Trân quý mọi sự tương trợ để cùng đẩy lùi dịch COVID-19

Trịnh Giang/VOV-TPHCM

09/08/2021 07:55

Theo dõi trên

Những ngày qua, đồng bào cả nước đều hướng về TP.HCM với những hoạt động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ ngành y tế, lực lượng tuyến đầu,… trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Mọi đóng góp về nhân lực, vật lực lúc này đều là “liều thuốc” giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Hỗ trợ chống dịch là trách nhiệm chung

Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM, nhiều địa phương trên cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, cử cán bộ, nhân viên y tế tham gia chi viện cho TP. Với tinh thần “tất cả vì TP.HCM”, 24 đoàn công tác với hơn 4.000 nhân lực đến từ Sở Y tế các tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An,… các bệnh viện Bộ, ngành, một số trường đại học, cao đẳng đã nhanh chóng tới TP.HCM “chia lửa” cùng đội ngũ y bác sĩ TP trong công tác điều trị cũng như y tế dự phòng.

Đặt chân tới TP.HCM chưa tròn 1 ngày, 50 y bác sĩ của Sở Y tế tỉnh Lai Châu đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng y tế TP.HCM chống dịch COVID-19. Tối 8/8, một nhóm gồm 12 bác sĩ bắt đầu hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 (TP.Thủ Đức); 38 y bác sĩ khác đã được phân công về Trung tâm y tế Quận 8 từ chiều 7/8. Để trở thành những “chiến sĩ” thực thụ trên tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng về lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm phòng vaccine, điều trị các bệnh nhân trung bình và nhẹ…

Ông Đinh Xuân Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên và cũng là Trưởng đoàn hỗ trợ của tỉnh Lai Châu cho biết, đây là lần đầu tiên họ đi xa và nhận nhiệm vụ chống dịch tại “điểm nóng” TP.HCM. Thế nhưng, trước ngày xuất quân vào TP.HCM ai cũng vững tâm và háo hức được chia sẻ cùng lực lượng y tế TP.HCM. 

“Việc hỗ trợ TP.HCM chống dịch là trách nhiệm của những người đồng nghiệp ngành y trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khi lực lượng y tế phải căng mình dàn trải trên các mặt trận để chống dịch. Giúp đỡ TP.HCM là chúng tôi đang giúp đỡ chính mình. Bởi, khi dịch bệnh ở TP.HCM được kiểm soát thì chúng tôi sẽ được an toàn, nhân dân Lai Châu sẽ được an toàn”- ông Thủy cho biết. 

Trước sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của lực lượng y tế các địa phương trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, ông Lê Thanh Tùng, ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhận định, đây là sự chung sức, đồng lòng rất đáng quý của đồng bào cả nước đối với TP. Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng y tế các địa phương, thành phố đã đẩy nhanh công tác kiểm soát dịch cũng như điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng… nhằm giảm tải cho lực lượng y tế TP.

“Các y bác sĩ các địa phương đang làm công tác chống dịch tại TP.HCM làm việc ngày đêm, quên cả mệt mỏi. Ngoài ra, các đơn vị, các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trên cả nước cũng hỗ trợ máy thở, máy xét nghiệm COVID-19… tất cả đều đồng tâm chống dịch. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những đóng góp này”- ông Lê Thanh Tùng chia sẻ. 

Cũng công tác trong lĩnh vực y tế nên chị Hiền Anh (ở Quận 3) rất xúc động và trân quý những đóng góp của đội ngũ y tế các địa phương, đặc biệt là các nữ bác sĩ chấp nhận xa gia đình, con cái để làm nhiệm vụ chống dịch tại TP.HCM. Đó là các nữ y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (TP.Hà Nội) đã cắt đi mái tóc dài của mình để tiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng; những người mẹ là bác sĩ tuyến đầu ngắm con qua màn hình điện thoại vì không thể về thăm… Với chị Hiền, lực lượng y tế ở các địa phương đang tham gia dịch nói chung và các nữ y bác sĩ nói riêng gần như đã hi sinh cuộc sống cá nhân để góp sức cùng TP.HCM chống dịch. 

