Trước vĩnh cửu mùa Xuân

Mùa xuân đang gõ cửa mọi nhà. Sớm xuân nay có cảm giác bầu trời như cao hơn, rộng hơn và trong hơn. Nói cảm giác là vì lấy gì đo được cả đất trời, cả vũ trụ này. Chỉ biết rằng Tết năm ngoái, Nhâm Dần, 2022, cả nước còn gồng mình chống dịch.

Ở vùng đồng bằng sông Hồng, một nhà văn viết trên Báo Văn Nghệ: “làng như trôi trong mộng mị, củ cải đổ sông, bắp cải thối đồng”. Như thế, có nói một cách hình ảnh, bầu trời thấp xuống, nhưng con người thì cố vươn lên chống chọi với dịch bệnh là đúng với tâm thế dân ta lúc bấy giờ. Vậy nhưng cái năm trong hơn hai năm kinh hoàng ấy rồi cũng qua đi. Bóng ma Covid-19 đã tạm lui. Nó thua nhờ ở nhiều nhẽ. Cái nhẽ sát sườn nhất là chúng ta đã chuyển hướng kịp thời, từ chủ trương “0 Covid” sang “thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả”, để phục hồi và phát triển sản xuất - nhà kinh tế gọi là phương án hai chữ P. Những dòng người hồi hương thời dịch giã cao điểm nay tươi tỉnh trở lại thành phố, như câu thơ bạn viết “Bão tan mưa ấm ngàn cây”.

d1abc1-1672646355.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Và lúc này, khi mà sắp sửa đón “tháng giêng ngon như một cặp môi gần” thì chúng ta đã có thể vui mừng vì một vụ gặt bội thu. Cả năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất trpng 10 năm trở lại đây, tạo nền tảng cho dự kiến tăng trưởng năm 2023 đạt 6,5%, như phương án Chính phủ trình Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, chẳng lẽ năm 2023 lại “tụt lùi” so với 2022? Xin thưa, đề xuất này dựa trên căn cứ dữ liệu đánh giá nền kinh tế vẫn đang trong đà phục hồi tốt và khả năng chịu cú sốc lớn từ bên ngoài không nhiều. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế và trong nước, năm 2023 sẽ có nhiều trở ngại, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt mức cao như năm 2022. Cha ông ta dặn “trông giỏ bỏ thóc”, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là thế.

Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy kinh tế số phát triển, có những tín hiệu vui là, sang năm Con Mèo, lĩnh vực dịch vụ sẽ phục hồi hoàn toàn, đòi hỏi cần có các giải pháp đa dạng sản phẩm ngành công nghiệp không khói du lịch, đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Có đại biểu Quốc hội phân tích về kinh tế dịch vụ, rằng chớ có coi thường “kinh tế ban đêm”, nhất là ở các đô thị lớn. Phát triển các loại hình, hoạt động này sẽ góp vào giỏ chi tiêu, hoạt động du lịch, dịch vụ linh hoạt hơn, cơ cấu lại thị trường khách nhắm vào thị trường khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.

Lo xa trong mối lo gần đặt lên vai các nhà quản lý, đó là áp lực trong công tác điều hành trong năm tới. Áp lực đến từ rủi ro lạm phát cao do độ mở lớn của nền kinh tế. Áp lực đến từ nguy cơ đứt gãy nguồn cung như đã xảy ra trong đại dịch Covid-19. Áp lực không loại trừ khả năng xung đột Nga-Ukraine chưa có dự báo kết thúc và nhiều yếu tố khác như thiên tai, biến đổi khí hậu. Áp lực đến từ những tệ nạn xã hội, trong đó đáng sợ nhất là nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa tiệt nọc, vẫn ngóc cổ, ngấp ngó chung quanh cái “lò” rừng rực cháy. Lo xa để có cách thủ sẵn trong túi gấm những “bùa phép” hóa giải. Nói bài bản là, nhận diện để chủ động sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao đời sống người lao động.

*

*      *

Kinh tế phục hồi và phát triển, tìm thấy “cơ” trong “nguy”như nhận định của Nikkei Asian Review, một tờ báo kinh tế có uy tín của Nhật Bản: “Việt Nam được đánh giá là xếp thứ hai thế giới về phục hồi sau đại dịch”. Sự nhanh nhạy, tỉnh táo, quyết liệt, có nguồn gốc sâu xa từ bản lĩnh và ý chí Việt Nam. Rằng, bắt tay, mở cửa với bên ngoài là quan trọng lắm, nhưng quyết định lại là sức mạnh bên trong, là nội lực thâm hậu. Sức mạnh bên trong ấy manh nha từ mấy nghìn năm trước, khi Mẹ dẫn dàn con Tiên lên rừng, Cha dẫn đàn con Rồng xuống biển. Từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời đại Hồ Chí Minh rạng rỡ, cho tới Xuân Quý Mão, 2023 này, gần 40 năm Đổi mới, đất nước ta, dân tộc ta vượt qua muôn trùng gian nan, thử thách, làm nên những chiến công vĩ đại chính là nhờ lòng yêu nước, nhờ bản lĩnh, ý chí Việt Nam. Trong những thời khắc lịch sử hệ trọng, thiêng liêng nhất của lịch sử, một tiên đoán, một quyết định tài tình có thể làm thay đổi cuộc đời, số phận của cả một dân tộc. Quyết định sáng suốt, kịp thời sẽ nâng Con Người lên với sức mạnh siêu phàm Phù Đổng Thiên vương, hoặc ngược lại sẽ mãi mãi là cậu bé Làng Gióng ba tuổi. Trong thế kỷ XX người Việt Nam ghi lòng tạc dạ những thời khắc thiêng liêng ấy: Ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và 15 năm sau rung trời tiếng sấm Tháng Tám. Chính quyền cách mạng non trẻ ra đời, khó khăn chồng chất ví như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng sợi tóc đã không đứt. Rồi đến toàn quốc kháng chiến, bản lĩnh Việt Nam thể hiện ở tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), người dân xứ nhiệt đới này đã vươn vai Phù Đổng trong thời đại mới.

