiêu là mấy, hóa ra bộ đội ta chủ yếu bắn tà dương, bắn lên trời và bắn lên núi đá trước mặt…Vì nhiều dân thường, ta không nổ súng vào dân, họ không có tội tình gì mà phải thiệt mạng. Cũng chẳng thấy cán bộ nhắc nhở gì… Địch lùi dần lên phía bắc. Một vài đợt phản kích cố kiết chọc thủng vòng vây nhưng đều bị hắt ngược trở lại, hi vọng của địch tắt dần khi bộ đội của tiểu đoàn bắt đầu tràn xuống đường 1, chốt chặn ngay tại mặt đường. Chốt địch trên núi Ván cũng tan vỡ tự lúc nào. Thế là, đến lúc này, đường 1 mới bị tiểu đoàn tôi bị cắt đứt hoàn toàn.
Phía bên này đường sắt, một đoàn dân, lính di chuyển theo đường sắt, họ bắt đầu vượt qua cầu Giục Kinh tiến về núi đá, chỗ xảy ra chạm súng hôm qua. Chờ toán quân lính vào sâu trận địa phục kích, đại đội 5 nhô lên khỏi vị trí phục kích, cả bọn đầu hàng nhanh chóng, ta không phải nổ phát súng nào. Ta nhanh chóng phân loại, lính ra lính, dân ra dân. Dân thả luôn, hướng dẫn họ đi ngược đường sắt về quận lỵ Hiếu Xương, lính thì gom gọn lại, dồn xuống gầm cầu Giục Kinh. Cả phía bên chúng tôi, cả phía đối diện, tiểu đoàn tôi tràn xuống đường, thế là tiểu đoàn tôi làm chủ hoàn toàn chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ chốt chặt, cắt đứt đường 1.
Tù binh bị chúng tôi bắt được đã lên đến mấy chục, tính cả mấy thằng bắt trước. Tiểu đoàn dồn hết chúng xuống xuống gầm cầu. Mùa này cạn, gầm cầu chỉ có lạch nước nhỏ chảy qua, còn lại là những vạt cỏ. Họ rúm ró ngồi sát vào nhau, mặt mũi ngơ ngác, căng thẳng. Trên Cheo Reo tôi cũng đã bắt tù binh, nhưng hôm nay, nhìn thấy lũ họ, chợt tôi thấy dấy nên một sự cảm thông sâu sắc. Cùng tuổi như nhau, sống ở hai chế độ khác nhau, thành kẻ thù của nhau… chứ những con người cụ thể kia, chắc họ chẳng có gì hoặc ít có lí do để căm thù Cộng Sản, căm thù Việt cộng, căm thù Cách mạng. Dù chỉ là chiến sĩ, hiểu biết còn nông cạn, nhưng tôi cũng hiểu rằng, họ cũng chỉ là nạn nhân của chiến tranh.
Tổ đài chúng tôi được giao cùng một tổ bộ binh canh giữ tù binh. Tôi ôm súng ngồi trên đường sắt ngó xuống canh chừng. Đám tù binh không có biểu hiện phản kháng. Chắc họ hiểu được, thời cuộc giờ đã hoàn toàn thuộc về phía cách mạng. Trong đám tù binh có một tay cứng tuổi, mặt mũi có vẻ rắn rỏi, có học có hành, và đặc biệt là nói lơ lớ giọng bắc, được đám lính dành cho thái độ rất kính cẩn khi tiếp xúc. Tôi đoán thằng này là chỉ huy. Chưa khảo đã xưng, lát sau, khi cán bộ của ta đến giải thích vắn tắt chính sách tù hàng binh, hắn đã tự khai cấp bậc là Thiếu tá, chức vụ là Liên đoàn phó, Liên đoàn biệt động quân số 21, QLVNCH (Liên đoàn tương đương Trung đoàn của ta). Và yêu cầu đầu tiên của nó là đòi gặp chỉ huy đồng cấp của ta. Tôi đoán thằng này chính là thằng tù binh mà anh Luân đã kể mà ta bắt được ngày hôm qua.
