“Người thơ” Trần Nguyệt Ánh – Hội viên Hội VHNT tỉnh Đắk Lắk vừa “trình làng tập thơ thứ hai có tên “Miền gió say”, gồm 64 bài thơ. Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là “miền gió”, gió lộng, nơi “có cái nắng, có cái gió”.
Ai đã từng đến Tây Nguyên vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm sẽ chứng kiến nắng ấm áp, chan hòa, lộng gió. Đó là tự nhiên, còn miền gió say trong thơ Trần Nguyệt Ánh là một ẩn dụ thi ca. Con người không nhìn thấy gió vỗ về trên bề mặt cơ thể mình, không thấy tán cây xun xoe, trò chuyện, díu dan...”Miền gió say” của Trần Nguyệt Ánh vừa hiện hữu, vừa mờ ảo, không cầm, không nắm được.
Trong “Miền gió say”, chủ đề quê hương đất nước chỉ có 4/64 bài: “Bên dòng sông mẹ”, “Dệt quê hương”, “Bất chợt chiều xuân”, “Tháng ba Tây Nguyên”. Thân phận có 9/64 bài: “Dưới ánh đèn mờ”, “Mùa xuân của mẹ”, “Tình mẹ cổ tích”, “Con sẽ làm tia nắng”, “Mảnh vá đời tôi”, “Chiều cuối năm”, Vàng thu”, “Người đàn bà dỗ đêm”, “Say thơ”. Thế sự có 5/64 bài: “Khi bóng tối bủa vây”, “Linh hồn tranh”, “Linh hồn tượng gỗ”, “Nghe tin bão”, “Tiễn anh lên đường”. 46/64 bài, gần 72% trong tập đều là thơ tình yêu. Chắc hẳn tác giả không để ý, nhưng con số 46, nếu đổi vị trí sẽ thành 64, và tổng số đều là 10. Một con số quá đẹp về mơ ước, khát vọng, có thể hoán đổi, ràng rịt vào nhau mà tròn trịa.
Trần Nguyệt Ánh dường như tự “giải phẫu” cảm xúc của mình. Có thể thấy nhiều cung bậc khao khát của bản thể. Tên các bài thơ, từ chân thật như “Lỡ hẹn một mùa hoa”, “Viết cho người đến sau”, “Giấc mơ tình yêu”...đến rất ảo như “Trái tim đảo ngũ”, “Đêm rỗng”, “Nỗi nhớ nảy mầm”. Trần Nguyệt Ánh luôn “Tự hỏi”, “Theo gió”, đến mức gặp “Bão tình”, “Say”. Nhiều khi chị tự thấy mình “Không đủ bản lĩnh”,, trên con đường tìm “Sắc màu tình yêu”, “Tình yêu màu cổ tích”. Và chính chị cũng luôn “Đợi người về” giữa “Miền gió say” để cùng nếm “Mật tình”.
...
Em sợ xuân tàn khi vừa chớm tháng Ba
Sợ mật ngôn không còn phù sa màu mỡ
Sợ tình yêu anh đắp bồi lại lở
Sợ lỡ mùa dang dở kiếp phù sinh
(Mật ngôn nào cho em”
Với Tây Nguyên, tháng ba là mùa con ong đi lấy mật. Con ong mật là loài ong có ích với con người, việc này ai cũng biết; lưu ý rằng, ong có tổ chức đời sống trật tự, ong chúa có khả năng sinh sản cực cao. Ong mật có những “mật ngôn” truyền tin đến mức thành vũ điệu bí hiểm. Nhân vật “em” thông qua ẩn dụ “con ong” muốn mùa xuân kéo dài mãi, muốn được đắm mình trong “mỡ màu” của âm dương để phồn sinh, nẩy nở.
Tháng 3 đang giữa mùa xuân, nếu tính từ lập xuân đến lập hạ, nhưng người thơ đã bối rối “sợ xuân tàn khi vừa chớm tháng ba”. Bởi thường trực là nỗi lo bồi, lở, chông chênh, trôi dạt, phù sinh.
