Truyền thuyết tục săn cuốc làng Thành Phú

Trịnh Quang Cảnh

17/10/2021 23:23

Theo dõi trên

Làng Thành Phú vốn là một làng quê thuần nông nằm trên bãi bồi của dòng Mạn Định nên thơ tre xanh soi nước hồ trong. Từ cái thuở sơ khai, tiền nhân quê tôi đã gắn liền với đồng ruộng nên những tập tục làng thường xoay quanh ruộng đồng, bờ chuối, hàng cau...

241131516-2100151780142001-8501317831820045643-n-1634476952.jpg

Có những tập tục đến nay không còn nữa bởi làng đã thay da, đổi thịt khi hoà mình vào thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá, một thị trấn đang vươn mình hiện đại trong tiến trình công nghiệp hoá. Người già trong làng thường hoài niệm, kể cả những người ở làng khác đều biết, làng Thành Phú nổi tiếng có tục săn cuốc, một tục lệ giàu tính nhân văn và đặc sắc.

Tôi thường nghe bà tôi kể, xưa làng chỉ coi trọng đàn ông nên các tập tục của làng chủ yếu vẫn do các anh "liền ông" tham gia, "liền bà" hầu như không có vai trò gì trong chuyện làng nước. Các tập tục cơm thi, lễ thành hoàng... và kể cả tục săn cuốc, cũng chỉ đàn ông mới được tham gia. Làng khởi sinh từ bãi bồi con sông, đồng ruộng xưa trước kia chưa được quy hoạch như giờ nên các loại động vật hoang cũng rất nhiều. Bà tôi kể, ngày xưa cò đậu trắng ruộng, tôm cá lượn đầy mương, bờ đầy tổ cuốc... Tập tục săn cuốc tưởng giản đơn mà hoá ra, nó mang ý nghĩa rất cao đẹp. Tục săn cuốc làng Thành Phú được khởi nguồn từ một câu chuyện truyền thuyết đẹp. Nhiều người trẻ nay đánh giá lại, thường không hiểu hết cái sâu xa những hoạt động của tiền nhân. Trong thế giới tâm hồn của người xưa, tập tục bắt nguồn từ thần tích. Có thể chỉ là các cụ kể ra nhằm giải thích cái tốt đẹp của tập tục, nhưng trong đó câu chuyện cũng có rất nhiều nét đặc sắc. Thuở xa xưa, từ cái thời vua Hùng trị nước, lúc đó lãnh thổ nước ta rất rộng lớn mênh mông, bao gồm luôn cả nước Tàu. Nhà vua có hai con trai đều tài giỏi đức độ, song người anh có hơn người em về độ chín chắn. Khi đến tuổi già yếu, nhà vua muốn nhường ngôi cho con nhưng còn đang lưỡng lự không biết cho ai làm vua vùng đất nào cho hợp. Hoàng hậu muốn con đầu làm vua nước Tàu, còn con thứ làm vua nước Nam. Bà sợ con thứ còn nhỏ, làm vua nước Tàu sẽ không được gần, thiếu sự chỉ bảo hàng ngày của cha mẹ thì sẽ gặp khó khăn. Vua Hùng thì cho rằng đã làm vua một nước thì phải tự mình điều hành lấy mọi công việc. Cuối cùng, hai người quyết định sẽ thử tài hai con. Vua bảo với hai con:

- Nay chúng ta đã già yếu, muốn ăn một thức gì thật ngon. Các con hãy gắng sức làm cho bố mẹ vui lòng!

Hai hoàng tử vâng lời. Hai chàng bôn ba lặn lội trên rừng dưới bể hàng tháng trời, cố tìm thức ngon vật lạ làm vừa lòng mẹ cha. Đến ngày hẹn, hai hoàng tử cho bày những thức mình làm ra trước sân rồng, dâng lên bố mẹ. Cỗ của ai cũng đều đủ sơn hào hải vị. Vua và hoàng hậu thưởng thức khắp lượt. Cuối cùng hai người thích nhất là món bánh của ông hoàng cả, vì đó là món ăn lạ, chưa được ăn bao giờ. Vua và hoàng hậu hỏi hoàng cả:

- Vì sao con lại biết làm món ăn ngon thế?

Hoàng cả bèn kể lại câu chuyện thần nhân mách bảo cho chàng qua giấc mộng. Thần dạy phải ra đồng ruộng mà tìm thức ăn, lại chỉ dẫn cụ thể cách thức nấu nướng. Theo lời thần, chàng ra đồng săn được giống chim hay phá lúa. Đó là chim cuốc. Chàng dùng thịt chim làm nhân bánh và thức chấm. Chàng cắt những bông lúa ngon nhất, xay thành bột. Bột bánh được giáo lên có pha thêm gấc tạo màu đỏ, dành dành tạo màu vàng... và dùng thanh đông diệp (lá xanh mùa đông) tức lá dong mà gói, hình thuôn dài như cái răng bừa. Bánh răng bừa mang hương vị đồng quê, đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Vua rất hài lòng, thấy hoàng cả là người nặng tình nghĩa với quê hương hơn nên truyền cho hoàng cả làm vua nước Nam, còn hoàng hai làm vua nước Tàu. Vì là "bậc liền em" nên người Tàu bao giờ cũng phải chịu để cho người Nam gọi là chú Khách, chú tức là em vậy. Từ đó về sau, theo lệ hàng năm dân đổ ra đồng săn cuốc làm bánh răng bừa cúng thần. Vào ngày mồng 6 tháng giêng, làng Thành Phú có tục tổ chức săn chim cuốc. Ngay từ ngày mồng 4 tháng giêng, làng họp để chuẩn bị, chia làng thành hai giáp: giáp nhất và giáp nhì. Mỗi giáp sẽ cử một số trai đinh để đi săn cuốc. Những trai đinh này phải là những người khỏe mạnh, khéo léo và không có "bụi bặm", tức là nhà không có đại tang hay tiểu cố. Làng cũng bầu ra một ông chủ tế. Ông chủ tế được bầu theo năm, năm sau sẽ lại bầu ra ông mới theo nguyên tắc "hữu quan nhượng quan, vô quan nhượng lão". Ông này lo việc tế tự hàng năm và được ưu tiên ăn phần ngon "lợn giò, bò bắp". Từ mờ sáng ngày mồng 6, đình làng nổi trống triệu tập. Ông chủ tế tập hợp trai đinh đi săn, vào yết lễ thần và sau đó trai đinh toả ra đồng để bắt cuốc. Trai đinh tham gia bắt cuốc bằng gậy, vợt... làm từ những cây sào nứa dài, muốn dài hơn thì buộc nối thêm để vươn xa bắt chim. Loài chim cuốc thường làm tổ ở bờ ao, bờ đầm, bờ ruộng, bị xua nên chúng cũng bay tứ tung. Tên cuốc đồng âm với quốc nên dân làng hay nói đùa "anh ấy hi sinh vì tổ cuốc (quốc)!". Đến buổi trưa, toàn bộ sẽ về đình ăn cỗ để buổi chiều đi săn tiếp, trai đinh không được về nhà. Trong lúc đi săn có lệ, trai đinh phải đi suốt cả ngày, không được nhìn mặt bố trong ngày đó, cũng không được nhìn vào đình. Ai nhìn vào đình trong ngày đi săn thì bị phạt vạ. Săn đến chập tối thì đem chim về và nhập vào đám Reo thờ. Ai săn được con cuốc đầu tiên hay săn được nhiều chim trong ngày đều có thưởng. Chim săn được đều làm thịt, làm bánh cúng thần. Ông chủ tế dẫn tốp trai đinh đi săn ra đầu làng. Ông chủ tế cầm thanh la, vừa đọc bài Reo thờ:

Minh niên xuân thủ

Làng ta nay lệ hữu điền liệp

Quân vi nhị giáp

Giáp nhất là giáp liền anh

Giáp nhì là giáp liền em

Hai giáp bắt được nhiều chim đem về cúng kính

Nhị vị đức tôn thần

Đức tôn thần sảng ứng linh tường

Hộ làng ta nay nhân khang vật thịnh

Cứ hết một câu, ông chủ tế đánh một tiếng thanh la. Trai làng reo lên và vỗ tay vang động cả làng. Cứ thế cho đến hết bài. Tốp Reo thờ vừa reo vừa đi về đình. Về đến đình vừa đệ thịt cuốc lên bàn thờ, vừa reo hò cho đến 10h đêm. Đồng làng nay đang chuyển đổi dần thành khu dân cư, khu biệt thự của thị trấn. Đàn cò trắng bỏ đi từ lâu lắm, tôm cá chẳng còn bơi lội tung tăng, người ta không còn nghĩ đến những tổ cuốc đã biệt tích từ thuở nào... Làng nay lên phố, có nhiều hoạt động văn hoá hiện đại hơn. Tục săn cuốc cũng trôi vào dĩ vãng, chỉ còn những cái bánh răng bừa dẻo thơm nhân thịt lợn vẫn còn được người làng và người tứ xứ mến yêu. Tục săn cuốc thật xứng đáng đặt trang trọng trên những trang văn hoá sử của làng tôi...

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Truyền thuyết tục săn cuốc làng Thành Phú" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn