Đến nay, Việt Nam đã có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực DN đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Chỉ tính riêng trong quý 3/2023, cả nước có gần 60.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, chúng ta có 165.000 DN, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022.
Đáng chú ý, kết quả hoạt động kinh doanh của DN ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực DN ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Tính đến 30.6, tổng doanh thu của các DN nhà nước đạt gần 690.000 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch.
Một số tập đoàn, DN lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.
Nhà báo Phí Văn Điển, Phó Tổng Biên tập Tạp chí PHANO phát biểu chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam
Khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các DN. Khảo sát DN ngành sản xuất vào tháng 6.2023 của Navigos cho thấy hơn 50% DN ghi nhận sụt giảm từ 10 - 40% tổng doanh thu. Đặc biệt, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Chính phủ đã tích cực chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý cũng như khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn tiếp tục phản ánh các khó khăn, bất cập mới nảy sinh cộng với tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm", đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức.
Một số vướng mắc phản ánh nhiều lần nhưng chưa được giải quyết triệt để, tạo gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của DN như quy định về phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế VAT, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, các dự án bất động sản không thể triển khai vì vướng mắc pháp lý… Về giải pháp, Bộ trưởng KH-ĐT đề xuất nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước…
Có thể thấy, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Đặc biệt, một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.
Ca khúc Tự Hào Doanh Nhân Việt Nam của tác giả Nguyễn Tiến Dũng vừa được VCCI lựa chọn TOP ca khúc hay về doanh nhân
Để phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam: Tâm - Tài - Trí - Dũng đáp ứng tốt hơn nữa cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới.
Theo đó, Đội ngũ doanh nhân được xác định phải có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước;
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến;
- Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới;
- Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;
- Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng;
- Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp;
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân.
Để hưởng ứng Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về vai trò của Doanh nhân trong tình hình mới, thiết nghĩ, các doanh nhân tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần Doanh nhân Việt Nam “Tâm - Tài - Trí - Dũng, phụng sự Tổ Quốc, đồng hành cùng dân tộc” đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Doanh nghiệp, Doanh nhân trong mọi hoạt động luôn theo đuổi phương chân: “Thượng tôn Luật pháp - Kết nối Tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững”.
Với tinh thần ấy, chúng ta tin tưởng rằng: Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về vai trò của Doanh nhân trong tình hình mới, sẽ thúc đẩy đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Ngày càng có nhiều Doanh nhân đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.