Trở lại Vị Xuyên

Nguyễn Duy Hiếu

23/05/2022 18:12

Theo dõi trên

Đối với tôi, sau mỗi lần về thăm Vị Xuyên - Hà Giang đều là những câu chuyện đáng nhớ. Đó có thể là nụ cười hồn nhiên của những em nhỏ ở vùng cao, là sự tận tâm của những người lính Biên phòng sống trong lòng dân bản, và cũng có thể là nỗi day dứt ám ảnh khi gặp những cảnh đời, số phận không may mắn. Lần này, đi cùng Đoàn cựu chiến binh đến với Vị Xuyên, đã để lại cho tôi những cảm xúc khó quên.

vi-xuyen-1-1653303986.jpg
 

 

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Hà Giang là địa bàn trọng điểm bị quân Trung Quốc tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều nhất. Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường nóng bỏng và ác liệt diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984-1989.

Mặt trận Vị Xuyên- năm 1984

Sau sự kiện tháng 2-1979, tình hình biên giới phía Bắc nước ta vẫn luôn căng thẳng.Trung Quốc thường xuyên dùng pháo, cối bắn vào một số Đồn biên phòng và trận địa của bộ đội ta. Cao điểm nhất là tháng 4-1984, Trung Quốc mở cuộc tấn công xâm chiếm biên giới Việt Nam lần thứ hai. Chúng đã huy động nhiều Sư đoàn bộ binh, pháo binh tiến công vào Vị Xuyên. Hàng ngày, không khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn, súng cối từ bên kia biên giới rót sang. Giữa lúc chiến sự đang diễn ra hết sức căng thẳng, Tiểu đoàn pháo phòng không chúng tôi được điều động tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên để đề phòng địch tập kích bằng đường không. Trong những ngày tháng ở nơi đây, chúng tôi đã được chứng kiến sự ác liệt kinh khủng của cuộc chiến tranh. Ác liệt đến mức mà tại “vùng đất lửa” đó có những ngọn núi bị địch san phẳng đi hơn 3m. Có những cao điểm được lính ta gọi bằng những cái tên khốc liệt, như: "Đồi thịt băm”, “Thác gọi hồn”, “Lò vôi thế kỷ”, “Ngã ba cửa tử”… Mỗi tấc đất nơi đây đều thấm đẫm máu xương của bao chiến sĩ - hầu hết tuổi đời họ còn rất trẻ. Chiến sĩ trẻ nhất đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên là người đã viết đơn tình nguyện ra mặt trận lúc mới 16 tuổi. Nhiều trận đánh giành, giữ đất của bộ đội ta diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm. Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Quang Nhật cho chúng tôi biết: Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, quân và dân Vị Xuyên đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc xâm lược, buộc họ phải rút quân về bên kia biên giới. Thắng lợi rất oanh liệt nhưng tổn thất của chúng ta cũng rất to lớn. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh mà phần lớn trong số họ chưa biết “mùi yêu là gì”. Hàng trăm thôn bản bị xóa sạch. Hàng ngàn héc ta ruộng vườn, đồi núi bị cày xới, đầy rẫy bom, mìn… Rất nhiều liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chưa tìm được hài cốt và chưa có tên ghi trong nghĩa trang. Có thể nói, trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, quân và dân ở Vị Xuyên là những người “đi trước về sau”. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến đấu, với lực lượng vũ trang địa phương là chủ yếu, quân dân nơi đây đã kiên cường bám trụ chiến đấu, bẻ gãy và đẩy lùi hàng chục cuộc tiến công của quân Trung Quốc, giữ vững được trận tuyến phòng ngự… góp phần đánh bại âm mưu xâm lược của bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. 

Vị Xuyên hôm nay

Cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt ấy đã kết thúc hàng chục năm rồi, đến hôm nay tôi và mấy anh em mới có dịp trở lại chiến trường năm xưa. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi chóng mặt với vẻ đẹp huyền ảo của một vùng cao nguyên thơ mộng.Đường đến Vị Xuyên đi lại rất vất vả. Mặc dù được biết trước, nhưng khi đến tận nơi, chúng tôi mới thực sự hiểu hết những khó khăn của bà con nơi đây. Gọi là đường nhưng thực ra chỉ là lối mòn men theo sườn núi vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau. Không những thế, lại còn quanh co, khúc khuỷu lắm ổ gà, ổ voi.Có những đoạn đi qua khe núi, chúng tôi không phân biệt được đâu là lòng suối, đâu là đường đi. Chốc chốc, anh bạn dẫn đường lại phá lên cười rồi động viên:

- Đấy là khi trời nắng, còn nếu trời mưa, thì các bác chỉ có đi bộ cả ngày mới vào đến đồn Biên phòng Thanh Thủy.

