Xa xưa, đây là bãi cát bên bờ biển Bái Tử Long. Thời thuộc Pháp, cu ly làm cho chủ mỏ, chết chôn ở đây, "Phu mỏ chết bỏ gốc sim" mà. Nạn đói năm bốn nhăm, người ta đào những cái hố rộng, đổ xuống hàng chục xác chết. Dần dà thành tên, bãi tha ma Khe Cát. Ông Nhân nhà ngay đấy, cứ mỗi trận mưa xuống, vai đeo túi vải màu đen, cầm mai cuốc đi nhặt từng mẩu xương, ít thì tích lại, nhiều thì chôn luôn, rồi xây cho họ ngôi mộ nhỏ, có tấm bia đề: "chưa biết tên".
Hơn bốn mươi năm, ông Nhân âm thầm làm việc đó, không ai nhờ, cũng chẳng ai trả một đồng xu và lời cám ơn. Vợ con cằn nhằn ông nói: "Chả nhẽ cứ để thế à, phải tội chết".
Ông Nhân có ba người con, hai gái nột trai. Khiếp đảm, nháy nhau đi lấy chồng sớm. Đám cưới mượn nhà chú để đón dâu. Con trai, thiếu ba tháng mới đủ mười tám tuổi, cưới vợ trước, đăng ký sau, ở rể nhà bố vợ trong phố.
Thế là ổn. Con cái có nơi có chốn.
Còn lại hai vợ chồng, tiền đâu mà mua nhà, đành bám lấy túp lều tềnh toàng bên bãi tha ma Khe Cát. Con nợ mấy năm trước thấy cảnh người lẫn với ma cũng chờn, không kẻ nào dám đến gần. Mấy lần, bọn đòi nợ thuê, đầu trâu mặt ngựa hùng hục kéo đến, đứa thì bị rắn cắn, đứa thì ngã xuống hố cải mả gẫy chân. Hết hồn! Các công ty lớn, kế toán đành ghi vào sổ tài chính. Tài khoản "nợ khó đòi"...
Bốn mươi năm trước, còn sung sức, ông đâu có khổ thế, năng nổ tháo vát làm đủ mọi việc. Được mọi người yêu quý gọi là Giám đốc Nhân. Thời ấy giám đốc là oai lắm, chỉ ở các Công ty Quốc doanh mới có giám đốc. Thế mà tổ sản xuất của ông có vài chục người lấy tên "Bái Tử Long" cũng gọi giám đốc. Chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm khan hiếm nhất. Lúc bấy giờ toàn xã hội khó khăn, tất tần tật hàng hóa phân phối, mua bằng tem phiếu. Lúc đầu ông sản xuất xà phòng bánh bằng các nguyên liệu trong nước, nhưng cứng, ít bọt. Quần áo của thợ lò đầy dầu mỡ than bụi, không sạch, nhưng không phải tem phiếu, có còn hơn không, đua nhau mua. Tháng đầu tiên làm được ba tấn bán ngay tại nhà, trong hai ngày không sót một bánh. Té ra khách hàng toàn "con phe" mua về tích trữ. Do tình hình chiến tranh xà phòng Liên Xô 72% của mậu dịch quốc doanh không nhập được, con phe tung xà phòng "Bái Tử Long" ra bán, đắt gấp mười lần. Tiền lương của công nhân mỏ thiếu, lấy xà phòng "Bái Tử Long" giá chợ đen bù vào.
Đang trên đà phất, lệnh của ai chẳng biết, kéo đến khám nhà ông Nhân. Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm không có. Nguyên vật liệu nhập không có hóa đơn...Lập tức niêm phong xưởng sản xuất. Tịch thu gần một tấn xà phòng. Người lao động mất việc. Vốn đầu tư, vay lãi xuất cao của người nhà, bạn bè, mỗi người một ít, bây giờ không có tiền trả. Thiết bị đắp chiếu nằm ngủ. Kêu cứu khắp nơi. Bằng không!
Con nợ kéo đến đầy nhà, tịch thu đồ đạc. Lão Phang, đang đêm hùng hổ đập cửa, đứng giữa nhà quát:
"Nhân, khôn hồn thì trả cả vốn lẫn lãi, mày nghe rõ chưa?"
Vợ con ông Nhân co rúm vào một góc, kêu khóc, lấy lại bình tĩnh ông từ tốn nói:
"Vốn góp còn đó, xà phòng tịch thu hết, tiền đâu mà trả. Thua cùng chịu, lãi cùng hưởng?"
"Tao hưởng đồng nào?"
"Thì ai đã được gì!"
"Mai ra tòa trả lời".
Trước tào án dân sự, vị chánh án hỏi ông Nhân:
"Tiền của các cổ đông góp vốn, ông chi vào những việc gì?"
Ông Nhân bình tĩnh trả lời:
"Mua thiết bị, vật liệu. Sản phẩm bán ra lại quay vòng".
Vị chánh án hỏi tiếp:
"Cái nhà ông đang ở, có phải tiền của các cổ đông không?"
"Đúng, tôi ở và làm việc tại đó".
Vị chánh án quay sang hỏi lão Phang và mấy cổ đông vây cánh ngồi phía bên kia cùng với luật sư thuê ở đâu về:
"Quan điểm của các ông muốn gì?"
Lão Phanh hùng hổ nói:
"Chúng tôi rút vốn".
Ông Nhân không có luật sư, chỉ có hai vợ chồng, không chờ tòa hỏi, mạnh mẽ nói:
"Tất cả nằm trong đống sắt vụn, các ông chia nhau đi!"
Quan tòa, luật sư và các bên tranh cãi hồi lâu rồi phán quyết, kẻ đông người, tiền nhiều. Thắng. Tịch thu nhà.
Đội thi hành án hỗ trợ cho lão Phang, kéo đến nhà ông Nhân quăng hết đồ đạc, giường chiếu ra đường chiếm nhà, bắt nợ.
Đành chịu, không dám dây dưa với lão Phang, một thời làm tài cố (lái thuyền mủng) đưa người vượt biển ra nước ngoài. Con trai lão sang được Canada, còn lão bị bắt, nhưng không có bằng chứng, vì những người mất tiền mất của, thuyền lật, chết ngoài biển, nên không phải tù. Thế là cửa nát nhà tan, đang đêm trời mưa, gió rét cả nhà ông Nhân bồng bế nhau vào chùa xin tá túc. Bên cạnh chùa là bãi tha ma Khe Cát, không còn thiết gì đến sinh mệnh của mình nữa, ông dựng túp lều nhỏ ngay bên những ngôi mộ cho vợ con có chỗ chiu ra chui vào, chờ thời!
Đã cỡi trên lưng ngựa, đành phải phi tiếp. Xà phòng là bài học cay đắng. Ông Nhân bỏ nhà đi khắp nơi trong cả nước, vừa trốn nợ vừa xem xét thị trường, nhu cầu cần gì mình làm cái nấy. Đâu đâu cũng thấy xếp hàng mua chất đốt theo tem phiếu, nhất là các thành phố. Cả nhà gom lại cũng chỉ đủ nấu nướng được hai mươi ngày, còn lại mười ngày phải đun bằng bếp mùn cưa, lá rụng ngoài đường. Trong khi đó vùng than thừa chất đốt. Than tốt xuất khẩu. Than xấu đổ ra đầu đường, mưa trôi cả xuống biển. Bãi tha ma Khe Cát, dưới nền nhà của ông là than, là đá xít khổng lồ. Ông vội vàng quay về làm than tổ ong. Than và đá xít không phải mua, chỉ cần đầu tư thiết bị trộn than và máy ép nhiều viên. Riêng phụ gia để mồi than cháy nhanh, không có khí độc ông đã phải mất bao ngày đêm thức trắng, thử nghiệm mới tìm ra được. Có than phải có bếp. Bếp của ông nhiều loại: một viên, ba viên, bốn viên phù hợp cho nhiều đối tượng sử dụng. Rút kinh nghiệm từ vụ xà phòng, không chung chạ với ai, ông làm đơn vay ngân hàng.
Lần đầu tiên phấn khởi bước vào ngân hàng, ông lại buồn xỉu bước ra vì nhận được lời từ chối: "Phải có xác nhận của Ngành thủ công nghiệp". đến trụ sở Ngành thủ công nghiệp, hết giờ, mai chủ nhật lại phải chờ đến thứ hai. Ông Chủ nhiệm bắt tay, cười tươi: "Tuyệt vời quá, ngành ta lại có thêm một sản phẩm đặc biệt. Nhất định chúng ta sẽ là ngọn cờ đầu toàn tỉnh...". Ông Nhân như mở cờ trong bụng: "Thưa đúng thế ạ". "Than tổ ong ra đời, cứu cánh cho nạn tem phiếu chất đốt. Hay hay!". Hớp một tách chè Hồng đào, ông chủ nhiệm đăm chiêu: "Nhưng phải thế này nhé...Ông về làm cho tôi đề án sản xuất than tổ ong. Trình bày chi tiết cho hay vào, lên đây tôi duyệt, ngân hàng mới cho vay. Thế nhé, ngọn cờ đầu đấy". Hì hục viết đề án một tuần, ông Nhân tất bật đạp xe lên Ngành thủ công nghiệp. Ông chủ nhiệm không bắt tay, không uống chè Hồng đào, vội đi họp, cầm tập đề án đứng giữa sân lắc đầu: "Lem nhem quá, phải đánh máy, in typo ra nhiều bản, mỗi cơ quan ban ngành một bản để người ta ủng hộ mình chứ. Làm nhanh nhé. Có thể tôi còn đệ lên Hội đồng nhân dân xen xét đấy. Làm ngay đi!" Ba chân bốn cẳng ông Chủ nhiệm đi khuất. Ông Nhân một mình đứng giữa sân, tần ngần...
