Truyền thuyết của cánh cửa

Ngày thường, căn phòng chỉ có một cánh cửa gọi là che khuất không gian riêng tư, trên cánh cửa có ghi dòng chữ: “Xin gõ cửa”. Ghi là ghi vậy thôi, chứ nhà chỉ có hai vợ chồng, có ai xin gõ cửa để làm gì.
danh-hoa-3664-1724493244.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Bây giờ Phương bảo thợ lắp cho căn phòng mình một cánh cửa, cài ổ khóa bên trong. Lý do rất đơn giản là Phương muốn ngủ một mình, không thích ngủ chung với Minh. 

Hai vợ chồng sống chung một căn nhà rộng ấy giờ bỗng trở thành một căn nhà chật hẹp. Tình yêu kết nối hai trái tim ngày xưa bây giờ trở thành phù phiếm. Bây giờ cánh cửa ngăn cách hai thế giới riêng, giống như đôi vợ chồng đã già, sau khi lo bổn phận đối với con cháu, nay ở một người một phòng, gọi là tình nghĩa. Nhưng đó là tuổi già, còn đằng này Phương mới 32 tuổi, còn Lý cũng 35 tuổi. Cái tuổi đó luôn khao khát tình cảm, và đây chắc chắn là một phần tất yếu của vợ chồng. Chính chung chăn gối ấy mà những cơn giận ban ngày sẽ được hàn gắn, cả chuyện con cái, chuyện bất hòa giữa gia đình bên nội hay bên ngoại. Cuộc sống vợ chồng vốn là thế, là từ bỏ cái tôi, cái sở thích, cái cố chấp của mình bởi tình yêu với người mà nhân gian gọi là chung chăn gối.

Chuyện gì cũng có lý do của nó, mà đôi khi lý do ấy rất buồn cười.

Ngày xưa họ là một đôi đẹp. Ngày xưa, ừ, mỗi khi nhắc đến ngày xưa người ta thường nói về kỷ niệm đẹp. Cái ngày xưa đơn giản của hai người rất nên thơ. Họ là hàng xóm với nhau, ở chung một con hẻm nhỏ. Cái con hẻm sâu hút ấy cả ngày chộn rộn, người đi làm sớm, kẻ đi làm trể, gần như pha trộn đủ giọng nói vùng miền, gắn kết với nhau trong những buổi gặp mặt tổ dân phố của cái sân chung. Họ lớn lên cùng nhau từ đó, hồn nhiên rủ nhau đi tắm sông, đi tắm biển hoặc đi chùa, đi nhà thờ. Lý cong mình rướn đạp những vòng xe chở Phương đi, có khi chỉ loanh quanh những con đường, dừng chân uống ly nước mía, ăn đĩa gỏi hay mấy món ăn hè phố rẻ tiền. Tình yêu đến nhẹ nhàng, rất nhẹ cho đến khi Lý hôn Phương rất hồn nhiên trong con hẻm khi hai đứa về khuya: “Anh sẽ lấy em làm vợ”.

Họ đều dở dang việc học, nhưng nhờ gia đình hai bên nên mỗi người có một cái nghề. Phương học nghề trang điểm, còn Lý lại chăm chỉ học nghề sửa xe gắn máy. Hai cái nghề giúp họ nuôi thân và nuôi cả con cái, sống vui vẻ không lo lắng mấy đến tiền bạc. Căn nhà là của ba mẹ để lại, còn chỗ làm của hai người lại hai con phố khác nhau. Chuyện xa cách ấy chẳng có gì quan trọng với tình yêu, vì buổi trưa buổi chiều gặp mặt, vì hai vợ chồng có nguyên ngày chủ nhật rộn rả.

Phương đẹp, nét đẹp thừa hưởng của ba. Lúc đầu Phương hoàn toàn không quan tâm đến nhan sắc của mình, bởi chẳng bao giờ Lý khen vợ mình đẹp. Vả lại, với Phương thì cả cuộc đời cho đến nay chỉ biết mỗi một người đàn ông là Lý là đủ, Phương quan tâm đến nhan sắc của mình làm gì?

Nhưng rồi có những người đàn ông khác nhắc đến điều đó, những người đàn ông ở một thế giới hoàn toàn khác với thế giới mà hai vợ chồng đang sống.

Phương tự hào mình là một người đàn bà có nhan sắc. Sự tự hào đó khởi nguồn từ những lần họp nhóm, gặp gỡ bạn bè. Phàm trong đám đông con người ta luôn có sự so sánh, sự phân bì và ngay cả trong những lời khen tụng cũng mang trong đó những điều đãi bôi. Những người tới chỗ Phương trang điểm để đi tiệc, mà tiệc chỉ là cái cớ gặp gỡ, trong đó có Loan, Loan ngắm nhìn Phương: “Trời ơi, chị đẹp quá. Chị đẹp mà cứ ở nhà là phí cả thanh xuân”.

