Từ làng ra phố, vui bè bạn

Phạm Quang Long

07/11/2021 14:15

Theo dõi trên

Thu. Mưa rả rích buồn. Chả biết làm gì đem mấy thứ viết thời dịch đi photo để thỉnh thoảng muốn ngó lại có thể nằm ngó chơi chứ chả phải ra bàn. Đây là hai thứ viết trong thời dịch. Thế là cũng có vài cuốn trở đi trở lại chuyện làng quê, chuyện mình đã chứng kiến hoặc có tham dự ít nhiều.

doi-mat-1636269289.jpg
 
chuyen-pho-1636269289.jpg
 

Cuốn sách đầu tiên tôi in lại không phải là chuyện của mình. Đó là tập kịch bản có tên " Nợ non sông". Bốn vở trong đó viết về những bi kịch cuộc đời và những khoảnh khắc cô đơn, buồn bã, khó xử của một vĩ nhân. Thầy tôi hỏi " sao ông thích chọn bi kịch?". Tôi thưa " em thấy trong những tình huống bi kịch mình có khoảng rộng hơn để nghĩ cả về chuyện xã hội, về con người cá nhân". Bốn vở trong đó viết về những vấn đề đương đại trong đó có "Quỷ mặt người" và " Sắm vai" tôi thấy đằng sau những "mặt nạ" là một sự trần trụi khác. “Sắm vai” do tôi “ thuổng” cái tứ “ kịch câm” của Phan Thị Vàng Anh. Tôi thích cái nhìn như bóc từng lớp giả dối của con người ở chị.  Mặt nạ rơi xuống, nhiều thứ rởm đội lốt cao siêu, tình yêu rơi ra. Lúc ấy con người thật thảm hại.

Rồi "Lạc giữa cõi người" chả biết sao lại mang chuyện mình, chuyện đồng sự ra kể, lại xoay quanh những bi kịch: bi kịch sợ hãi, bi kịch thần phục  làm tha hoá con người. Rồi sau đó là "Chuyện mình, chuyện người" , "Lốc  xoáy", " Cuộc cờ"cũng quẩn quanh quanh những bi kịch cá nhân và bi kịch xã hội. Đời tôi không gặp những vướng mắc gì đến mức ấy cả mà sao tôi luôn thấy những điều đó vây quanh? Hay mình là người bi quan? Hay mình hay nghĩ quẩn?

Tôi gắn với làng mình cho đến giờ và có lẽ cả khi về với tổ tiên cũng muốn ở làng, dù đó là nghĩa địa làng, cạnh dòng sông quê giờ đã bị lãng quên. Tôi đem chuyện làng mình  ra kể trong 2  quyển " Chuyện làng" và "Bạn bè một thuở" . Ông em họ, bạn từ phổ thông đến đại học, làm cùng trường, về hưu cùng nhau, đọc xong phán: "chuyện làng tôi hay hơn làng anh. Giá anh viết về làng tôi sẽ có nhiều cái hay hơn". Tôi không viết về làng khác được vì tôi chỉ hiểu cuộc sống và con người làng mình. Tôi viết chuyện làng mình là để tri ân làng và những người cùng làng. Không có họ chắc sẽ không có tôi hôm nay. Tiếc là lời đề tặng “Kính dâng những người con của làng” khi in biên tập đã bỏ đi.

50 năm có lẻ sống ở phố. Một cuộc sống khác, những quan hệ khác đã nặn tôi thành một anh chàng " dở chợ, dở quê". Tôi học được bao nhiêu điều hay từ người phố. Tôi muốn giữ nét " chân quê" của mình nhưng không được vì đem những thứ ấy vào cuộc sống thị thành cứ như đem thịt chó, mắm tôm ra nhâm nhi với rượu tây, đem cà cuống bỏ vào bát mắm cáy. Không phải kiểu đã đành mà làm hỏng cả những tinh tuý con người đã nghĩ ra.

Nhưng chịu ơn cuộc sống và con người thị thành, không thể cứ giữ mãi trong lòng. Tôi kể trong " Chuyện phố". Ông bạn tôi đã biết tất cả những chuyện này đọc xong, cười rồi phán " ông lắm chuyện". Mà lắm chuyện thật. Gà què ăn quẩn cối xay, tôi chỉ biết những gì quanh mình,cứ thấy thích là háo hức, nông nổi kể cả những cái chưa biết mà cứ nghĩ là đã biết. Toàn chuyện thầy tôi, bạn tôi cả lúc đi học và lúc đi làm. Nhớ được cái gì thì kể lại cái ấy. Có khoảng trời Mễ Trì và những năm tháng đắm say, nhọc nhằn ở đó.

Không dám nói mình hiểu chuyện phố, người phố mà vì yêu và chịu ơn nên biết gì, kể nấy, thấy gì ghi nấy thôi. Khác với các chuyện khác, ở đây chỉ có yêu thương và trân trọng, dù để yêu thương cũng có lúc phải giơ cả nắm đấm ra, phải rơi cả những giọt nước mắt cay đắng và những đêm không ngủ. "Chuyện phố" của tôi là sự tri ân của một gã nhà quê, "rời quê ra ở thị thành", được yêu thương và che chở.

Tôi có nhiều bạn, trong đó có bạn ít gặp thôi nhưng trong lòng luôn nhớ. Cuộc đời bạn như một quyển sách dầy, trang nào cũng đầy chiến công. Vậy mà bạn sống giản dị, ít nói về mình, vui vẻ, đến giờ vẫn chan hoà như ngày chúng tôi ngơ ngác rời quê vào đại học. Nhớ có lần đói vàng mắt, nhìn miếng cà là thầu ngỡ là gan lợn luộc, mua hẳn một đĩa “ ăn cho sướng”. Mua ra đành nhìn nhau ăn một chút rồi bỏ vì đến lúc ấy mới nhận ra đó chỉ là dưa muối bằng xu hào, có xì dầu của người Trung Quốc. Do dịch Covid, tôi loay hoay viết về bạn trong những chuyện thật và bịa lẫn lộn. Đời bạn hay hơn những điều tôi kể. Tránh Covid, ngồi nhà cũng kiếm được 2 cái là “Chuyện phố” và “ Đối mặt”, tặng nơi và người mà tôi may mắn có những năm tháng bên nhau.

Bạn đang đọc bài viết "Từ làng ra phố, vui bè bạn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn