Trần Vũ Long, có nỗi buồn vừa đi qua phố

Buồn xâm lấn, ngự trị trong tâm hồn. Có lẽ vì thế nên Trần Vũ Long mượn “đêm” và “bóng tối” để “nhân vật trữ tình” đối thoại với mình. Có thể kể ra đây các bài “Bóng tối”, “Sau màn đêm” và tương tự “buồn”, “đêm” xuất hiện trong nhiều bài thơ khác trong “Giấc mơ cây”, ám ảnh người đọc.
tran-vu-long-1628944365.jpg
Nhà thơ Trần Vũ Long

        Bạn thích đọc thơ thì bạn cứ đọc. Cũng đừng hỏi nhau/ và trả lời: thế nào là thơ hay? Thơ hay với chính mình là được, hợp với tâm trạng mình là được. Đọc lại “Giấc mơ cây” của nhà thơ Trần Vũ Long, trong buổi chiều vui thành xa xỉ, thấy hay nên “mổ cò” vài dòng.

66 bài thơ trong “Giấc mơ cây” là 66 cung bậc của nỗi buồn. Sao Trần Vũ Long sở hữu nỗi buồn nhiều thế? Chỉ riêng tên bài thơ có từ “buồn” đã có “Nâu buồn”, “Ta buồn”, riêng từ “buồn” với tư cách nói về trạng thái của nhân vật trữ tình thì gặp hầu hết trong các bài. Viết về cái chết đã có 3 bài: “Cái chết đẹp như mơ”, “Hình dung về cái chết”, “Và ta chết”. Ngoài đời, Trần Vũ Long cao to, đẹp trai, khuôn mặt trầm lắng, ưu tư, nhiều nhẽ. Đọc thơ thấy nỗi buồn vừa thực, vừa ảo, vừa có diện mạo, vừa hoang hoải.

Nỗi buồn trong “Giấc mơ cây” trước hết là nỗi buồn mồ côi, mất bố rồi mất mẹ. Trần Vũ Long mất mẹ trước, bố anh – nhà thơ Võ Thanh An, tên thật là Trần Quang Vinh mất năm 2017. “Thơ như là rượu đấy thôi / rượu như là mẹ một đời đắng cay” (Nghĩ về mẹ). Tôi đoán lúc làm bài thơ này Trần Vũ Long ngồi uống rượu một mình, tay nâng chén rượu, mắt nhìn lên di ảnh thân mẫu. Thương mẹ “một đời đắng cay”, cô đơn, buồn tủi vì mẹ mất quá sớm, chén rượu bỗng đắng ngắt.

 

Mười năm mẹ như mây trắng

cho con ngờ vực chính mình

mười năm mẹ thành hoa nắng

con buồn trong kiếp nhân sinh

(Mẹ)

 

Cũng như từ “buồn”, từ “đắng cay” còn gặp trong một số bài thơ khác, khi nhà thơ rơi tõm vào nỗi buồn: “Đi cho hết một con đường / yêu sao cho hết tận tường đắng cay / vui cho trọn một cuộc say / đầy tay nhận những đắm say, dại khờ” (Độc thoại).

Mẹ mất, rồi bố cũng bỏ Trần Vũ Long đi xa, khi Võ Thành An mới 75 tuổi. Bây giờ nhiều người thọ 90 hoặc hơn, tuổi ngoài 70 chưa hẳn nhiều, quan trọng hơn, với những người con bao giờ chẳng muốn bố mẹ mình sống mãi. Bố mẹ còn sống, dẫu không làm được gì giúp con cháu nhưng đó là cả “hình ảnh” tinh thần che đỡ. Mất bố, mất mẹ mới ngộ ra mình trơ trọi giữa cuộc đời, mới thấy vắng, thấy thiếu, thấy chông chênh. “Đến bao giờ bố ơi / trên đường về nhà con mới không bật khóc / cháu nội sau mỗi giờ tan học / thôi ngơ ngác trong phòng lạnh ngắt vắng ông rồi” (Nhớ bố). Tôi cứ hình dung, thân hình to lớn như Trần Vũ Long đổ sụp xuống, môi cắn chặt, nước mắt lặn vào trong.