Vị Xuyên, những ngày mùa Đông chìm trong sương mù dày đặc, có khi cả tuần mưa rả rích, rét tê buốt chân tay. Năm nay rét đến sớm hơn, chúng tôi được tắm mình trong cái lạnh lẽo của mùa đông khắc nghiệt nơi đây.Mãi mê ngắm nhìn sắc đẹp của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, khi những tia nắng cuối thu còn vương trên ngọn núi. Phong cảnh nơi đây đã khác xưa, chúng tôi bị cuốn hút bởi những vườn hoa, cây cảnh, ao cá và những luống rau xanh mơn mởn do cán bộ, chiến sĩ tăng gia, sản xuất…Đồng chí Trưởng đồn Lê Đình Hùng, quê ở miền Tây Thanh Hóa đã từng gắn bó với đơn vị gần chục năm nay tâm sự:Ở đây, còn nhiều khó khăn vất vả, thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn đoàn kết một lòng vừa tăng gia sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, không cho kẻ thù xâm lấn…”.

Trở lại Vị Xuyên lần này, chúng tôi cố gắng tìm hiểu những phong tục tập quán, văn hóa làng bản, con người nơi đây. Vốn đã từng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới từ năm 1984 đến năm 1987,chúng tôi rất hiểu Vị Xuyên có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, như: Tày, Nùng, Dao, Giáy... Mỗi dân tộc đều lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc riêng. Hầu hết các nét đẹp văn hóa của từng dân tộc đều giữ được giữ gìn. Vẫn còn đó những điệu múa và lễ hội dân gian truyền thống (Lễ Cầu mùa, cấp sắc, xuống đồng...), được xem là báu vật văn hóa phi vật thể mà người dân lưu giữ cho đến ngày nay. Đặc biệt, thôn Thanh Sơn nằm gần Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy - nơi được mệnh danh là “Ngã ba cửa tử” và những di tích lịch sử trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kiên cường của dân tộc đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Đến với Thanh Sơn, Đoàn chúng tôi có dịp gặp các cô gái Tày trong bộ váy dân tộc với nhiều sắc màu ngồi dệt thổ cẩm, đan lát... Và mua sắm cho mình những sản phẩm lưu niệm thủ công, như: túi xách, ví thổ cẩm, quần áo dân tộc; thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian do đội văn nghệ của thôn biểu diễn…

Rời khỏi Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng cùng những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây, Đoàn chúng tôi đến Bản Bang có những nét hấp dẫn riêng của một làng đồng bào Dao sinh sống, tạo nên nhiều dấu ấn với những lễ hội độc đáo và nổi tiếng “Lễ hội Cầu mùa”. Bản Bang, phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, những nếp nhà thoai thoải dưới chân đồi, những dòng suối uốn lượn giữa làng như một dải lụa lồng quấn ngang lưng người thiếu nữ càng tăng thêm vẻ đẹp hiền hòa. Lễ hội Cầu mùa mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, người người khỏe mạnh.Bản Bang có lợi thế nằm ngay gần Quốc lộ 2, thuận tiện cho hành trình khám phá của du khách. Nếu như ngày thường, trên những con đường chỉ toàn đá trơ trọi, khô cằn thì đến mùa đông, những cánh đồng hoa tam giác mạch lại nở rộ, phủ kín, trải dài khắp các vùng đồi, rộng bao la, đẹp đến mê hồn như đang mời gọi du khách về với vùng đất Vị Xuyên. Hoa tam giác mạch nổi tiếng ở đây bởi vẻ đẹp hoang dại, độc đáo và riêng biệt của nó.Nắng cuối thu vàng say như rót mật, chiều Vị Xuyên - hoa tam giác mạch ngút ngàn. Loài hoa tam giác mạch chính là loài hoa biểu tượng cho mảnh đất Hà Giang.Trông thì yểu điệu, mỏng manh, nhưng lại mang trong mình sức sống vô cùng mãnh liệt, sống giữa chốn núi rừng và trở thành một thứ màu sắc mới tô điểm cho mảnh đất này mà không phải nơi đâu cũng có.

