Từ nhóm chè xanh đến văn nghệ karaoke

Đinh Thị Hải Yến

24/05/2023 10:36

Theo dõi trên

Tiếc cho hơn chục năm của tôi về hưu sống ở thành phố. Thế mới dở. Về quê vui hơn nhiều, hưởng không khí trong lành, muốn ăn gì có nấy. Muốn hát có hát, muốn cười có cười, ngủ thức đâu liên quan đến thời gian.

karaoke-1684899294.jpg
Tác giả và bạn bè hát karaoke

Xóm nhỏ vùng tôi ở không phải là nông thôn, mà là ngoại ô thành phố (nghe nói thị xã sắp chuyển lên thành phố rồi). Cái rẻo đất 6 nhà mặt đường đầu xóm trên, gần rừng cao su, đều là gia đình giáo viên hưu cả. Trước đây có con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, toàn cỏ dại, sau bao lần đổi mới của xóm làng nay đã thành đường trục chính của xóm.

Chòm nhỏ ấy lúc nào cũng vui rộn ràng. Sáng sáng, rủ nhau đến nhà bạn uống chè xanh, lại còn gọi thêm vài gia đình trong xóm có cùng khẩu vị đến uống nữa. Thôi thì ăn vặt, chuyện vặt đủ thứ, mùa nào thức ấy, chi cũng có từ lạc luộc, chuối xanh luộc đến dưa hấu, dứa, kẹo cu đơ, khoai luộc... luôn có sẵn trên bàn của người nấu nước (của chủ nhà cũng có, của người đưa đến uống góp vui cũng có). Trưa hoặc tối có khi lại về nhà tôi uống nước chè chát tiếp. Buổi sáng uống nước đến 9h hơn thì bắt đầu giải tán, số còn lại xúm nhau cùng hát karaoke.

Văn nghệ karaoke vui thật. Không biết ai khởi sướng phong trào hát karaoke, để cả làng, cả xóm cùng hát, nhất là những tối thứ 7 nghe bập bùng, ngân nga lan rộng khắp mọi góc xóm. Nghe nói cả những nơi vùng sâu vùng xa tít mù cũng đều rộn ràng hát hò như vậy.

 Chúng tôi mỗi người một mic, một điện thoại chưng ra là hát thôi. Khổ cho những ông chồng không muốn nghe vẫn phải nghe... Có nghĩa là vợ hát chồng phải khen hay (chủ yếu tự tập là chính, khi cần mới tập chung với nhau). Cũng may vùng chúng tôi ở cách hơi xa vùng trung tâm của xóm, và cũng chỉ hát vào tối thứ 7 là chính theo quy định của xóm đề ra.

Để tham gia hát hò đâu cần chi phí nhiều. Để có thể lên sóng, chỉ cần mỗi người có một bộ quân phục bộ đội, đủ nai nịt, mũ, dép, quân hàm, và vài bộ quần áo dài là chất như nước cất luôn. Nói chung đầu tư cho quần áo không nhiều xiền, của nhà là chính. Có đầy đủ rồi thì chuyên hát các bài ca về bộ đội Cụ Hồ, chuyên nghiệp như đoàn ca múa nhạc TW, và hát tất các bài hát khác ở mọi thể loại, thơ, ca, hò, vè...

 Cả nhóm có một giọng oanh vàng từng đi chinh chiến các đám cưới to nhỏ trong thị xã, và các cuộc hội ngộ lớn nhỏ cấp thị. Còn lại tất cả gọng ca còn lại nếu hát một mình thì nghe na ná như vịt đực, nhưng “đu tren” với bạn thì không kém văn công là mấy mô nha.

 Để lên sóng còn cần có thêm 1 sân khấu rộng một tí, không hoành tráng như sân khấu ủy ban, nhưng cũng tem tém cho vừa con mắt người xem là chuẩn rồi.

Vậy đó. Hát vui là chính. Hát tăng liều thuốc bổ, khỏi tốn tiền mua thuốc, vì được xả sờ-trét mà. Hát được trẻ ra ai nỏ thích, tham gia tuốt, ai đó hát như đọc, thì hát tốp ca, đồng ca, nhị ca, tam ca cũng nghe hay phết. May các ông xã dễ tính, đều động viên các bà tham gia, vui đáo để.

  Một cái hay nữa là khi hát cho nhau nghe không cần lịch đặt, như các nhóm CÂU LẠC BỘ CA HÁT, phải chờ đến lượt nhóm mình, thường hay bị động, và cũng hay bị hỏng hóc kĩ thuật loa đài (phần này nhiều lúc chờ nghe họ hát mà cảm thấy bực vì khâu chuẩn bị lâu quá). Nhóm hát của chúng tôi lúc nào cũng được, giờ nào cũng được, hát xong lưu video lại muốn đăng lúc nào thì đăng. Khi đăng cũng hồi hộp xem khán giả mạng có ok không, rồi thì cứ mong mọi người vào like và bình luận nhiều nhiều, để lần sau có hứng mà hát tiếp.

Vậy thì các bạn tỉ phú thời gian ơi, hát thôi, hát cho quên bệnh tật, hát cho vơi bớt buồn phiền. Vui là chính mà cả nhà facebook ta ơi.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Từ nhóm chè xanh đến văn nghệ karaoke" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn