Mùa đông năm trước, còn nhớ hôm đó trời rất lạnh, tôi đi làm về lúc nhá nhem tối nên không khí càng thêm ảm đạm. Khi đi ngang qua đường Lê Duẩn (Hà Nội), tôi nhìn thấy ở ven đường có một đôi nam nữ trông xanh xao, tiều tụy ôm trong lòng đứa con đỏ hỏn đang thiêm thiếp, trên người cháu bé mặc mỗi tấm áo mỏng. Tôi và một vài người nữa dừng xe hỏi han thì họ nói là cha mẹ của đứa bé. Đứa trẻ bị tim bẩm sinh mà không có tiền chạy chữa, họ chỉ xin mọi người thương tình giúp chút tiền để đưa con về quê ở Bắc Giang.
Nghe nói vậy, ai cũng xót xa. Mỗi người một ít, chúng tôi góp lại giúp họ. Lúc đầu cũng chỉ mong đỡ họ chút tiền về quê và mua cho cháu bé ít sữa. Nhưng người đi đường dừng lại lúc càng nhiều, nghe bệnh tình đứa trẻ như thế nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra vài trăm ngàn đến cả triệu để giúp họ. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền đã lên đến cả chục triệu. Chúng tôi khuyên họ đưa con vào bệnh viện Bạch Mai gần đó chữa trị, nếu thiếu tiền mọi người sẽ tìm cách giúp đỡ tiếp.
Họ rưng rưng nước mắt cảm động và nấn ná không muốn vào viện vì không muốn làm phiền mọi người thêm nữa. Nghe thế, mọi người lại càng thương và có người rút thêm tiền để cho họ, chỉ mong cháu bé có cơ hội được cứu chữa.
Tôi cùng nhiều người cố nán lại thuyết phục họ cho cháu bé vào viện. Một lúc sau, có một vài người nữa dừng lại, có vẻ bức xúc: “Mọi người bị lừa rồi, hai đứa này vác đứa trẻ con lê la hết chỗ này chỗ nọ để lừa tiền”. Không những thế, họ còn đưa những bức ảnh của những người này xin tiền khắp nơi ra để làm bằng chứng. Có người còn bực bội đòi lại số tiền vài trăm ngàn đã cho lần trước đó.
Khi biết thế, trong số những người cho tiền khá giận dữ, họ lấy lại số tiền đã cho. Và ngay sau đó, có 2 người đi xe máy tới, hai người này ôm cháu bé vội vã lên xe máy rồi phóng đi. Rồi những hôm sau tôi đi làm về trên con đường đó, nhưng không bao giờ gặp lại họ nữa.
Trong đợt dịch và mùa mưa bão năm trước hay năm nay, có rất nhiều cá nhân, hội nhóm đứng ra quyên góp, ủng hộ người người nghèo bằng nhiều hình thức như trực tiếp đến tận nơi hoặc trên các nhóm diễn đàn trên mạng xã hội.
Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động trong mùa dịch. Khi TP.HCM và nhiều tỉnh, thành bị dịch bao vây, người dân ở các địa phương ít dịch hơn đã quyên góp ủng hộ bà con vùng dịch từ mớ rau, cân gạo và nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Nhiều cá nhân đã bỏ cả thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ người khó khăn.
Câu chuyện về chị Đinh Thu Hiền (47 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) cùng người thân chuẩn bị hơn 200 triệu để chia vào mỗi phong bì 500.000 đồng cho lao động đi xe máy từ miền Nam về quê tránh dịch khiến nhiều người cảm động. Hay trên đường bà con về quê tránh dịch, không hiếm hình ảnh người dân ven đường phát bánh mỳ, nước và thức ăn miễn phí cho bà con. Hay ngay trong tâm dịch, nhiều “đội xe 0 đồng”… chở F0, F1 đi điều trị, cách ly miễn phí. Rồi nhiều “bữa cơm 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”… ở khắp nơi được thành lập hỗ trợ người nghèo…
Trên các diễn đàn xã hội, có nhiều hội, nhóm giúp nhau mùa dịch do các mạnh thường quân thành lập để mọi người chia sẻ thông tin, giúp đỡ người khó khăn một cách kịp thời. Nhiều nhóm bác sỹ giúp nhau mùa dịch cũng được thành lập, tư vấn thậm chí đến tận nhà khám chữa bệnh miễn phí cho người bệnh, trong đó có cả những F0 triệu chứng nhẹ. Họ là “phao cứu sinh” cho nhiều người trong lúc dịch bệnh hoành hành, tâm lý e ngại lây nhiễm cũng như sự quá tải của các bệnh viện.
Phải khẳng định, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thì sự chung tay của cộng đồng, của các nhà hảo tâm là một kênh giúp người nghèo rất hiệu quả và kịp thời, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt.
Tuy nhiên, không ít kẻ xấu đã lợi dụng thời điểm có dịch, lợi dụng lòng tốt của nhiều người để trục lợi. Còn nhớ, trong các đợt dịch lần trước, tại các cây ATM gạo, không ít kẻ không quá khó khăn nhưng do lòng tham, đã vào xin gạo nhiều lần bằng cách đi xe máy đến gần nơi phát gạo, rồi thay đổi quần áo, bộ dạng để "quay vòng" vào xin gạo.
Cá biệt, trên nhiều mạng xã hội giúp nhau mùa dịch, nhiều kẻ đã lập nhiều nick khác nhau và dùng các hình ảnh đau thương, bịa ra các câu chuyện rơi nước mắt để xin tiền, xin đồ. Điển hình là mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về "bác sĩ Trần Khoa" rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ song thai. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định thông tin này là hư cấu, không có thật.
Theo khẳng định của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, nhóm đứng sau vụ việc gây ồn ào trên mạng xã hội vừa qua được thành lập với sự tham gia của một số tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và “sống thật” trên mạng. Còn theo Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, nhóm này có dấu hiệu trục lợi trong vụ việc. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Hay trước đó, dư luận bức xúc về chuyện một cá nhân có tên tuổi trong lĩnh vực giải trí đứng lên kêu gọi đồng bào bị lũ lụt ở thời điểm tháng 10-11 năm ngoái nhưng đến tận 6 tháng sau bà con vẫn chưa nhận được tiền. Ở thời điểm đó người này quyên góp được khoảng 14 tỷ đồng và trong lúc bà con cần tiền hỗ trợ thì không thấy động tĩnh gì, chỉ khi bị phanh phui thì người này cuống cuồng đi “giải ngân”. Trong sự việc này, dù người trong cuộc có biện minh hay xin lỗi thế nào thì dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi, liệu lòng tốt của mình có bị lợi dụng?
Thực ra, khi một ai đó đã quyết định chia sẻ tấm lòng của mình cho người nghèo khó, ít nghĩ đến việc phải cân đong đo đếm chi tiết. Cũng có lẽ vì thế, nhiều người đã lợi dụng lòng tốt của những người hảo tâm để trục lợi, thậm chí lừa đảo. Nhất là trên không gian mạng, điều này càng dễ xảy ra.
Cũng thật khó để phân biệt thật-giả khi tiếp cận thông tin, nhất là những đối tượng tinh vi đã cố tình tạo ra những câu chuyện tình huống "lấy nước mắt" như thật. Còn người tiếp nhận thông tin khi đã tin thì họ luôn có mong muốn được sẻ chia, hỗ trợ. Vì thế, để hạn chế những sự việc tương tự, mọi người nên tỉnh táo nhận biết thông tin để không bị kẻ xấu lợi dụng lòng tốt. Không nên vội vã quyết định trước thông tin mình tiếp cận mà cần có sự phân tích, xác minh thêm từ nhiều nguồn, sáng suốt kiểm tra xem hình ảnh có bị cắt ghép chỉnh sửa khi được chia sẻ trên mạng hay không…
Giúp đúng người cần giúp, san sẻ yêu thương đúng nơi, đúng chỗ… thì lòng tốt mới được lan tỏa và có ý nghĩa./.