Giật mình, ông Nhân nhớ lại những câu chuyện lâu nay đồn đại: Chuyện "Ông vua lốp". Chuyện "Cái đên ấy cái đêm gì?" Rồi chuyện "Người đàn bà quỳ". Chuyện bài thơ "Mùa xuân nhớ Bác" của cô sinh viên PTK mà hết hồn..."Cả một thời, đêm trước đổi mới bao nhiêu là chuyện xé rào, biết đâu chuyện của mình lại như thế thì sao?" Ông Nhân nghĩ thầm vậy, cũng có thể, đã một lần điêu đứng chuyện xà phòng. Ông đưa bàn tay thô ráp lên vuốt mồ hôi mặt, phùng bụng hít mạnh khí trời trong sạch, rồi hóp bụng lấy đà thở mạnh cho hết những khí bẩn tồn đọng trong người.
Chả lẽ chịu bỏ, mất bao công sức nghiên cứu, phải cố thôi. Hai ngày sau ông Nhân ôm bó tài liệu đã in typo đến gặp, cười tít mắt, ông chủ nhiệm nói: "Thế chứ, thời buổi này làm ăn lớn phải đúng quy trình". Lật lên lật xuống tập đề án, chần chừ ông chủ nhiệm nói tiếp: "Chết thiếu ý kiến thẩm định của bên công nghiệp, khó nhỉ? Cái thằng cha này là khó tính lắm". Ông Nhân xỉu người than vãn: "Rắc rối quá". Ông chủ nhiệm an ủi: "Chú mày biết rồi đấy, các ban ngành là một hệ thống, cũng như các thiết bị của chú là một giây chuyền. Muốn giây chuyền làm việc trơn tru thì phải bơm dầu mỡ. Hiểu chứ?". "Vâng trăm sự nhờ chủ nhiệm, tôi xin hậu tạ, tốn kém không ngại". "Đã có lời thì yêm tâm, mọi việc vào tay tớ, xong ráo! Về đi, mai ngân hàng sẽ giải ngân". Ông Nhân vui vẻ nhưng trong lòng nặng chĩu, nặng nề bước xuống cầu thang, chủ nhiệm còn nói với theo: "Mang ngay cái bếp bốn viên lên nhà nhé". "Vâng ạ!" Ông Nhân định cười nhưng cố nén: "Đã có bếp đ... đâu mà mang"...
Xưởng than tổ ong của ông Nhân ngày đêm nhộn nhịp, máy nghiền đập thình thịch, máy nén hối hả đùn ra những viên than nóng hổi, hăng hắc, Ông Nhân tay chân mặt mũi đen nhẻm như người từ trong lò ra, nở nụ cười tươi, nụ cười chiến thắng. Than tổ ong chiếm lĩnh thị phần khắp nơi, người dân các thành phố không phải xếp hàng mua chất đốt, có người giao hàng chở đến tận nhà. Ai cũng phấn khởi reo lên "Than tổ ong muôn năm!".
Bất tình lình giây chuyền sản xuất than tổ ong, phanh độc, dừng hẳn. Lệnh đóng cửa xưởng, mỏ than tuyên bố: "Đây là bãi than của mỏ. Bất khả xâm phạm, chỉ có mỏ mới có quyền khai thác". Ông Nhân ớ người lên hỏi chủ nhiệm Ngành thủ công nghiệp, ông ta tỉnh bơ, nói: "Tiền nào của ấy chứ chú mày, phong bì mày đưa tao có ngần ấy, chỉ đủ cho thằng cha công nghiệp khó tính, còn đâu mà giám đốc mỏ, nó đóng cửa là phải...". Vô lý: "Nơi đây, hàng trăm năm là bãi tha ma Ke Cát. Bao nhiêu xương cốt, linh hồn trú ngụ, không thấy "ông mỏ" đến thắp cho họ một nén hương, bố thí cho họ một bát cháo. Bây giờ vì lẽ gì? Tiền của? Hay lương tri? Tranh dành, đào bới xới nộn tung lên". Nghĩ vậy ông Nhân lặng lẽ lập đàn Mông sơn thí thực, mời tất cả các linh hồn lạc lối, cô đơn, chưa được siêu thoát về thụ hưởng và chứng giám cho lòng thành của ông.