Anh Luân kéo tôi ra chỗ khuất khoe, thằng tù binh già kia là thằng chính tao bắt sống đấy. Nó người Cao Bằng, khoảng 40 tuổi, dân di cư vào nam 1954, học khóa 17 võ bị Đà Lạt rồi đấy. Thằng này là đối thủ của chính Trung đoàn mình từ trên Tây nguyên, không hiểu run rủi thế nào lại bị bắt hôm nay ở đây. Tên nó là thiếu tá Dương Hữu Chiêu. Nói rồi lão chỉ xuống thắt lưng khoe tiếp, trông đây: dao găm, hòm quẹt, ống nhòm, bi đông Mỹ…toàn đồ Mỹ nhá, tao thu của nó đấy. Vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng, lão còn khoe tôi khẩu súng lục Braoning nhỏ xíu, ánh mầu thép rất đẹp mà anh ấy lận mãi trong quần đùi, gần chỗ mọc súng thật của lão…Cấm mày nói cho ai biết, nghe chưa? Dạ nghe, dạ nhớ…tôi đáp thì thầm…(Chuyện này mãi gần đây, anh ấy cho mới biết, súng thì bị Trung đoàn thu ở Đồng Dù lúc Sài Gòn giải phóng; dao găm thì kỉ niệm cho Khuất Duy Hoan, lúc đó là a trưởng của c7, sau này Hoan là Sư đoàn trưởng 320, rồi Sư 31 và phó Tư lệnh Quân đoàn 3), bao đồ cấp cứu cho Đinh Ngọc Sĩ, y tá – sau là GS, TS, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, cái dây lưng bao đồ Mỹ lão cho em trai lão, sau làm giám thị trại tù binh ngụy… lão ấy bảo, lão chỉ giữ lại cái quần đùi hoa làm kỷ niệm, đáng tin không nhỉ? – Sau giải phóng, lúc khai báo thành tích, lão ấy đếch dám nói thật vụ này, sợ mất Huân chương, he he…
Đến trưa ngày 1 tháng 4 thì trên thông báo Sư đoàn đã làm chủ hoàn toàn thị xã Tuy Hòa, Sân bay Đông Tác… đang phát triển lên phía bắc, giải phóng nốt Tuy An, Sông Cầu – Thế là quê bác Tích, bác tôi đã được giải phóng. Về sau, ngày 1 tháng 4 được lấy là ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên.
Bàn giao tù binh cho du kích địa phương, chúng tôi ngược theo đường sắt rồi rẽ sang đường số 1 tiến ra phía bắc về hướng Quận Hiếu Xương. Đến đâu, cờ nở đỏ nửa xanh rộ lên, chính quyền về tay nhân dân. Cả đoạn đường 1 từ cầu Đà Rằng đến đèo Cả thuộc quyền kiểm soát của quân cách mạng.
Chiều và tối đó, tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 8 chúng tôi cùng một đại đội bộ binh tạm dừng và đóng quân tại làng Phú Khê, một ngôi làng nhỏ miền Trung kẹp giữa đường số 1 và đường sắt bắc nam. Lệnh chưa được quan hệ với dân. Tôi nhanh chóng chọn được gốc cây rơm ngoài sân, có chỗ ngủ rồi. Họ có 1 cái giếng, nước ngọt lịm, uống, tắm rửa thỏa mái, thế là tiên rồi…
Tôi có nhận xét là chính quyền cách mạng được thành lập rất nhanh, khác với trên Tây Nguyên, các bộ máy chính quyền chế độ mới đã được địa phương chuẩn bị chu đáo từ trước. Chủ lực giải phóng đến đâu, du kích và chính quyền cách mạng, cấp ủy Đảng cứ thế từ trong rừng ra, lắp ráp vào – Thấy địa phương tỉnh Phú Yên nhanh chóng xây dựng chính quyền cách mạng như thế, tôi mới tin là thực sự là chúng ta có CHIẾN TRANH NHÂN DÂN.
Sử sách nói, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc ngày 24 tháng 3, ngày chúng tôi tiêu diệt Củng Sơn. Nhưng đối với Sư đoàn 320, chiến dịch Tây Nguyên chỉ thực sự chấm dứt vào ngày 2 tháng 4, ngày Sư 320 giải phóng Tuy Hòa (Phú Yên), Sư 10 giải phóng Nha Trang (Khánh Hòa) và các đơn vị Khu 5 giải phóng Quy Nhơn (Bình Định).
CPG
Trái tim người lính