Tre làng

Làng tôi là một làng thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, một làng có lũy tre xanh bốn mùa bao bọc.

tre-lang-2-1627919007.jpg

Tre làng (ảnh intenet)

 

Tre làng tôi không đẹp như trong tranh của các họa sỹ vẽ phong cảnh làng quê vẫn treo bán ở chợ quê những ngày giáp tết, không thanh cảnh như tre miền Trung, không mọc thành từng khóm to đùng như tre phương Nam, không chà chạnh gai góc như tre rừng Tây Bắc. Tre làng tôi không xanh mướt, không vàng óng, không mượt mà như làn sóng biển đâu. Tre làng tôi xanh một màu xanh giản dị, chân chất, hiền hòa như tính cách của người dân quê tự nghìn đời nay vậy.

Vâng. Người dân quê tôi, tự nghìn đời nay chỉ có hai người bạn thân thiết nhất. Đó là lúa và tre, tre và lúa. Lúa thì nuôi sống con người, sưởi cho con người ấm lòng ấm dạ. Còn tre thì bao bọc cho người, chở che cho cuộc đời sương gió của người dân quê.

Từ ngày còn bé tí ti, anh em tôi đã thấy lũy tre giăng giăng quanh làng, canh giữ cho xóm làng được thanh bình yên ả.

Ngay từ thời đầu trần, chân đất, áo vá, quần thâm, ăn nước ao làng, uống nước ao làng, tắm gội giặt giũ nước ao làng, lúc nào anh em tôi cũng thấy tre làng soi bóng xuống ao làng thân thuộc. Những cây tre xanh như những thiếu nữ chiều chiều xõa tóc làm duyên trước các chàng gió trời vừa mải chơi nghịch ngợm vừa ga lăng hết sảy. Tối tối, từng đàn cò trắng rủ nhau về đậu kín bờ tre. Rồi sớm sớm chiều chiều đàn cò bay trắng đồng bắt tôm mò tép. Có lẽ tre và cò là tín hiệu bình yên của xứ sở này chăng?

Bên trong lũy tre làng là san sát những ngôi nhà tre. Những ngôi nhà cột tre, xà tre, rui mè tre, con xỏ tre… Mái nhà lợp rạ nhưng không thể thiếu những chiếc lạt tre mềm mại dẻo dai buộc chằng cho mái rạ được liên kết chắc bền. Những ngôi nhà đắp tường đất đến lưng lửng rồi cắm dừng vách bằng những tay tre rồi trát bùn rơm đến mái.

Những ngôi nhà tre đã che nắng che mưa, che gió sương, giông bão cho người dân quê tự thuở xưa xa cho đến bây giờ.

Ta đã cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà tre thân thương ấy. Thế rồi các con trai, con gái, các cháu nội, cháu ngoại của ta cũng cất tiếng khóc chào đời tự trong những ngôi nhà tre thân thương ấy. Ôi, những ngôi nhà tre là bà đỡ cho tình yêu hạnh phúc, là bà đỡ cho sự sống của con người.

tre-lang-1-1627919101.jpg
Tác giả - Phạm Minh Giang

Khi đất nước có giặc, tre thành vũ khí. Những cây tre đằng ngà trong tay chàng trai làng Gióng đã quật tơi bời lũ giặc Ân xâm lược. Những cung nỏ bằng tre ở làng Kông-hoa của anh hùng Núp đã bắn Pháp chảy máu. Những chiếc đòn càn, đòn gánh bằng tre ở làng Tán Thuật của nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên đã làm giặc Tây nhiều phen khiếp vía kinh hồn.

Đường giao thông hào và bức tường tre ở những ngôi làng kháng chiến miền châu thổ sông Hồng đã trở thành “bức tường thép” để du kích và bộ đội địa phương ta đánh giặc giữ làng, góp phần làm nên một Điện biên chấn động địa cầu thời chống Pháp.

Hàng nghìn chiếc đòn gánh mềm mại bằng tre trên vai các cô thôn nữ, sơn nữ gánh thóc thuế, tải đạn, tiếp lương trong chiến dịch Điện biên, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đã góp phần làm nên Độc lập Tự do.

Rồi hàng ngàn, hàng ngàn chiếc gậy Trường sơn thời chống Mỹ đã đi cùng với những chiến công hào hùng của người chiên sỹ Giải phóng.

Trong đời thường, tre làm đũa cho ta và cơm, tre làm tăm cho ta xỉa răng sau bữa ăn hàng ngày. Tre làm rổ rá cho mẹ ta, chị ta và người thương của ta rửa rau, vo gạo. Tre làm thúng mủng dần sàng cho mẹ ta, chị ta và người thương của ta sàng sẩy để hạt lép, hạt buồn bay đi, hạt mẩy, hạt vàng, hạt vui ở lại. Tre làm nong nia đựng thóc vàng và nắng. Tre làm con thuyền cho cha ta, anh ta kéo lưới quăng chài trên biển, trên sông. Tre làm cây sào chèo lái con thuyền đến bến bờ hạnh phúc. Tre làm con diều giấy chở mơ ước của trẻ thơ bay lên, bay bổng, bay xa đến những chân trời…

Tre còn làm chữ, làm sách, làm quyển tự thuở xa xưa cho con người truyền được tri thức từ đời cha ông xưa đến đời con cháu sau này.

Thế rồi, suốt từ sớm tinh mơ đến tờ rờ tối mịt, người dân quê gánh gánh quang quang cuốc cuốc cày cày tất bật, đêm về mới được ăn uống, nghỉ ngơi. Chiếc giường tre như là một người bạn hiền thân thương vỗ về những nỗi lo toan, những nhọc nhằn sương gió trong ta.

Chiếc giường tre và lời mẹ ru ru ta vào giấc ngủ êm đềm.

Chiếc giường tre là bến đỗ bình yên, là cái nôi của hạnh phúc gia đình.

Cuối cùng, khi ta đã hoàn thành các nghĩa vụ ở đời “hành hương về cõi phật” thì chiếc gậy tre trong tay con trai ta sẵn sàng có mặt bủi ngủi bùi ngùi đưa ta về nơi chốn bình yên.

Tre làng ơi! Tre làng ơi! Ta yêu người lắm… Tre làng ơi…Tre làng ơi…

Theo Chuyện làng quê