Mùa đông đến với Vị Xuyên không chỉ được chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch bắt mắt, hoa cúc vàng rực rỡ mà còn được tận hưởng cái lạnh “cắt da, cắt thịt”. Ngồi bên bếp lửa hồng, cùng nhau nhâm nhi ly rượu ngô thơm nức. Thứ rượu ngô nồng ấm, nóng bỏng như sự nhiệt thành, chân phương của con người nơi đây,để rồi một lần chạm môi là cả đời lưu luyến không quên. Đoàn chúng tôi được thưởng thức văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo của cộng đồng các dân tộc vùng núi phía Bắc, như: xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp;Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen; Thắng cố là món ăn rất phổ biến ở các tỉnh vùng cao, có mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh.Trước đây, đồng bào bào dân tộc Tày, Dao Chàm sống ở những ngôi nhà quanh năm chìm trong sương trắng dường như là một thế giới khép kín đầy bí ẩn, ít người biết đến.Thế nhưng, những năm qua ở bản Bang có nhiều thanh niên mạnh dạn vượt qua hủ tục, mở cửa nhà đón du khách đến tham quan và lưu trú qua đêm.Những homestay của người Tày, người Dao đã và đang đánh thức tiềm năng du lịch cho vùng đất này, giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn. Bên bộ bàn ghế đơn giản nhưng rất ấn tượng, anh Lý Xá Suyđang ngồi trò chuyện với một nhóm bạn trẻ, thi thoảng những tiếng cười giòn tan lại vang lên phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của buổi sớm đầu Đông. Đây là mùa Đông đầu tiên anh được đón rất nhiều du khách đến lưu trú trong ngôi nhà của mình, cùng nấu cơm, ngắm cảnh, khám phá phong tục của đồng bào dân tộc trên chính quê hương mình. Nhấp chén nước chè xanh sóng sánh trong sương bay, nhìn ra phía xa xa những đồi tam giác mạch đang nở hoa rực rỡ, Nguyễn Văn Minh cùng 3 người bạn sinh viên từ Hà Nội lên chia sẻ: “Qua giới thiệu của bạn bè trên facebook, em biết đến vẻ đẹp của Hà Giang và khi đến đây càng ấn tượng hơn với homestay của người dân tộc trông như những cây nấm khổng lồ giữa đại ngàn. Phong cảnh ở đây thật tuyệt, ông chủ homestay vô cùng thân thiện, gần gũi. Chắc chắn em sẽ còn trở lại nơi này”.Trò chuyện với chúng tôi, Lý Xá Suy bảo dịp Tết này cũng có những du khách ở lại trong homestay của mình. Du khách rất thích khi em đưa đi ngắm biển mây đẹp, khám phá bản sắc dân tộc, đi trải nghiệm thác nước, con đường đá cổ, quần thể ruộng bậc thang. Nhiều du khách khi về vẫn liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội để cảm ơn tình cảm và sự mến khách của đồng bào, thậm chí còn kết nối với bạn bè, mang quà tết lên cho trẻ em nghèo vùng cao Vị Xuyên. Ông Trưởng bản Bang chia sẻ thêm: “Do ở nơi xa xôi, ít giao tiếp với xã hội, nên người dân thường trầm lặng, ít nói, nhiều người luôn tỏ ra e dè khi gặp người lạ đến chơi. Vì thế, việc các gia đình cho người lạ vào ở qua đêm trong những năm trước đây cũng rất hạn chế. Các ngôi nhà có diện tích chật hẹp, ít cửa sổ, ám khói đun bếp, thiếu ánh sáng, khí trời, thậm chí mất vệ sinh do chuồng trại chăn nuôi…”.Với ước mơ khởi nghiệp, một số chàng trai dân tộc tuổi 9X đã mạnh dạn vượt qua hủ tục, xây dựng homestay đón du khách đến lưu trú. Sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng Hà Nội, chàng trai Lý Xá Suy mang kiến thức của một kỹ sư trẻ trở về Vị Xuyên thực hiện ước mơ làm du lịch. Lý Xá Suy cho biết: “Em đã mạnh dạn cải tiến kiến trúc ngôi nhà phù hợp để đón khách. Các phòng được trang trí thêm tranh ảnh, những bộ trang phục và vật dụng truyền thống của người dân tộc để du khách khám phá. Ngoài ra, em trồng cây xanh, phong lan, thiết kế tiểu cảnh, làm những bộ bàn đá ngoài trời… để khách ngồi uống nước và chụp ảnh lưu niệm”. Đến thăm những homestay hôm nay, chúng tôi thấy những cô gái trẻ là vợ các “ông chủ homestay” cũng không còn quá nhút nhát, họ đã học nói tiếng phổ thông, tiếng Anh, học cách giao tiếp với du khách, nấu những món ăn phù hợp với khẩu vị du khách để phát triển du lịch. Tuy nhiên: “Chúng em đều còn trẻ, mới ra ở riêng và khởi nghiệp làm homestay, nên gặp nhiều khó khăn về kinh tế, vì tốn hàng trăm triệu đồng, phải đi vay người thân, bạn bè, ngân hàng để đầu tư. Mong rằng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ để cho đồng bào phát triển homestay” - Lý Xá Suy bộc bạch.