Người ta thường nói, hạnh phúc bò như ốc như sên, nỗi buồn đến như điên như dại. Với những người đang khao khát, tìm kiếm, chờ đợi tình yêu, tình yêu đồng nghĩa với hạnh phúc. Trong “Miền gió say” thấy rõ một chân dung “em” được Trần Nguyệt Ánh khắc họa chờ đợi đến tôn thờ, đến mức “run rẩy trước gió mùa / chưa hết những khát khao” (Đợi), có lúc “Độc hành về phía không anh” vẫn mơ ước đến “Tình yêu màu cổ tích”.
Thơ tình Trần Nguyệt Ánh là tự sự đầy ý thức, chân thực như giãy bày. Nhưng, không vì thế trong “Miền gió say” không có những câu thơ đã đến được “đền đài” của thi ca nhiều ẩn số như “Em rót chiều qua vai” (Theo gió); hoặc những câu lục bát đẹp, giàu thi ảnh như “Ngoài đồng giá buốt mưa trơn / Bàn chân mẹ bấm nhẵn mòn bờ đê” (Mùa xuân nhớ mẹ); hoặc những câu thơ tự do ám dụ “Lăn vào anh để tự vỡ chính mình” (Tự vỡ)...
Tình yêu, có lẽ là phạm trù của dấu hỏi, Số ít có, số đông chưa, dù “có” hay “chưa” đều luôn có những sắc màu của sự giật mình. Trần Nguyệt Ánh trong “Miền gió say” vẫn đồng hành cùng một nhân vật “em” tìm cách lý giải. Có một điều chắc chắn rằng, ở đâu đó rất gần hoặc vời xa trong trái tim yêu của chị có một “nỗi nhớ dậy thì”, “nỗi nhớ nảy mầm”, luôn muốn bung ra, phóng sinh.
...
Trong tim em đầy rẫy những gai đâm
nhưng không đủ bản lĩnh
nút ra để cầm máu...
(Không đủ bãn lĩnh)
Biết đâu với trái tim luôn nhức như vậy, chảy máu như vậy, mới cảm được rằng: trái tim đang sống trong ta. Chảy máu vì tình yêu, đó mới là những trái tim hạnh phúc, thần thánh.
Ở tuổi chín của cảm xúc, lắng nghe được đầy đủ sự va đập từ cuộc sống, nên Trần Nguyệt Ánh cảm được nhân thế, tiếng lòng, trắc ẩn của con người. Vì thế, trong “Miền gió say” dẫu ít ỏi nhưng cũng đủ để sẻ chia thân phận.
Người đàn bà dỗ đêm
Tự ru mình bằng câu thơ đã cũ
Chiếc gối đêm trằn trọc bao đêm không ngủ
Trái tim hóa đá ngục tù
(Người đàn bà dỗ đêm)
Thường thì ở đời ai cũng có những lo âu, hy vọng. Và với những ai hiểu được điều đó ở người khác mới là những người có trái tim nhân vị. Trần Nguyệt Ánh không chỉ đi vi phẫu nhân vật em, mà còn biết sẻ chia với những “em” tương tự. Đó là những người đàn bà làm bạn với “nước mắt đêm”, vá víu những đa đoan.
...
Mảnh này vá nỗi thương đau
Mũi kim đâm thấu tận sâu đáy lòng
Mảnh này vá những long đong
Cho đời an phận thoát vòng đa đoan
(Mảnh vá đời tôi).
Trần Nguyệt Ánh đã xuất hiện với tư cách nữ nhà thơ viết về tình yêu. Thơ chị là tiếng nói khao khát về giá trị thiêng liêng trong đời sống lứa đôi; đồng thời cũng là tiếng hát của sự sẻ chia, thấu cảm.
Miền gió say” là tập thơ thứ hai, đánh dấu những tiến bộ của chị trong thơ. Ngoài thơ, Trần Nguyệt Ánh còn sáng tác văn xuôi. Truyện ngắn của chị đã được một số báo ở Trung ương và địa phương sử dụng. Điều đó cho thấy, chị có năng lượng sáng tạo.
Ngày 24/01/2022
NĐH