Sau lễ, bao nhiêu thiết bị, hàng nghìn viên than tổ ong, ông để lại cho người đại diện của mỏ, tiếp quản, hai vợ chồng vào trú ngụ trong chùa, ăn mày cửa Phật. Tiền vay ngân hàng còn lại một ít, nhưng vẫn phải treo "Nợ khó đòi". Hàng ngày ông lại tiếp tục công việc bốc mộ, xây mộ ở bãi tha ma Khe cát. Ai có nhu cầu làm tất, chăm chỉ tối ngày cũng không hết việc. Tùy tâm ai trả bao nhiêu thì trả, đủ hai bữa ăn cho hai vợ chồng là được, dư giả để làm gì. Có lần một gia đình đào móng xây nhà cuối bãi tha ma, phát lộ ra ba mươi năm bộ hài cốt. Ai cũng đoán, đây là hố chôn người nạn đói năm một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm. Người đổ ra xem đông nghịt, sợ hết hồn toát cả mồ hôi. Ông Nhân bình tĩnh, tìm bới, xếp ngay ngắn đầy đủ xương cốt vào các tiểu sành, xây ba mươi năm ngôi mộ trong một khu mới có tường bao quanh, cổng vào. Một bức cuốn thư bằng đá với hàng chữ "Nơi yên nghỉ của những linh hồn lạc lối". Người góp nén hương, người cây nến cùng ông tổ chức Lễ cầu siêu linh thiêng. long trọng. Thương ông có người nói: "Chỉ biết lo cho người chết, còn mình một mái nhà cũng không có". "Người sống có nhà, người chết có mồ mả". Cười, ông nói: "Sống trên trần gian là chỉ là cõi tạm, chết mới là vĩnh hằng". Rồi mọi người lại ồn ào tranh cãi: "Thế người ta làm giầu để làm gì?". "Dù một túp lều tranh, biệt thự hay biệt phủ. Chết rồi như nhau, hai mét vuông đất là sang". "Ông Nhân nhắc lại lời các cụ ngày xưa dạy: "Cứu nhất nhân đắc vạn phúc". Nghĩ thế, ông đã làm thế.
Một hôm, có người vội vã tìm ông. "Xe ô tô đâm chết người ở ngoài đường". Hốt hoảng ông Nhân chạy ra, dạt người xem đông nghịt, người bị nạn nét bét, đầu óc vỡ toang, máu me đầm đìa. Nhưng thoáng, ông nhận ra lão Phang. Không đắn đo, ông nhanh chóng nhặt từng mảnh thịt, khúc xương, khâm niệm, mang về bãi tha ma Khe Cát chôn cất.
Mấy tháng nay vợ con ông Phang đi sang Canada với thằng Phiếm con cả. Một mình ông ở lại bán nhà đi sau. Ngôi nhà ấy chính là nhà bắt nợ của ông Nhân. Bây giờ ông chết, không ai làm ma chay. Ông Nhân đứng lên lo liệu tất: Xây mộ, cúng ba ngày, bốn chín ngày...
Mãi lâu sau biết tin, mẹ con thằng Phiếm mới về.
Nghe được câu chuyện, Phiếm cảm động, quỳ lạy ôm chân ông Nhân khóc nức nở, đỡ dậy ông trìu mến nói:
"Hận thù đã qua rồi, chỉ còn tình người ở lại, đó là đạo trời con ạ!"
Phiếm sụt sùi, nói trong nước mắt:
"Xin bác tha tội. Cả nhà con mang ơn bác".
Ông Nhân, thắp mấy nén hương đặt lên mộ ông Phang, âu yếm nói:
"Bà và con lễ bố đi. Bố con rất khó siêu thoát, hãy cầu siêu giải nghiệp cho bố an giấc ngàn thu cõi vĩnh hằng!"...
Mấy ngày sau, Phiếm đến gặp ông Nhân, ngập ngừng rồi mạnh dạn thưa chuyện:
"Thưa bác, con đã mua ngôi nhà ba tầng ở trung tâm phố, con muốn mời bác về đấy ở. Trước đây bố con đã làm bác đau khổ, mất mát nhiều rồi, dù có hơn thiệt xin bác bỏ quá. Của ít lòng nhiều. Bác nhận cho bố con được siêu thoát, cho mẹ con con vui lòng.
Bàn tay ông Nhân run run, ôm Phiếm vào lòng, chẳng biết nói gì! Bốn dòng nước mắt của hai người từ từ lăn trên gò má.
Mặt trời nhô lên, vén màn sương mù cuối thu trên đỉnh núi mỏ.