...

con vẫn biết kiếp người như khói mây

sống chỉ tạm thôi, thác mới về

mà quãng đường cứ dài ra như thế

nước mắt tuôn rơi biết đến bao giờ

(Nhớ bố)

tran-vu-long-1-1628944365.jpg
Bìa tập thơ “Giấc mơ cây”

Chén đã cạn mà rượu vẫn tăm / đời cứ vơi sao buồn chưa lắng / nhị vẫn hương khi hoa đã tàn / thời gian từng giọt thấm tràn” (Nghĩ về bố). Phải nói là buồn, xa xót, lặng người. Bố theo mẹ về cõi mây trắng, để lại cho những đứa con “cô đơn”, cô đơn với Trần Vũ Long là cả một “gia tài”: “Gia tài người để lại / trong hình hài cô đơn / biết bao giờ con tiêu hết” (Gia tài người để lại).

Buồn xâm lấn, ngự trị trong tâm hồn. Có lẽ vì thế nên Trần Vũ Long mượn “đêm” và “bóng tối” để “nhân vật trữ tình” đối thoại với mình. Có thể kể ra đây các bài “Bóng tối”, “Sau màn đêm” và tương tự “buồn”, “đêm” xuất hiện trong nhiều bài thơ khác trong “Giấc mơ cây”.

Thi sỹ là những người có tâm hồn đa cảm, trong nhiều trường hợp “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (thơ Xuân Diệu); với Trần Vũ Long cuộc sống với nhiều điều bất ổn, nhiều thân phận nổi trôi ập vào trái tim anh, cộng hưởng lên thành “nham thạch” phun trào trong trái tim. Ngỡ như nhiều lúc bị bóp nghẹt. “Giữa rừng bia mộ” ám ảnh, hay anh phải viết “Cho những hàng cây bị đốn hạ” hay “Những em bé di cư” đọc lên, không ai không liên tưởng đến hình ảnh em bé mới 7 ngày tuổi phải cùng bố mẹ chạy trốn dịch Covid-19 vừa mới xảy ra.

Có điều lạ, không hiểu vì sao Trần Vũ Long nghĩ nhiều về cái chết? Anh có đến 3 bài viết về cái chết như trên đã nói. “Ừ cái chết hơn một lần ta nghĩ tới / đẹp hơn kiếp nhân sinh / như cánh sen rụng rồi vẫn thắm / như mắt môi em cay đắng đến mặn nồng” (Hinh dung về cái chết). Có lẽ Trần Vũ Long, dẫu tuổi đời còn rất trẻ nhưng sớm ngộ ra sắc sắc không không. Cõi thực và hư cũng chỉ là bước chân “đi” và “về” rất nhẹ, miễn sao “như cánh sen rụng rồi vẫn thắm”  là “Nam mô” như tên một bài thơ trong tập, trước khi vào cõi giác ngộ.

...

đêm qua anh đã bay trên những vũng lầy

hành trình đơn độc

chẳng mang gì ngoài những giấc mơ

những giấc mơ lấm láp tội nghiệp

đã neo anh với đất này

(Mơ hoang)

 

Trước “Những vũng lầy nhân thế”, không thể không buồn, đến giấc mơ cũng “lấm láp tội nghiệp”. “ta đau như chén rượu buồn / ta vui như kẻ bán buôn phận mình” (Ta buồn). Gần như nỗi buồn thành nhân vật trữ tình thứ hai trong thơ Trần Vũ Long, thành bạn, nỗi buồn của thi nhân nhiều khi trở thành bạn, cứu rỗi “có một nỗi buồn vừa đi qua phố / cho ta ngồi bên nhau” (Với Thanh Chương chiều cuối năm)./.

 

Hà Nội, ngày 14/8/2021