Từ nhiếp ảnh đến văn chương

Đó là hai công việc chính của Trần Mạnh Thường, một đồng nghiệp của tôi. Viết về ông ư? Không khó, nhưng bắt đầu từ chuyện gì, thì tôi cứ cân nhắc mãi. Về một nghệ sỹ nhiếp ảnh ngót 40 năm qua, trọn vẹn cho đến lúc nghỉ hưu – rồi sau hưu đã ngót 15 năm vẫn quanh quanh đau đáu nghề ảnh?
binh-minh-tren-thap-that-luong-1665628499.jpg
Bình minh trên tháp Thạt Luổng (Lào). Ảnh: Trần mạnh Thường.

 

Viết về một trong những người Việt Nam đầu tiên đi học kỹ thuật về nhiếp ảnh ở CHDC Đức năm xưa ư? Về đứa con của Khu IV “đói nghèo và giàu truyền thống cách mạng” đầu tiên đi vào lĩnh vực vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật rất khó khăn ấy, mà sau này đã trở thành một nhiếp ảnh gia tên tuổi, với những bức ảnh ghi lại dấu tích của chiến tranh chống Mỹ một thời ư? Hay viết về một người làm nghê biên soạn các loại sách văn hoá, đã ra mắt khá nhiều tác phẩm có giá trị (với 47 cuốn sách khảo cứu, giới thiệu về văn hoá, văn học, Từ điển các Nhà văn cổ điển đến đương đại. Nhiếp ảnh Việt Nam, cũng như văn hoá thế giới; trong đó cuốn sách ảnh Việt Nam-di tích và thăng cảnh đã đoạt giải A xuất sắc năm 2001 của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam). Cứ đến nhà ông thấy những bộ sưu tập các Từ điển, almanach văn hoá...ghi tên ông là tác giả biên soạn hay biên tập, như một thư viện thu nhỏ; mới thấy sức lao động của Trần Mạnh Thường là đáng trân trọng biết nhường nào.

ddt1-nha-tho-saint-basil-m-thuong-1665628828.jpg
Nhà thờ Saint Basil Nổi bật giữa lòng thành phố Moscow (Nga). Ảnh: Trần Mạnh Thường


Giữa năm 2009, Trần Mạnh Thường đã cho ra mắt cuốn sách ảnh ba nước Đông Dương – Việt Nam, Lào, Campuchia chụp qua những thời gian khác nhau, khi đang làm biên tập tại Nhà Xuất bản Văn hoá – Thông tin, khi là thành viên trong đoàn Đại biểu Hội NSNA VN, khi lại là một nghệ sỹ sáng tác lang thang qua đường bộ tới thăm Angkor Thom. Đồng thời, một cuốn sách khác cũng ra đời gồm những bài phê bình, tiểu luận về Nhiếp ảnh, mà ông đã suy ngẫm nhiều năm – qua giảng dạy ở các trường nghệ thuật, qua thực tiễn, qua những bài báo tranh luận, trao đổi cùng đồng nghiệp.

ddt2-kim-tu-thap-chichen-itza-can-cun-meico-1665629168.jpg
Kim tự tháp Chichen Itza, Can cun, Mexico. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

 

Đã bước vào tuổi 74, nhưng “chàng thanh niên” ấy (theo cách gọi vui của bạn hữu và lợp trẻ), vẫn ấp ủ nhiều sáng tạo, nhiều dự định mà trong đó, những chuyện ngao du từ châu Á, Hoa Kỳ, ...gần đây, sẽ là những kho tư liệu quý giá để Trần Mạnh Thường lại cho ra mắt bạn đọc những bộ sách mới, qua những ghi chép bằng văn cũng như bằng ảnh đầy cảm xúc của một người nghệ sỹ. Với Trần Mạnh Thường, viết và chụp là hai nghề gắn bó, bổ sung cho nhau. Có lúc viết, lúc chụp vì cảm xúc xuất thần, cứ như lên đồng, như ai đó thúc giục trong tim; mặc dù dùng ở đâu, xuất bản ở đâu, chưa cần biết. Nhưng chủ yếu vẫn là làm việc theo những suy nghĩ, những dự định cụ thể, có kế hoạch chứ không lan man, tủn mụn, vặt vãnh; để khi bắt tay vào làm sách, Trần Mạnh Thường lại chặt chẽ, khoa học, hợp lý với những vấn đề mà ông sẽ trình làng để phục vụ bạn đọc của mình.

dt-3-truong-dai-hoc-tokyo-nhat-ban-1665629583.jpg
Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

 

Ngay cả một công việc tưởng chừng như rất đơn điệu, khô khan là tham gia viết Giáo trình Nhiếp ảnh cho Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; ông vẫn rất say mê, cẩn trọng, chi tiết từng chương, mục, tính đi tính lại từng tấm ảnh. Làm tới làm lui bản thảo nhiều lần. Vì Trần Mạnh Thường quan niệm rằng, dạy nghệ thuật không thể tuỳ tiện, tuỳ hứng theo ý thích riêng của mình, mà đó là khoa học, để truyền đạt kiến thức chất lượng nhất cho thế hệ trẻ. Thẳng thắn và cởi mở đến mức hồn nhiên trong cuộc sống, nhưng Trần Mạnh Thường là người năng động, tận tâm, nhanh nhạy trong công việc. Ngoài 70 tuổi, vẫn học lý thuyết, thực hành rồi đi thi lấy bằng lái ô tô; và “một mình một ngựa” rong ruổi lái xe đưa vợ về tít quê hương Quảng Bình đầy nắng gió...Hễ gặp Trần Mạnh Thường; là ông ta sôi nổi bàn đến chuyện ra sách; làm báo, đến không dứt ra được.

dt-3-angkor-thom-voi-bayon-1-1665631581.jpg
Angkor Thom với Bayon. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Từ nhiếp ảnh đến văn chương; Trần Mạnh Thường vẫn được anh em trong giới gọi đùa là người của công chúng – bằng tất cả tình cảm quý mến, trân trọng, với một người đã lao động nghệ thuật bằng cả cuộc đời mình.