Công cuộc đổi mới đất nước được đánh dấu từ Đại hội VI của Đảng, năm 1986, phất lên ngọn cờ đoạn tuyệt những gì cũ kỹ, lạc hậu, tàu ra biển lớn trên hải trình mở cửa, hội nhập toàn cầu. Đáng ghi nhận nhất bản lĩnh Việt Nam trong giai đoạn này là khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Cơn địa chấn chính trị gây nên những chấn thương về kinh tế, tư tưởng, văn hóa, rung lắc dữ dội sự ổn định của các quốc gia. Với sự tỉnh táo, dày dạn kinh nghiệm của một đảng cách mạng chân chính, chúng ta nhận thức rằng, đây là sụp đổ của một mô hình với nhiều sai lầm, khuyết tật, chứ không phải sụp đổ một học thuyết cách mạng và khoa học. Đến nay, hơn 30 năm sau cơn “địa chấn” ấy, loài người đã có độ lùi để bình tĩnh nhìn lại, điều mà các nhà phân tích thường nói là “thức tỉnh chính trị”. Và chúng ta nhận thấy, những nhận định của Đảng ta ở thời điểm đó là khách quan, khoa học. Còn dân, còn nước, nước là nước của dân. Lịch sử dù phải đi những con đường quanh co, nhưng cuối cùng sẽ đến đích đó là phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho con người.

Bản lĩnh và ý chí còn thể hiện ở tinh thần cố kết cộng đồng, ở sức mạnh văn hóa, tinh thần người Việt, dân tộc Việt, “một cây làm chẳng nên non/ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Bàn về văn hóa là vấn đề rất rộng. Ngày xuân đang về, xin góp bàn một ý nhỏ về “sức mạnh mềm” của văn hóa. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Diễn đạt một cách cô đúc thì, sức mạnh mềm là khả năng đạt được những gì mà một quốc gia mong muốn thông qua việc gây ảnh hưởng, tạo sự hấp dẫn bởi những yếu tố tạo nên nó.

Sức mạnh mềm thể hiện ở hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chính trị - xã hội, mô hình nhà nước và chính sách. Trong ba chân kiềng đó, hệ giá trị văn hóa giữ vai trò quan trọng nhất, bởi nó thấm đẫm, kết tinh trong các hệ giá trị, các mô hình, mọi hoạt động của con người. Nói “văn hóa là cái hóa thành văn là như thế”. Nhờ có sức mạnh mềm mà tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu phục, cảm hóa người khác, mà tạo ra cái thế vững của một cộng đồng, trong nhiều trường hợp thì thế thắng lực, tạo nên chiến thắng trong những điều kiện tưởng cầm chắc thất bại. Điều này từ thế kỷ XIII, Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn đã nói trong Binh thư yếu lược: “Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận, nhẹ nhàng như mưa rơi ở trên không, dựng nên cuộc đời vô sự”.

*

*     *

Thế kỷ XXI đã đi qua hơn hai thập niên. Cái “làng toàn cầu” bốn biển năm châu ngày càng gần nhau hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là thời kỳ mà cùng với “sức mạnh cứng” kinh tế, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng... “sức mạnh mềm” càng tỏ rõ ưu biệt, trong đó, mặt trận báo chí, văn học-nghệ thuật đứng ở vị trí hàng đầu. Thời đại thông tin, có người dùng thuật ngữ “tin tức hóa xã hội”, tin tức lan truyền chóng mặt, mạng xã hội như một quán bar khổng lồ, ồn ào và biến ảo, bởi thế người tiêu dùng thông tin thông thái phải biết chọn lọc, tiếp nhận, ở đây quan điểm giá trị đối với sức mạnh mềm ngày càng trở nên cấp thiết. Ai chậm chân thì lỡ tầu, chân lý đơn giản vậy thôi. Còn văn học- nghệ thuật cùng với việc tiếp tục viết nên những tác phẩm xứng đáng với thời đại mình, luôn quan tâm đến cái hay, cái đẹp, cái bền vững trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt chúng ta. “Đi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại”. Tiếp nhận cái mới nhanh chóng, nhưng tất cả phải được thẩm thấu qua cái màng lọc là truyền thống, bản sắc dân tộc. Nhà văn vừa khẳng định vừa phản biện, vừa nuôi dưỡng vừa nâng đỡ, vừa là chỗ dựa tinh thần vừa nghiêm khắc cảnh tỉnh con người. Điều này nhà văn Nam Cao từng viết trong truyện ngắn Đời thừa: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca ngợi lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho con người gần người hơn”.

Con người gần người hơn, hoàn thiện mình trong cái Đẹp vĩnh cửu của đất trời, trong thế đi đứng của một dân tộc từ xa xưa và trong thời mở cửa, hội nhập. Ấy là mơ ước của thời đại, của Mùa Xuân.