Từ Bản Bang chúng tôi đến Xà Phìn, đường núi quanh co khúc khuỷu.Anh bạn dẫn đường thỉnh thoảng lại nói chen vào để động viên chúng tôi: “Nếu đến sớm hơn thì Đoàn sẽ được chiêm ngưỡng những mảnh ruộng bậc thang lúa chín vàng óng, đâu đó thấp thoáng giữa lưng chừng núi những ngôi nhà lợp lá cọ của người Dao xen kẽ giữa những cây chè San Tuyết cổ thụ”. Tiếp chúng tôi, ông Đặng Văn Thấu - Bí thư Chi bộ thôn Xà Phìn chia sẻ:“Những năm gần đây, huyện chú trọng xây dựng và phát triển các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới nhằm tạo bước đột phá, huy động nhiều nguồn lực thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, khai thác các tiềm năng lợi thế để giảm nghèo bền vững. Nâng cao dân trí, phát huy và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Nếu không có Đảng, Chính phủ thìđời sống đồng bào các dân tộc nơi đây không biết bao giờ mới thoát khỏi đói nghèo…”.Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, cô gái người Dao Chàm xinh đẹp vừa mới về làm dâu đang tất bật sắp đặt những món ăn nóng hổi trên chiếc mâm mây truyền thống.Ông Thấu mời chúng tôi cùng uống cạn chén rượu, khà một cái thoải mái, nhìn người con dâu hiền lành, lễ phép, ông tỏ vẻ hài lòng khi tiếp khách.Ông say sưa kể với chúng tôi: “Trước đây, theo tập quán cũ con dâu không được ngồi ăn chung mâm với khách. Qua thực tế và đọc sách báo, tôi biết rằng những quy định đó đã lạc hậu, bất công với phụ nữ, nên khi ra ở riêng và bây giờ có con dâu, tôi đã tuyên truyền bà con bỏ tập tục này”.Cô con dâu xinh xắn dường như cũng cảm nhận được mình là người may mắn, hạnh phúc vì được ăn cơm cùng bố chồng và khách không bị đối xử chia rẻ như trước đây. Vì muốn hiểu thêm phong tục tập quán kỳ lạ này, anh Xuân - Trưởng đoàn tò mò hỏi thêm:

- Ngoài gia đình ông, ở thôn Xà Phìn đã có nhiều gia đình cho con dâu ngồi ăn cùng mâm với bố mẹ chồng chưa?

Ông Thấu nheo đôi mắt nhìn ra biển sương trắng và màn mưa lạnh buốt rồi thở dài:

- Ôi dà! Vẫn không đếm hết mười đầu ngón tay đâu. Tôi có đến khuyên bảo, vận động, nhưng nó có đỡ hơn thôi...

Sau những ngày trở lại Vị Xuyên, tôi mới thấu hiểu thêm về ý nghĩa của những người lính đã ngã xuống bảo vệ biên cương Tổ quốc.Vị Xuyên không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh mà còn “ẩn dấu” những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống.Đến với cao nguyên Vị Xuyên, Đoàn của chúng tôi có dịp trải nghiệm nền văn hóa, thiên nhiên kỳ vĩ. Nổi tiếng với nương chè xanh, những mùa hoa nở, những đồng cỏ rộng mênh mông với đàn bò sữa thong dong gặm cỏ.Màu hồng phớt cánh hoa đào, trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mận hay nhẹ nhàng như hoa cải. Mỗi loài hoa có một nét đặc trưng riêng nhưng đều mang dáng vẻ dung dị, đằm thắm như vẻ đẹp của con người và núi rừng Vị Xuyên.Cựu chiến binh Phạm Ngọc An, có một lần trở lại thăm chiến trường Vị Xuyên năm xưa đã cảm khái viết nên những câu thơ vô cùng xúc động: “Nhẹ nhàng thôi đừng làm rung cây lá/ Trên đỉnh đồi, dưới hang đá, khe sâu/ Bạn tôi nằm sau nhiều ngày chiến đấu/Giấc ngủ ngon lành sâu thẳm với thời gian…”.

Kết thúc chuyến hành hương “Về với cội nguồn”, những câu chuyện mà chúng tôi được nghe, những hình ảnh mà chúng tôi được cảm nhận, đó là nguồn đề tài bất tận để chúng ta viết tiếp về Mặt trận Vị Xuyên - mảnh đất đã hồi sinh sau những năm chiến tranh đau thương và mất mát, đó là niềm mong ước nhỏ nhoi của mỗi chúng tôi khi trở lại Vị Xuyên, giữa “vùng đất mây trời”, sương mù mênh mông, bao la hùng vĩ.

 

Bạn đang đọc bài viết "Trở lại Vị Xuyên" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn