Từ không chiến đến hòa giải: Xin tha thứ (Bài 1)

 Tháng 10/2018 một đoàn cựu phi công Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam đến Hà Nội, gặp gỡ, giao lưu với các cựu phi công Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN) đã từng đọ cánh với họ. Đây là lần gặp thứ 3, tiếp theo 2 lần gặp trước, năm 2016 tại Hà Nội; năm 2017 tại San Diego.

Một cựu phi công Mỹ khoảng 80 tuổi, chân bước khập khễnh do đầu gối bị mổ xin phép được tách đoàn để vào vùng biển miền Trung, nơi ông còn món nợ, nỗi ân hận mà gần 50 năm qua ám ảnh ông. Cựu phi công Mỹ đấy là Randy Cunningham, một trong ba phi công giỏi nhất và nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ, ông là phi công tiêm kích của Hải quân Mỹ. Ông đã từng trúng 2 khóa Thượng nghị sĩ của một bang nước Mỹ.

dh1aq1b-1670811943.jpg

R.Cuningham kể lại trận không chiến với anh Kiếm.

 

Trước tình hình rất nhiều máy bay Mỹ bị máy bay KQNDVN bắn rơi với tỷ lệ cao nhất thế giới, năm 1968 Mỹ đã phải tổ chức chương trình TOP GUN để huấn luyện lại phương pháp không chiến với các loại máy bay khác nhau cho phi công Mỹ; cải tiến lại hỏa lực trang bị trên máy bay. Tại các đơn vị trực tiếp tham chiến, Mỹ chọn 1/100 số phi công thiện chiến nhất để tham gia, sau đấy số phi công này sẽ về tổ chức huấn luyện tại các đơn vị. R.Cunningham là một trong số phi công tham gia chương trình này. Các nhà sản xuất phim của Mỹ đã làm bộ phim nổi tiếng TOP GUN với nhân vật là hình mẫu của ông ngoài đời.

R.Cunningham đã trực tiếp lái thử MiG17 và MiG21 mà Mỹ thu được ở Trung Đông để tìm hiểu về tính năng của các loại máy bay MiG, từ đó chỉ ra các điểm mạnh yếu để khắc phục. Kết thúc Chương trình huấn luyện cũng là lúc Mỹ phát động chiến dịch Linebacker 1.

dh2aq2c-1670812009.jpg
 Cựu binh Mỹ Randy Cunningham viếng mộ Thiếu úy Trà Văn Kiếm. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Ngày 10/5/1972, ngày đầu tiên của chiến dịch Linebacker 1, là ngày ghi nhận nhiểu kỷ lục nhất trong không chiến ở Việt Nam: ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất; số lần xuất kích của hai bên nhiều nhất; phía Mỹ tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu nhất; lần đầu tiên KQNDVN xử dụng cả 4 Trung đoàn hiệp đồng chiến đấu; và là ngày máy bay của cả hai phía bị rơi nhiều nhất. Kênh TV History Channel trong tháng 12/1972 đã chiếu một loạt phim về các trận không chiến ngày 10/5/1972 với tiêu đề Ngày đẫm máu (The Bloodiest Day).

12 giờ 55, Biên đội MiG17 của Trung đoàn 923: Nguyễn Văn Thọ (số 1) – Tạ Đông Trung (số 2) – Đỗ Hạng (số 3) – Trà Văn Kiếm (số 4) cất cánh từ sân bay Kép chờ ở tầng thấp, phối hợp với MiG21 của Trung đoàn 927 ở tầng cao hơn.

dh3aq3-1670812058.jpg
 R.Cunningham chụp hình lưu niệm với người thân của anh Kiếm. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Phát hiện tốp A7, số 1 Thọ bám theo và bắn hạ chiếc A7 số 4, khi vòng lại anh thấy tốp F4 đang bám theo và phóng tên lửa về MiG17 số 3 và số 4, anh hô to: “cơ động” nhưng chỉ có số 4 cơ động kịp thời, còn phi công Hạng (số 3) trúng tên lửa, nhảy dù và hy sinh.

Chiếc MiG17 số 2 bám theo chiếc A7 số 3, chiếc A7 hạ thấp độ cao lủi ra biển, Trung cố đuổi bám theo và bắn, khi đến biển anh quay về hạ cánh ở Kép.

