Trường THPT Đống Đa – Hà Nội

Sâu trong ngõ Quan Thổ ở phố Tôn Đức Thắng (Đống Đa – Hà Nội) có trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa, được thành lập từ năm 1960. Năm 1993 trường Trưng Vương (học buổi chiều) và trường Đống Đa (học buổi sáng) sáp nhập, trường lấy tên là trường PTTH Đống Đa.
truong-tpht-dong-da-1-1636963837.jpg
Trường THPT Đống Đa – Hà Nội

Quan Thổ xưa là một thôn thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương. Giữa thế kỷ XIX Quan Thổ sáp nhập với Quan Trạm thành thôn Thổ Quan. Tổng Hữu Nghiêm sau đổi thành tổng Yên Hòa gồm phường Xã Đàn, thôn Yên Hòa, thôn Trung Phụng, thôn Thổ Quan, thôn Hữu Biên Giám, thôn Thanh Miến, thôn Văn Hương, thôn Minh Giám, thôn Cổ Giám, thôn Văn Tân, thôn Lương Sử.

Bên phía Khâm Thiên vẫn còn một ngõ rộng mang tên Thổ Quan. Bên phía Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) có đến 3 ngõ Quan Thổ, đánh số từ 1 đến 3. Từ cả 3 ngõ Quan Thổ đều có đường đi sang làng Hào Nam, An Trạch bên cạnh. Cuối ngõ Quan Thổ 1 thời Pháp thuộc, nơi xây trường Đống Đa, là phần đất của trang trại Nhà sách Cẩm Văn Đường. Ngõ Quan Thổ 1 hồi xưa còn được gọi là ngõ Cẩm Văn.

Có lẽ vì vậy nên năm 1959, Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội cho xây dựng trường cấp 3 đầu tiên của khu (nay là quận) Đống Đa ở trong ngõ Quan Thổ. Thành phố muốn các học sinh thừa hưởng nét văn hóa của Cẩm Văn Đường và hào khí của vua Quang Trung nên đặt tên trường là Đống Đa.

Khu trường mới xây dựng, bề thế và cao vút, vượt lên trên những ruộng rau bao quanh. Xa hơn nữa vẫn là ruộng nước, ao hồ chằng chịt chạy dài đến Hào Nam và An Trạch.

Đường tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông chạy qua cổng trường. Không chờ tới bến Ô Chợ Dừa, đám học sinh nam hay rủ nhau nhảy tàu để khỏi đi bộ ngược một quãng. Hàng loạt học sinh cùng lúc nhảy tàu khiến cả đoạn phố huyên náo lúc ban mai.

Hồi đấy ở Hà Nội có mô hình trường Phổ thông Công nghiệp, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề.

Trong khuôn viên trường trung học Albert Sarraut được người Pháp chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1964 - 1965 có hai trường mới được thành lập là Phổ thông Công nghiệp Hà Nội ( buổi sáng) và Phổ thông Công nghiệp Hoàn Kiếm ( buổi chiều).

Trường PTCN cấp 3 Đống Đa được thành lập đầu tiên tại Hà Nội – năm 1960. Trường hoạt động theo mô hình và học thuyết của nhà giáo dục lỗi lạc Liên Xô - Anton Macarenco. Ông quan niệm : “Kẻ nào sợ công việc, sợ hoạt động thì không bao giờ có thể sáng tạo được”.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Nguyễn Đức Bính, nguyên hiệu trưởng trường Huỳnh Thúc Kháng ở Nghệ An chuyển về. Thầy Bính là con chí sĩ Nguyễn Đức Công (tức Hoàng Trọng Mậu), đồng sáng lập Việt Nam Quang Phục Hội và cùng lãnh tụ Phan Bội Châu viết Quang Phục Quân Phương Lược. Thầy Bính là một trong số những người viết văn tiếng Pháp hay nhất Đông Dương, cùng Ngô Tất Tố viết “Thời vụ báo” rồi làm báo La Lutte. Thầy có tác phẩm “Người Cổ Nguyệt chuyện Xuân Hương”, “Trường ca Hà Nội”… dưới bút danh Tiền Độ Tiêu Lang.

Ở trường Đống Đa các môn văn hóa đều theo giáo trình như các trường khác, nhưng có thêm môn Công nghiệp với rất nhiều giờ thực tập kèm theo, thường vào các buổi chiều. Học vẽ kỹ thuật ở trên lớp. Học điện, nguội, tiện, rèn ở Xưởng trường. Khi thực tập, nhiều khóa học sinh của trường đều tổ chức ở nhà máy Cơ khí Hà Nội. Ông giám đốc nhà máy này có con đang theo học trường Đống Đa.

Bộ môn Công nghiệp lúc đó do thầy Hoàng Văn Lưu là tổ trưởng, thày Nguyễn Chẩn là tổ phó. Hai thày này còn trực tiếp dạy Kỹ thuật Tiện. Thày Nguyễn Văn Lợi, thày Nguyễn Ngọc Bảo dạy Kỹ thuật nguội. Thày Trần Hiếu Quý dạy Kỹ thuật điện. Thày Vũ Văn Hợi dạy Kỹ thuật rèn. Thày Bùi Đức Thạnh và cô Bùi Kim Thanh dạy Vẽ kỹ thuật. Các thày cô môn Công nghiệp đều tốt nghiệp từ các trường Bách nghệ Hà Nội hoặc Hải Phòng nên dạy rất bài bản nhưng nghiêm khắc. Tuổi học trò hiếu động nên khi vào xưởng, đứng cạnh chiếc máy tiện đang quay tít mù, hoặc quai búa rèn thanh sắt đỏ hồng trên đe, hay đấu nối điện dân dụng, sơ sẩy là tai nạn chết người. Ngay môn Vẽ kỹ thuật, trong lớp học, cô cậu nào không tập trung là bị thày Thạnh, luôn có chiếc thước dài cắp nách, gõ ngay vào đầu để cảnh cáo. Bạn Nguyệt là con gái thày Thạnh, cùng học ở trường, khóa 67-70, rất ngoan và hiền, vẫn thường xuyên bị thày gõ thước kẻ để làm gương cho các bạn khác.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, tổ dạy môn Công nghiệp chỉ còn thày Trần Hiếu Quý đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, và thày Vũ Văn Hợi, người trẻ nhất của tổ đang ở trong ngôi nhà ngay sát trường Đống Đa. Hôm Hội khóa 2018, nhiều người ngỡ thày là bạn cùng Khóa vì trông thày dáng trẻ khỏe và năng động hơn một số bạn đang già trước tuổi.

Các thày cô trường Đống Đa thủa ấy đều là những nhà giáo vĩ đại trong mắt các học sinh. Riêng tổ văn có thày Trần Kiêm là dịch giả tiểu thuyết Ivanhoe, Hội chợ phù hoa; có thày Khang, cháu nội cụ Tản Đà rất hào hoa và chơi đàn giỏi; có thày Lê Bằng luôn đạo mạo như cụ đồ nhưng giảng về văn học Việt Nam khiến cả lớp mải nghe quên cả giờ ra chơi. Trường Đống Đa còn có hai thày hiệu trưởng là Vũ Mạnh Kha và Nguyễn Kim Hoãn được đề bạt lên làm lãnh đạo thành phố. Vậy mà mỗi khi gặp nhau sau nhiều năm xa cách, các thày vẫn nhớ tới đám học trò hiếu động khi xưa. Có dịp hàn huyên, đám học trò lại nhớ mãi những kỷ niệm trong các buổi học môn Công nghiệp, thậm chí còn nhớ cả thói quen, y phục các thày thường mặc khi ở trường.

Khi ra trường, những kỹ năng kỹ thuật học ở môn Công nghiệp đã giúp mọi người sớm thích nghi với mọi môi trường mới.

Sân vận động Hàng Đẫy bao nhiêu năm vẫn không xuống cấp; Các dịch bệnh trước Covid-19 tại Việt Nam được dập tắt nhanh chóng; Đề tài trồng rau xanh tại Trường Sa được nghiệm thu, và còn nhiều nữa, những đóng góp thầm lặng của các cựu học sinh Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa.

Bộ Giáo dục và Trung ương Đoàn Thanh niên đang kêu gọi bên cạnh việc truyền thụ văn hóa, cần phải dạy học sinh các kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm.. để học sinh sớm thích nghi với cuộc sống và chủ động đối đầu với mọi tai ương. Những điều này ngành giáo dục Thủ đô và riêng nhóm trường PTCN đã tiên phong từ những năm đầu 1960 tại Hà Nội.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng trường Đống Đa Huân chương Lao động hạng Nhì vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc đổi mới phương pháp quản lý, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tiên tiến, hiện đại, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

truong-tpht-dong-da-2-1636964004.jpg
Huân chương Lao động hạng Nhì của Trường THPT Đống đa - Hà Nội
truong-tpht-dong-da-3-1636964160.jpg
Cô giáo hiệu trưởng Trần Bích Hợp thay mặt nhà trường nhận Huân chương lao động 

 

Bên cạnh việc Dạy tốt – Học tốt, trường PTTH Đống Đa còn đặc biệt tổ chức hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Từ những đồng lương ít ỏi của các thầy cô giáo, các đóng góp của những phụ huynh hảo tâm và sự tri ân của các cựu học sinh Đống Đa, trường đã tổ chức nhiều đợt trao tặng thiết bị học tập cho nhiều học sinh khó khăn của trường.

Ngày 15/10/2021, trường PTTH Đống Đa đã phối hợp với MTTQ Việt Nam quận Đống Đa, trao tặng Ngôi nhà nhân ái cho một học sinh đặc biệt khó khăn của trường.

truong-tpht-dong-da-4-1636964833.jpg
Ngôi nhà nhân ái cho một học sinh đặc biệt khó khăn của trường

Như lời bài Trường ca Đống Đa của thày giáo – nhạc sỹ Vũ Nhân viết tặng trường:

“Danh truyền còn ghi tên Quang Trung ngời lên chói lọi, ngọn đuốc muôn vinh quang nơi chất xác quân Thanh là đây!...Nối nghiệp người xưa, nay nơi đây dựng xây mái trường… Chúng ta ca tình thầy trò, không bao giờ mờ phai trường Đống Đa”.

Theo Chuyện làng quê