Khi ta đi một bước chân, ta nhủ chỉ vài bước nửa thôi, rồi đi mãi, đi cả một đoạn đường dài. Trường hợp của Phương là vậy. Phương theo Loan trong một tiệc của các nhà môi giới nhà đất, và sau đó là nhiều lần. Chỗ đó có những người đàn ông khác với Lý, họ ăn mặc đẹp, họ thơm tho, họ quyền lực. Họ dịu dàng rót rượu vào ly, Phương uống lần đầu thấy đắng, uống thét thấy rượu ngon. Họ dịu dàng gắp thức ăn cho Phương, những món ăn xinh đẹp trên những chiếc đĩa xinh đẹp, Phương bỗng giật mình khi cả đời Lý chẳng hề làm việc đó. Rồi trong đám đông ấy có một người đàn ông rất dịu dàng, anh ấy chở Phương về trên chiếc ô tô chạy êm thật êm, mùi hương trong xe rất gợi tình. Người đàn ông ấy nói: “Bàn tay của em đẹp, xứng đáng với một chiếc đồng hồ đẹp”. Chiếc đồng hồ đeo vào tay rồi là những nụ hôn phả lấp. Lâu lắm rồi Lý không hôn Phương. Sau nụ hôn là sự buông thả với cảm giác kỳ lạ, rất kỳ lạ. Người đàn ông đi chiếc ô tô thơm mùi hương gợi tình và nhiều người đàn ông khác trong những bửa tiệc chông chênh giờ lại đang bận rộn với một cô gái khác. Cô ấy là Hằng, Hằng có tuổi thanh xuân. Phương cảm thấy mình lạc lõng.

Lý mặc bộ đồ dính đầy dầu mỡ. Lý để mái tóc dài quá lứa, bàn tay Lý chai rát. Lý không dùng nước hoa. Đêm vợ chồng bỗng dưng trái tim Phương khô khốc, Phương né vòng ôm, né tiếng thở của Lý, né mùi dầu mở chưa rửa sạch còn nguyên vẹn giữa gối chăn. Rồi Phương thích đi ra đường nhiều hơn, đêm về khuya hơn. Những cuộc cải vã cũng nhiều hơn. Phương bảo: “Từ nay anh không đụng vào em, anh hôi lắm”. Cái tát như trời giáng của Lý lại thêm cái cớ để cánh cửa được xây lên, ngăn đôi ngọn lửa tình đã xoay về một chốn xa xăm đầy ảo tưởng.

Nhiều đêm Lý không về nhà, và cánh cửa bị khóa chốt trong là cái cớ để anh không về nhà. Phương không có cớ để giần dỗi, chẳng thể gọi điện hay nhắn tin cho anh, bởi chính Phương đã tạo ra sự ngăn cách ấy. Đôi khi, một cánh cửa khóa chốt không chỉ làm rạn vỡ mọt cuộc tình, mà là đẩy người đàn ông đi về hướng khác. Để trong đêm, Phương nghĩ về nụ hôn của một người đàn ông xa lạ, nghĩ về mùi hương của nước hoa thay vì mùi dầu mỡ của chồng. Nhưng những người đàn ông khác có chốn riêng của họ, nơi đó không thuộc về Phương.

Giờ thì Phương kêu thợ đập cánh cửa ngăn đôi ấy ra. Cánh cửa hạ xuống, gió lùa vào như làm cho căn phòng mát mẻ hơn. Căn phòng giờ chẳng có cánh cửa nào nửa, bởi người đàn bè trong căn phòng ấy muốn người đàn ông của mình trở về. Gối chăn đó không thể chỉ là gối chăn, mà còn là sự khát khao cần nhau của hai người. Phương nhắn tin cho Lý: “Tối nay anh về ăn tối anh nhé”, lâu lắm rồi Phương mới nhắn tin cho chồng như vậy.

Phương đi chợ. Phương nhớ Lý thích ăn món mực tươi hấp gừng cuốn bánh tráng. Phương nấu ăn trong niềm vui, ngọn lửa trong bếp lâu ngày được cháy cũng reo vui. “Tối nay anh về ăn cơm nha. Em đợi”. Phương mở máy không thấy Lý trả lời. Những món ăn anh thích đã nấu xong, nhưng anh không trở về.

Nhưng đêm ấy và rất nhiều đêm sau này Lý không về nhà, không ăn bửa cơm vợ nấu. Dẫu cánh cửa ngăn cách vợ chồng đã mở ra, nhưng không kịp nửa rồi. Bởi cánh cửa đã từng là ngăn cách.

Giờ trong đêm mênh mông. Phương nhớ cái mùi tóc khét nắng của chồng, Phương nhớ mùi dầu mỡ và thèm bàn tay thô ráp kia chạm lên thân mình. Phương nhìn ra cánh cửa, đợi một bước chân quen bước vào.