Triển lãm tranh của nhóm “Rong chơi miền nhớ”

Nhóm họa sĩ Ba Cái Bông gồm Đặng Thị Dương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Nguyễn Anh Đào sẽ có triển lãm “Rong chơi miền nhớ” trưng bày hơn 60 tác phẩm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, 218A Pasteur, quận 3, TP.HCM. Triển lãm khai trương lúc 18g thứ tư ngày 23/8/2023, kéo dài đến hết ngày 29/8/2023.

Nhóm họa sĩ Ba Cái Bông lấy tên triển lãm “Rong chơi miền nhớ” là bởi Mỗi bông hoa là một thế giới, một màu sắc, một phong cách hội họa riêng. Đó cũng là tên thật, cũng như bút danh của mỗi họa sĩ. Triển lãm cũng là kỷ niệm, là kết quả của nhân duyên hội ngộ, đã gắn kết ba họa sĩ trong những chuyến đi giao lưu triển lãm quốc tế và trại sáng tác hàng năm ở Việt Nam do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức.

b1-2023-08-22t102040144-1692674591.jpg

Nhóm họa sĩ Ba Cái Bông (từ trái qua): Nguyễn Anh Đào, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Đặng Thị Dương.

 

Triển lãm trưng bày hơn 60 tác phẩm, gồm các chất liệu sơn dầu, sơn mài, acrylic, màu nước... Cho dù mỗi họa sĩ với phong cách vẽ khác nhau, nhưng luôn hiện diện trong tác phẩm của mình chính là tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Thiên nhiên, con người, vũ trụ luôn là nguồn cảm hứng vô tận để ba họa sĩ say mê sáng tạo, vẽ nên những bức tranh đầy tâm huyết, góp phần làm đẹp cho đời.  

Họa sĩ - Nhà giáo Ưu tú - Thạc sĩ Nghệ thuật Ðặng Thị Dương 

Trước 1975, họa sĩ Ðặng Thị Dương từng học Ðại học Luật khoa, Ðại học Văn khoa môn tiếng Pháp. Sau đó bà theo học Đại học Mỹ thuật TP.HCM khóa 1976-1982 chuyên khoa Sơn dầu, với sự hướng dẫn của các giảng viên như họa sĩ Văn Ðen, họa sĩ Trương thị Thịnh... Bạn cùng thời hầu hết đã thành danh, họ cùng góp phần làm nên diện mạo mỹ thuật phía Nam.

b2-2023-08-22t102117001-1692674762.jpg

“Mưa trên cầu Caroussel Du Louvres”. Sơn dầu 90 x 90. Nguyễn Thị Dương. 2023.

 

Họa sĩ – Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy nhận định: “Sở trường chất liệu sơn dầu, ngôn ngữ tạo hình trong tranh của chị có nét riêng rõ nét. Hình tượng trong tranh của chị không theo khuynh hướng hiện thực, ấn tượng, biểu tượng hay tả thực. Hình tượng trong tranh của chị từ con người, phong cảnh, con vật đều mang hơi thở hồn nhiên, ngộ nghĩnh giàu tính trang trí, nhí nhảnh và khoáng đạt”.

Còn họa sĩ Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Đây là cô giáo của tôi, như từ cổ tích bước ra, dịu hiền, duyên dáng từ đời sống đến các tác phẩm. Tạo hình trong tranh của cô có tính cách điệu cao, nhiều tính nhân hóa, có lẽ vì cô từng là Chủ nhiệm khoa Kiến thức cơ bản ở Ðại học Mỹ thuật TP.HCM”.

b3-2023-08-22t102142592-1692674873.jpg

“Vườn tằm”. Sơn mài. Nguyễn Anh Đào.

 

Họa sĩ Ðặng Thị Dương có những hành trình không mỏi với nhiều triển lãm quốc tế tại Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong festival, Paris, Pusan - Hàn Quốc, Singapore, Berlin, Boulogne – Pháp, Penang… Ðặc biệt bà tham gia tích cực trong vai trò thủ lĩnh phái đoàn Việt Nam tại chuỗi Triển lãm mỹ thuật của các Nữ họa sĩ quốc tế - HPIC đã diễn ra tại Hàn quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Mông Cổ, Ðài Loan, Nga… Tham gia các biennale dành cho nữ họa sĩ quốc tế tại Qwangju, Hàn Quốc. Nhiều tác phẩm của bà được lưu giữ tại các bộ sưu tập cá nhân tại Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Úc.... Tranh của bà còn nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN…

Đặng Thị Dương nói: “Tình yêu thiên nhiên đã cuốn hút tôi vào những mảng đề tài yêu thích, và những bức tranh nồng nàn hơi thở cuộc sống đã được sinh ra từ những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống đầy thú vị. Hai khả năng dạy học và sáng tạo nghệ thuật luôn song hành trong tôi”.

Nay thì tuổi không còn trẻ, nhìn lại những cống hiến cho việc đào tạo thế hệ họa sĩ trẻ, bà cảm thấy mình tự hào khi gặp lại các em sinh viên năm xưa, giờ đã thành  đồng nghiệp, là những họa sĩ thành danh. Niềm hạnh phúc của bà bây giờ là ngoài thời gian dành cho gia đình, bà chỉ mong được ngồi vào góc riêng để đắm mình trong sáng tác.

Họa sĩ Nguyễn Anh Đào 

Nguyễn Anh Đào yêu thích hội họa từ bé. Học hết phổ thông, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Anh Đào đành rẽ lối học Sư phạm Mỹ thuật. Tình yêu hội họa đã thôi thúc cô sau đó, khi cô vừa đi dạy, vừa cắp cặp đến Hội Mỹ thuật TP.HCM học. Được người thầy đầu tiên là họa sĩ Lê Quang Luân tận tình chỉ dẫn, Anh Đào như được tiếp thêm sức sống.

Năm 2008, lần đầu tiên tranh của Anh Đào được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Cô cảm giác như chạm tay vào ước mơ của mình. “Lần đầu tiên tranh mình được treo tại triển lãm lớn, một không gian nghệ thuật thực thụ, được trân trọng và còn được người ta mua nữa. Cảm giác vui sướng, hạnh phúc lúc đó mình không thể nào quên được”, Anh Đào nhớ lại. Năm 2011, niềm vui lớn khi cô chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Một lần xem tranh cô, họa sĩ Mai Trực nhận xét: “Màu tranh của em rất hợp với sơn mài. Hay là thử xem”. Thế là học thêm kỹ thuật sơn mài từ các họa sĩ Mai Trực, Nguyễn Lâm, Lê Xuân Chiểu… đến các thầy dạy ở Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Duyên nợ với sơn mài cũng bắt đầu từ đó.

Năm 2012, lần đầu tiên tranh Anh Đào được triển lãm tại một gallery ở Singapore. Cũng năm đó, tại Triển lãm Họa sĩ nữ quốc tế (Việt Nam đăng cai, diễn ra tại TP.HCM), Anh Đào là một trong 3 gương mặt nữ được chú ý. Một nhà sưu tập đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) mua một lúc gần 20 bức tranh, treo trang trọng trong một biệt thự tại TP.HCM. Năm 2013, lần thứ hai tranh của cô đến Singapore qua triển lãm Art Fairs.

b4-10-1692674946.jpg

“Vũ trụ 2”. Acrylic 120 x 120. Liêu Nguyễn Hướng Dương.

 

Anh Đào chia sẻ: “Tôi được là chính mình khi đến với hội họa, được vẽ tranh như mình yêu thích, kiếm sống được bằng nghề, đi được nhiều nơi. Tôi mang đến triển lãm lần này 2 dòng cảm xúc: thiên nhiên và nàng thơ giữa thiên nhiên. Trên con đường nghệ thuật của tôi, tôi không chỉ là một hoạ sĩ, mà còn là người ghi lại những dấu tích tuyệt vời của thế giới xung quanh chúng ta. Tôi hy vọng rằng những bức tranh của mình có thể lan tỏa sự bình yên và sự tương tác sâu sắc giữa con người với thiên nhiên, để mỗi người có thể tìm thấy những khoảnh khắc ý nghĩa và đẹp đẽ trong cuộc sống. Tôi thấy mình có nhiều động lực. Sắp 40 tuổi, nhưng tôi nghĩ mình vẫn mới bắt đầu”.