“Đối với người phụ nữ thì ưu tiên hàng đầu vẫn là gia đình và con cái nhưng những điều mà các nữ bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm thực sự quá cao cả. Họ đã vượt lên tình cảm gia đình để vào TP.HCM tham gia chống dịch. Tôi rất ngưỡng mộ họ”- chị Hiền nói. 

Mở dần những "vùng xanh"

Thời điểm giữa tháng 7/2021, phường Linh Trung (TP.Thủ Đức) đã trở thành “điểm nóng” COVID-19 với số lượng ca bệnh tăng nhanh, nhiều ca mắc COVID-19 mới ngoài cộng đồng nên phải phong toả toàn phường để khoanh vùng, dập dịch. Trong giai đoạn khó khăn này, phường Linh Trung đã nhận được sự hỗ trợ của 11 sinh viên Đại học Y dược Thái Nguyên. Nhờ đó, công tác lấy mẫu, khoanh vùng, điều tra dịch tễ; công tác cách ly,… được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo quy định của Bộ Y tế. Các bạn sinh viên còn góp phần trong công tác đẩy mạnh chích vaccine và test nhanh cho điểm phong toả trên địa bàn, biến những khu phong toả là “vùng đỏ” có nguy cơ lây nhiễm cao thành “vùng xanh”.

Trước sự hỗ trợ của lực lượng y tế này, ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức cho biết, công tác sàng lọc lấy mẫu sàng lọc để truy vết là nhiệm vụ hết sức quan trọng và các bạn sinh viên đã giúp sức cho phường thực hiện nhiệm vụ này khá hiệu quả. "Từ công sức của các bạn, quá trình truy vết, cách ly, tìm ra các F0 chỉ điểm thực hiện được khá tốt. Từ đó, chỉ sau một thời gian ngắn phường đã thực hiện tốt công tác cách ly và không còn ca phát sinh. Phường cũng đã được gỡ phong toả”- ông Hưng cho biết.

Đánh giá về công tác chống dịch của lực lượng tuyến đầu TP.HCM hiện nay, theo BS.Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), dịch diễn biến phức tạp trong thời gian dài khiến lực lượng nhân viên y tế dần đuối sức. Do đó, nhu cầu về nhân lực, thiết bị y tế là rất cấp thiết đối với TP.HCM trong giai đoạn này. Do đó, ông Trần Văn Khanh cho rằng, sự hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế,… của các địa phương là rất thiết thực, ý nghĩa đối với các đơn vị đang làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch. 

“Sự góp sức của các đơn vị y tế ở bệnh viện Trung ương cũng như nhiều địa phương trên cả nước sẽ giúp tăng thêm nguồn lực về con người có trình độ cao. Đặc biệt là trong hồi sức, cấp cứu để điều trị những ca bệnh nặng"- BS Khanh cho biết. 

Đối mặt với đợt dịch lần thứ 4, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã trở thành “điểm nóng” COVID-19, phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Thế nhưng, trong bất kỳ giai đoạn khó khăn nào, tinh thần tương trợ của người Việt luôn được lan tỏa từ địa phương này tới địa phương khác; không phân biệt vùng, miền. Với tinh thần đại đoàn kết, sự cống hiến không mệt mỏi của lực lượng y tế các địa phương đang tham gia tuyến đầu chống dịch, chắc chắn dịch COVID-19 tại TP.HCM sẽ sớm được đẩy lùi.

 

---

Đọc thêm thông tin liên quan trên trang Hội nhập Văn hóa & Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/, nơi cập nhật thông tin bài viết phân tích chuyên sâu về kinh tế đối ngoại, văn hóa hội nhập và phát triển bền vững.

Bạn đang đọc bài viết "Trân quý mọi sự tương trợ để cùng đẩy lùi dịch COVID-19" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn