Trò chơi quê xưa

Trẻ phố có lối sinh hoạt và trò chơi khác xa trẻ quê. Tất cả những món trò chơi thời bấy giờ đã trôi vào ký ức của lớp người như tôi.
trochoi-1694930286.jpg
Ảnh tác giả cung cấp.

Tôi sinh thời 7x. Có lẽ những trò chơi quê xưa đã bước vào "thời kỳ cuối". Tuổi còn để tóc ba gai, lứa trẻ thơ chúng tôi được vui với những trò chơi cổ điển. Chơi bi, đánh đáo đánh khăng, trò bịt mắt, nhảy dây rồi ô ăn quan. Nhiều lắm những trò chơi quê, mà đám trẻ thành phố mỗi lần về chơi, đều nhìn trẻ quê với vẻ thèm thuồng. Trẻ phố có lối sinh hoạt và trò chơi khác xa trẻ quê. Tất cả những món trò chơi thời bấy giờ đã trôi vào ký ức của lớp người như tôi.

Chơi bi thường là bình dân nhất, cũng phải "đầu tư" nhưng chả tốn kém là bao. Thời bấy giờ, để có những viên bi nặn bằng đất sét, rồi sơn màu xanh xanh đỏ đỏ lên, chúng tôi thường phải đổi bằng "đồng nát" là những thứ lượm lặt quanh nhà. Kể ra cũng tốn kém đấy, nhưng chả đáng là bao, mà cái thời bấy giờ, nào ai biết mặt mũi đồng tiền nó ra làm sao? Ăn thua cũng chỉ là những viên bi xanh đỏ, nhìn cũng bắt mắt...mà vui.

Những đứa "khá giả" thường có những viên bi "khế" bằng thủy tinh, gọi là bi cái. Rồi còn bi sắt nữa, nhưng loại bi sắt thường nặng không có độ lăn và độ nảy, nên ít được sử dụng.

Chơi khăng cũng vui. Bởi khăng làm bằng những khúc tre, chỉ cần chặt quanh nhà. Khúc tre dài cỡ nửa mét là mẹ, khúc ngắn khoảng chừng tấc rưỡi là con. Ăn thua chỉ là búng tai thôi, thường những đứa "có nghề" chơi khăng rất giỏi, kẻ bị thua thường là rộp tai lên vì thua. Nhưng chơi khăng hơi nguy hiểm, sứt đầu mẻ trán là thường tình, cá biệt có người còn vỡ cả con mắt cũng vì chơi khăng. Những đứa "non gan" thường chọn trò chơi khác, nhẹ nhàng hơn mà ít bị những thương tổn.

Có lẽ mang tính "cờ bạc ăn thua" nhất phải kể đến đánh đáo. Món này được sử dụng những đồng bạc xu nhôm, thời ấy có tiền xu, loại 1,2,5 xu, thường là sử dụng dồng bạc 5 xu, vì nó lớn và lỗ rộng hơn nên độ nảy cũng hơn các đồng xu khác. Ngày Tết, chúng tôi thường được mừng tuổi bằng tiền xu, nó bằng nhôm sáng bóng, nhưng chỉ sau vài ngày Tết là sứt mẻ. Nhưng ra chợ vẫn tiêu bình thường, đồng bạc ngày ấy rất có giá trị. Nhìn những đồng xu thấy thương lắm, người ta phải rửa cho sạch rồi cất giữ, chả như bọn trẻ.

"Chơi quay" là trò chơi đánh cù, cần những bàn tay khéo léo, đẽo con cù đơn giản, nhưng đòi hỏi phải cân đều và tinh tế. Những đứa trẻ chúng tôi chủ yếu đẽo bằng tay, cách chơi thì cần điêu luyện

Các trò chơi khác mang tính tập thể như trốn tìm, bịt mắt bắt dê thì phải đông người, bịt mắt bắt dê thường là hội làng, vì có tính vui giải trí và có đông người cổ vũ, lại có trống giong cờ mở. Nên mỗi mùa hội làng là những cuộc vui ngập lòng.

Những trò chơi tập thể thì nam nữ lớn nhỏ song hành. Lớp trẻ gái thì nhảy dây, chơi nụ, đánh chuyền, vật dụng rất đơn giản quanh nhà. Những trò chơi mang nét giới tính riêng biệt, nên trẻ khác giới nếu có chơi giỏi cũng bị coi là...dị. Lứa trẻ thường chia phe chia nhóm, rồi những trò mang tính dằn mặt nhau như "hội đồng tổng cốc" hoặc trốn tìm, cũng làm cho những đứa yếu thế phải chịu thiệt thòi.

Thời bây giờ khác.Công nghệ bốn chấm đã làm mất đi cái vẻ thôn dã, những đứa trẻ quen với công nghệ, và các trò chơi trên các ứng dụng. Hầu như chúng không thể hiểu, và cũng không thể biết được lớp cha ông của chúng, ngày xưa có những trò chơi gắn với tuổi thơ. Mà mỗi lần nhắc lại làm những người lớn tuổi lại nao nao nhớ.

Tôi về quê nhiều lần.Mỗi mùa hội làng, người ta vẫn bày ra những trò chơi xưa, lớp trẻ chúng không quan tâm lắm, và với chúng như một cái gì đấy nó quá xa lạ, tựa như trong cổ tích. Những người lớn vẫn còn hào hứng, vì nó gợi lại những ký ức tuổi thơ, tưởng như đã bị vùi sâu. Các trò chơi cũ, nhưng những vật dụng cũng không còn mang cái chất như xưa nữa, nên chỉ còn là hoài niệm. Một ký ức đã đi qua, khiến người ta tưởng nhớ.

Chuyện Làng Quê