Trồng tràm trên vùng đất bán ngập lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang

Đến Thủy điện Tuyên Quang mọi người không chỉ thích thú thưởng lãm cảnh quan công trình thủy điện trọng điểm quốc gia, mà sắp tới còn có thể thỏa thích ngắm cảnh, bơi thuyền, quay phim chụp hình, thư giãn trong khu rừng tràm bán ngập nước.

tram-ngap-nuoc-2-1713873442.jpg

Trồng thử nghiệm 6ha cây tràm lá dài trên đất bán ngập khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang

Tháng 4/2023, Dự án xây dựng mô hình trồng cây tràm lá dài (Melaleuca leucadendera L) trên đất bán ngập khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang được triển khai trồng thử nghiệm với diện tích 6ha, thuộc địa phận thôn Nà Noong, xã Năng Khả, huyện Na Hang, Tuyên Quang.

Ông Tề Minh Giáp, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang, Chủ nhiệm dự án cho biết: Theo các chuyên gia, vùng bán ngập trên hồ thủy điện Tuyên Quang có khả năng trồng cây tràm lá dài với tổng diện tích 210ha. Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang đã tiến hành các thủ tục mua cây giống, phân bón và triển khai trồng cây tràm lá dài. Tổng số cây giống đã cung ứng là hơn 43.900 cây, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

tram-ngap-nuoc-1-1713873442.jpg

Cây tràm lá dài đang phát triển tốt trên vùng đất bán ngập ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.

Qua theo dõi sinh trưởng và nghiệm thu nội bộ, Ban quản lý Rừng phòng hộ Na Hang bước đầu đánh giá cây tràm lá dài trong mô hình có khả năng chịu khô hạn tốt, tỷ lệ sống rất cao, trung bình đạt 98% (lô có tỷ lệ sống thấp nhất đạt 93,75%, nhiều lô đạt 100%), cây sinh trưởng tốt.

Sau một thời gian trồng, hiện chiều cao của cây trung bình đạt 138cm (có những cây cao 1,9m), đường kính gốc trung bình đạt 1,5cm (có những cây đường kính gốc đạt 3cm).

Ông Tề Minh Giáp cho biết thêm: Cây tràm dễ trồng, dễ chăm sóc, mang lại nhiều lợi ích. Nếu được nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật thì người dân có thể biến vùng đất bán ngập ven hồ thủy điện Tuyên Quang thành rừng tràm xanh tươi trong tương lai không xa vì khu vực lòng hồ thủy điện hiện có vùng bán ngập diện tích đất hoang hóa rất lớn. 

Nếu các vùng đất bán ngập trên đưa vào trồng cây tràm thì sẽ cải thiện hệ sinh thái rừng, tạo sự đa dạng sinh học và cảnh quan du lịch xanh cũng như tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang hiện đang phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng nghiên cứu, nhân rộng mô hình trồng tràm trên vùng đất bán ngập để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho bà con địa phương cũng như nâng cao tỷ lệ độ che phủ của rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững.

Dự kiến đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện tổng kết mô hình và sẽ đưa ra những đánh giá thích hợp để xem xét nhân rộng diện tích trồng loài cây này trên vùng hồ thủy điện Tuyên Quang.