Lúc này số 1 Thọ quay lại cùng số 4 Kiếm quần nhau với tốp F4. Thọ nổ súng 2 loạt nhưng không trúng, anh bám theo và định nổ súng nữa nhưng hết đạn. Máy bay bị thương không thể điều khiển được nữa, anh quyết định nhảy dù. Trong khi dù đang rơi anh nhìn thấy số 4 Kiếm đang quần nhau với tốp F4, liên tục cơ động tránh tên lửa. Một chiếc F4 luôn bám sát chiếc MiG17, sau này mới biết đây là chiếc F4 của R.Cunningham.

Phi công R. Cunningham trên đường thoát ly ra biển thì nhìn thấy 1 chiếc MiG17 đang bay ở hướng đối đầu. Ông ta định nổ súng uy hiếp thì MiG 17 đã bắn trước. Quá bất ngờ, bằng kỹ thuật bay điêu luyện R. Cunningham kéo dựng đứng chiếc F4 lên với hy vọng sẽ thoát và MiG17 không thể làm gì được và không theo kịp. Trà Văn Kiếm quyết định kéo thẳng đứng theo và tiếp tục bắn. Hai máy bay MiG17 và F4 tiếp tục quần nhau và bám sát nhau trên mặt thẳng đứng, có những khi 2 buồng lái máy bay gần như áp sát nhau, cả 2 bên nhìn rõ mặt nhau. Vài lần R.Cunningham thoát hiểm và tưởng như thoát khỏi MiG17, ông ta nhìn thấy Hà Nội và biển, nghĩ rằng MiG17 sẽ bay về, còn ông ta cũng bay ra biển. Nhưng ông ta vẫn bị MiG17 bám sát và nổ súng rất mãnh liệt. Chỉ có những động tác rất điêu luyện – thả giảm tốc đột ngột khi đang kéo dựng đứng máy bay của phi công đầy kinh nghiệm, R.Cunningham đã làm cho MiG17 vượt lên phía trước, lập tức chiếc F4 bám theo và phóng tên lửa, chiếc MiG17 bị thương và lao xuống cánh đồng huyện Thanh Hà, Hải Dương, phi công Trà Văn Kiếm không kịp nhảy dù. Sau này người dân nơi đây gọi cánh đồng MiG17 rơi là Cánh đồng máy bay. Trận không chiến giữa R.Cunningham và Trà Văn Kiếm diễn ra 3 phút, đây là trận không chiến kéo dài lịch sử giữa 2 máy bay, thông thường giữa 2 máy bay không chiến chỉ diễn ra mấy chục giây hoặc hơn 1 phút.

Trên đường bay ra biển, máy bay của R.Cunningham bị tên lửa SAM 2 bắn rơi, phi công nhảy dù và được cứu thoát.

Có một thời gian truyền thông Mỹ nói chiếc MiG17 mà R.Cunningham quần nhau là do phi công Nguyễn Tom – Đại tá bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Thực tế lại là Thiếu úy Trà Văn Kiếm, phi công trẻ mới không chiến lần đầu.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thị xã Ninh Hòa, cựu phi công R.Cunningham đã quì bên mộ Liệt sĩ phi công Trà Văn Kiếm xin được tha thứ và nói: nếu có kiếp sau được cùng là phi công chiến đấu thì ông ta nguyện bay số 2 để bảo vệ anh Kiếm. Những giọt nước mắt lăn ra trên khóe mắt của người phi công đã gần 80 tuổi.

Sau khi viếng mộ anh Kiếm, R.Cunningham ra thắp hương và viếng mộ của ba và anh trai anh Kiếm là hai liệt sĩ cùng yên nghỉ tại đây.

Trong căn nhà đơn sơ, những người thân của anh Kiếm tiếp ông R.Cunningham bằng những trái cây quê hương. Trước bàn thờ anh Kiếm, cựu phi công Mỹ kính cẩn dâng bức phù điêu bằng đồng và chiếc khăn mà các phi công Mỹ khi bay choàng để chống lạnh cổ. Cả hai thứ đều có những lời tâm huyết và được ông R.Cunningham chuẩn bị từ trước ở Mỹ.

Ông R.Cunningham tâm sự: Sau khi đến viếng mộ anh Kiếm, ông thấy thanh thản và khỏe khoắn hơn, yêu đời hơn. Ông cũng muốn những ngày cuối đời được mua một căn hộ và sống bên bờ biển Khánh Hòa.

Trong buổi tọa đàm của các cựu phi công Việt – Mỹ, một lần nữa nước mắt của ông R.Cunningham lại rơi khi nhắc về trận không chiến giữa ông và Liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Những giọt nước mắt, sự tha thứ của anh Kiếm và gia đình anh, của người dân Việt Nam, những bàn tay bắt thật chặt đã khép lại những đối đầu để hòa giải.

( còn nữa )

Trái tim người lính