Họa sĩ Liêu Nguyễn Hướng Dương  

Nổi lên từ khoảng 2004, suốt 20 năm qua, xét trong các thế hệ họa sĩ 6X trở về sau, Liêu Nguyễn Hướng Dương (sinh 1975) là một trong vài họa sĩ bán tranh nhiều nhất tại Việt Nam.

Liêu Nguyễn Hướng Dương từng tham gia vòng hai Start Something New 2016 của Apple. Vòng một, Apple chọn ra 20 nghệ sĩ trên toàn thế giới, bao gồm các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt... bằng cách dùng sản phẩm công nghệ của họ để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Khi hoàn thành tác phẩm trên máy trong vòng vài ngày các nghệ sĩ sẽ gửi lại sản phẩm để họ duyệt vòng hai. Ở vòng hai họ sẽ chọn ra 10 người để chính thức dùng tác phẩm mà mình vẽ trên các sản phẩm cụ thể để quảng cáo sản phẩm. Liêu Nguyễn Hướng Dương đã vẽ tác phẩm của mình trên Ipad Air II và đồng thời dùng nó để quảng bá cho dòng sản phẩm này. Khi được chọn, các tác phẩm đã được in đồng loạt và treo trên khắp các cửa hàng Apple trong vòng 3 tháng đầu năm 2016 để quảng bá cho sản phẩm. Mật độ phổ biến của tác phẩm đại diện cho Apple này xuất hiện dày đặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra, tác phẩm hoa đào của Liêu Nguyễn Hướng Dương còn được dùng làm poster ở giao diện trang web chính của Apple để hưởng ứng cho chiến dịch này.

Liêu Nguyễn Hướng Dương chia sẻ: “Đối với tôi vẽ là niềm yêu thích. Tôi có thể chơi với màu sắc cả ngày mà không hề chán. Chỉ có làm hoạ sĩ mới có thể tạo cho bản thân nhiều hứng khởi và đam mê trong sáng tạo. Tìm ra được một phong cách khác biệt phù hợp với tâm hồn mình vốn là một điều hạnh phúc, nhưng khi được mọi người yêu thích và công nhận thì đó lại là một niềm hạnh phúc lớn lao hơn trong nghề nghiệp”.

Anh nói thêm: “Làn sóng cảm xúc tràn ngập mạnh mẽ dâng trào bên trong người nghệ sĩ, buộc họ phải sáng tạo. Quá trình này chỉ thoáng qua và người nghệ sĩ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải vội vã nắm bắt động lực sáng tạo bất ngờ đó khi nó đến. Đối với tôi khi vẽ mà đạt đến trạng thái xuất thần là điều tôi mong muốn nhất. Làn sóng cảm xúc tràn ngập mạnh mẽ dâng trào là bất ngờ và thoáng qua, nhưng quá trình sáng tác thì lâu dài. Khi nào thì anh biết “sự kiện” của mỗi tác phẩm cụ thể đã hoàn thành? Để một tác phẩm của tôi hoàn thành ngoài cảm xúc dâng trào qua hành động của "sự kiện" ra nó còn đòi hỏi phải đạt được nhiều yếu tố kỹ thuật như sự phối màu, sắc độ, nhịp điệu sáng tối, sự cân đối của bố cục... Và cuối cùng là nó đã thể hiện đúng cảm xúc của cái đẹp mà mình muốn hướng đến chưa”.

“Tôi là hoạ sĩ thích làm việc theo cảm tính, cảm xúc và sự rung động, nên tôi để mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên, xuôi theo dòng cảm xúc và những suy tư bất chợt của mình, nên chưa có kế hoạch gì cụ thể trong tương lai cả. Đối với tôi cảm xúc, sự rung cảm khi vẽ là điều khá quan trọng. Nuôi dưỡng cảm xúc để cảm hứng thăng hoa trong tác phẩm là điều tôi thật sự mong muốn. Vị tác giả, vị nghệ thuật, vị nhân sinh…? Đối với tôi nghệ thuật vị gì thì không quan trọng. Hội hoạ cứ chính là nó đi sớm muộn gì nó cũng sẽ tìm cách đến được và ở lại lâu dài với cuộc đời là điều tôi mong muốn” - Liêu Nguyễn Hướng Dương nói.