Trò chơi dân gian của người Dao đỏ ở Hà Giang (bài 1): Độc đáo điệu múa bắt ba ba (Piéo tổ)

Lê Hoàn

30/07/2021 19:09

Theo dõi trên

Đến với các bản làng của người Dao đỏ ở Hà Giang, chúng ta không chỉ say lòng bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng; được thỏa mắt ngắm nhìn những nếp nhà truyền thống, những cô gái Dao đỏ sặc sỡ trong bộ trang phục truyền thống… mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nơi đây, nhất là những làn điệu dân ca, dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó có điệu múa dân gian bắt ba ba (bắt rùa hay Piéo tổ) độc đáo và vui nhộn.

Người Dao đỏ có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Hiện nay, cộng đồng người Dao đỏ sinh sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Mê… Trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có sự giao thoa, mai một. Nhưng đồng bào Dao đỏ vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc thông qua các nghi lễ tín ngưỡng, các trò chơi, điệu múa dân gian.

Người Dao đỏ không biết cụ thể điệu múa bắt ba ba độc đáo của dân tộc mình có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khi lớn lên thì những nam thanh niên đã được cha, ông của mình truyền lại cho điệu múa này. Múa bắt ba ba là một trong những điệu múa phổ biến trong các sinh hoạt văn hoá quan trọng của cộng đồng người Dao, hoặc nó cũng có thể được múa ngay trong khi diễn ra các hoạt động ăn uống tiệc tùng hoặc vào buổi tối bên bếp lửa.

mua-rua-1627644416.JPG
Người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) chơi trò múa bắt rùa. Ảnh tư liệu

Nguồn gốc sự ra đời của điệu múa bắt nguồn từ truyền thuyết: Từ xa xưa, người Dao đỏ đang đoàn kết, sinh sống yên vui, mùa màng tươi tốt, trâu, bò, lợn, gà đầy đàn… thì bỗng một ngày xuất hiện một con rùa yêu quái đến quẫy nhiễu, phá hoại mùa màng, gieo rắc bệnh tật cho người và gia súc, gia cầm khiến mọi người hoang mang, lo sợ. Họ bèn kêu cứu lên Bàn Vương (Bàn Vương được đồng bào Dao coi là thủy tổ của các dòng họ của mình nên được cúng bái chung với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình), thì được Bàn Vương báo mộng cho biết: Tất cả những tai họa người dân gặp phải đều do con rùa yêu quái gây ra nên phải tìm bắt và giết ngay lập tức thì người dân mới được sống những ngày tháng yên bình. Sau khi được báo mộng, người Dao đỏ họp bàn nhau lại và thống nhất những người đàn ông, nam thanh niên đều phải đi tìm bắt bằng được con rùa yêu quái. Để trừ họa cho dân, những người đàn ông khỏe mạnh phải chung sức, đồng lòng đánh đuổi rùa yêu quái, từ đó trò đánh đuổi rùa đã được diễn xướng thành điệu múa bắt rùa.

Với cộng đồng người Dao đỏ, điệu múa bắt rùa là niềm tự hào của dân tộc. Bởi chúng không hề giống với bất cứ điệu múa nào của các dân tộc khác. Điệu múa diễn ra với các bước cơ bản gồm: Xuất phát; cuốn vòng vây để bắt rùa; chọc cây vào hang để xua rùa; bắt rùa; đưa rùa về nhà; đặt rùa lên bàn để cân; xâu thịt rùa; chia thịt rùa.

Khi múa người ta để một chiếc ghế hoặc một chiếc bàn nhỏ ở giữa làm tâm, sau đó từng tốp mỗi tốp từ 6 đến 7 người là nam giới trong làng thay nhau múa. Trên tay mỗi người cầm một nhạc cụ gồm: Trống, Thanh la, Chuông nhạc, Phách…để vừa múa vừa chơi tạo nên một điệu múa không lời rất nhộn nhịp.

Thông thường những người cầm trống đi trước để lấy nhịp, tiếp theo là người cầm thanh la, Chuông nhạc, Phách, họ đi theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ vừa đi vừa lấy chân trái làm trụ để nhún theo tiếng nhạc, đồng thời sau khi múa 3 vòng đầu thì cứ sau 11/4 vòng lại quay tiếp một vòng tròn nhỏ nhằm thể hiện động tác vây bắt ba ba.

so-do-1627644497.PNG
Hình minh họa cách chơi trò múa bắt rùa của đồng bào Dao đỏ

Trong quá trình thực hiện điệu múa, cứ sau mỗi vòng xoay nhỏ thì cả tốp múa lại cúi xuống vừa chụm đầu vào và ngó xuống phía dưới chiếc ghế đặt ở tâm vừa gõ dồn dập các nhạc cụ trên tay rồi đồng thanh hú to. ở vòng quay nhỏ thứ 6 (Tức vòng quay nhỏ cuối cùng) thì những người múa dùng dùi trống, phách, chuông nhạc hoặc dùng tay vừa chọc vừa khua khoắng ầm ĩ xuống phía dưới chiếc bàn hoặc ghế ở tâm điểm, sau đó lại quay vòng tròn và thể hiện những động tác đeo ba ba, xẻ thịt và chia phần…

Trong điệu múa này, bằng những động tác quay vòng, nhún chân và sử dụng khả năng biểu cảm của khuôn mặt trên nền âm thanh của các nhạc cụ gõ, người chơi cố gắng thể hiện năng khiếu biểu hiện của mình tạo nên những động tác vui nhộn hấp dẫn. Đặc biệt là những động tác vểnh tai nghe ngóng đeo ba ba rồi giả bộ ngã thể hiện ba ba quá to cùng sự nhịp nhàng ăn khớp của các loại nhạc cụ nhằm gây thích thú cho người xem.

Trong khi các tốp thay nhau múa thì những người dự tiệc có thể vừa ăn uống vừa xem hoặc ngồi xung quanh cổ vũ để đợi đến lượt mình được chơi.

Trong điệu múa này, bằng những động tác quay vòng, nhún chân và sử dụng khả năng biểu cảm của khuôn mặt trên nền âm thanh rộn ràng của các nhạc cụ, tạo nên không khí vui nhộn, hấp dẫn. Đặc biệt là những động tác vểnh tai nghe ngóng, tìm rùa, rồi giả bộ ngã thể hiện con rùa quá to cùng sự nhịp nhàng ăn khớp của các loại nhạc cụ gây thích thú cho người xem.

Múa bắt rùa vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Múa bắt rùa có sức lôi cuốn kỳ ảo tạo nên men say là bởi bản chất nó là một bài nhảy có kết cấu chặt chẽ, được thực hiện tuần tự như một câu chuyện kể. Tất cả các động tác dù đã được cách điệu hóa nhưng thực chất là mô phỏng các động tác trong lao động sản xuất hàng ngày của người dân nên họ dễ dàng hòa chung vào điệu múa.

Múa bắt rùa trong các dịp lễ, tết đã thể hiện rõ nét tính cộng đồng, tình cảm gắn bó, bền chặt của các thế hệ người Dao đỏ ở Hà Giang, vừa góp phần cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất. Từ đó điệu múa đã trở thành vũ điệu chung của cả cộng đồng. Đây là những di sản văn hóa vô cùng quý giá trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào Dao rất cần được bảo tồn và phát huy.

Bài 2: Vật chày – Trò chơi mang đậm màu sắc huyền bí của người Dao đỏ.

 

                 

Bạn đang đọc bài viết "Trò chơi dân gian của người Dao đỏ ở Hà Giang (bài 1): Độc đáo điệu múa bắt ba ba (Piéo tổ)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn