Các đại biểu đại diện cho các huyện, thành phố đã đưa ra nhiều câu hỏi về việc xây dựng thí điểm "Làng văn hoá kiểu mẫu" để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: Ban chỉ đạo cần có hướng dẫn cụ thể xây dựng "Làng văn hoá kiểu mẫu" về hỗ trợ vốn; Xử lí môi trường như điểm xử lí nước thải, đốt rác; Mặt bằng xây dựng cụ thể; Cung cấp nước sạch cho nhân dân; Điện thắp sáng phục vụ "Làng văn hoá kiểu mẫu"; việc duy trì vận hành sau khi xây dựng; cơ chế vận hành "Làng văn hoá" đối với đội ngũ quản lí hay việc thiết kế Hội trường" Làng văn hoá" phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương...
Ông Bùi Hồng Đô - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc (ảnh trên) ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong việc triển khai Đề án, nêu rõ: Đối với những ý kiến của các đại biểu, những nội dung nào vượt quá thẩm quyền của cấp Sở, Sở sẽ ghi nhận và trình cấp trên để bổ sung cho phù hợp. Còn lại đối với các nội dung như, xây dựng nhà văn hoá sẽ gắn với làng văn hoá để tránh lãng phí, phần thiết kế sẽ xin ý kiến nhân dân để phù hợp văn hoá từng nơi. Về cơ chế cho người vận hành, Ban chỉ đạo sẽ thành lập Ban Chủ nhiệm để quản lý theo như đề án đó là 2 năm đầu sẽ được hỗ trợ, những năm sau sẽ tính toán phù hợp với tình hình thực tế có hỗ trợ hay không? Đối với vấn đề mặt bằng, trước mắt làm theo quy định.
Theo đề án, từ năm 2023, mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm tối đa 3 mô hình (riêng huyện Vĩnh Tường lựa chọn 4 mô hình), không chọn 2 mô hình trên một xã được chọn thí điểm.
Ưu tiên lựa chọn các làng có quỹ đất phù hợp để có thể tích hợp được tất cả các hạng mục đầu tư ở gần nhau và có lợi thế so sánh về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái.
Ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố không quá 20 tỷ đồng/mô hình. Phần tăng thêm (nếu có), do ngân sách huyện, ngân sách xã cân đối và huy động nguồn xã hội hóa. Khuyến khích sự tham gia đóng góp kinh phí, hiện vật, công lao động của người dân, cộng đồng xã hội. Năm 2023, sẽ có 28 thôn, tổ dân phố được thí điểm triển khai xây dựng.