- Anh có một học sinh cũ là Phạm Văn Kha phải không?
- Phạm văn Kha à?
- Vâng, PVK, cùng quê Trg Sơn, ĐT, HT. Gia đình Kha hiện ở tỉnh Bình Phước, Kha là cháu họ, gọi tôi bằng chú. Tội nghiệp, cậu ta phải sống trong cảnh mù loà đã 54 năm trời, từ năm 1961 đến nay.
Ngỡ ngàng và xúc động, tôi hỏi lại người bạn:
- Sao anh biết Kha là học sinh cũ của tôi?
- Ấy, vừa rồi tôi có việc vào Nam, tranh thủ đến thăm Kha, tiện thể tặng tập thơ HỒN QUÊ của Hội đồng hương do anh làm chủ biên đấy. Tôi hỏi Kha có biết thầy Nhật không?
Kha lộ vẻ vui mừng:
- Ồ, thầy Nhật, thầy Trần Quang Nhật, thầy giáo cũ của cháu đây mà, sao lại không biết. Thầy vẫn sống và ở Hà Nội sao?
Cũng phải mất vài phút lục lại trong chiều sâu kí ức, tôi đã nhớ ra Kha, người hs cũ năm xưa, cách đây đã 71 năm, khi tôi còn làm hiệu trưởng kiêm giáo viên dạy lớp Nhất ở trường tiểu học Trường Xuân quê nhà. Năm đó, Kha mới 12, 13 tuổi. Năm 1951, tôi đã sớm thoát ly địa phương đi học tập và công tác xa, rồi chuyển ngành, sống và làm việc ở Hà Nội đến giờ, mà hs cũ thì nhiều, chiến tranh mỗi người mỗi nơi, người Bắc kẻ Nam, có khi nào gặp nhau, làm sao nhớ hết được. Tuy vậy, như có thần giao cách cảm, phút chốc hình ảnh Kha, một học sinh bé nhỏ, có nước da trắng trẻo, tính tình hiền lành vẫn trở về trong tâm trí tôi.
Từ đó, tìm hiểu qua người chú họ của Kha và những bức thư Kha gửi cho tôi, tôi vô cùng xúc động và tự hào về một người trò cũ đã có một nghị lực sống phi thường từ hồi còn bé đến nay đã sáu, bảy thập kỷ.
Năm mới 15 tuổi, Kha đã phải thôi học vì gia đình gặp đại tai biến. Ba năm liền, bốn người thân ruột thịt lần lượt ra đi: bà nội, mẹ, bố và anh ruột. Gia đình khánh kiệt, tan hoan. Từ tuổi vị thành niên, Kha đã phải sống côi cút, đơn độc, gắng gượng học lấy cái nghề đan lát để nuôi thân, gian truân, cùng cực hết chỗ nói. Thương cảm Kha, bạn bè đã qua lại an ủi, giúp đỡ, động viên Kha tham gia sinh hoạt Đoàn, Đội để tìm lấy nguồn vui của tuổi trẻ. Nhưng rồi nỗi đau cũ chưa kịp nguôi ngoai, nỗi đau mới lại ập đến. Có lẽ cơn dư chấn thần kinh và điều kiện ăn uống, thuốc men quá thiếu thốn của mấy năm đại tai biến đã làm cho đôi mắt của Kha mờ dần rồi mù hẳn. Đi khám ở BV TƯ, các BS kết luận Kha đã bị teo dây thần kinh thị giác. Thế là từ năm 1961, Kha phải vĩnh viễn sống trong tối tăm. Tâm trạng Kha lúc bấy giờ hầu như tuyệt vọng, không còn lối thoát. Rối bời những câu hỏi được đặt ra trong tâm trí Kha, không có lời giải đáp: ta còn làm được gì đây, cuộc sống sẽ ra sao, tương lai sẽ thế nào, v.v... Nhưng rồi lại được bạn bè và người thân tận tình giúp đỡ, Kha đã lấy lại nghị lực vốn đã phat lộ trong tình cảnh trước đây. Những ý nghĩ tích cực đã đến với Kha: “Mình mù hai mắt, nhưng còn hai bàn tay và bộ óc để lao động, còn đôi chân để đi lại, giao lưu. Xung quanh mình còn biết bao nhiêu người tử tế giúp đỡ mình. Trong xã hội, còn nhiều người cũng hoàn cảnh như mình nhưng họ vẫn sống được, vẫn làm nên sự nghiệp. Sao mình đã vội buông tay, đầu hàng số phận!”
Không đợi lâu, Kha đã xin vào HTX đan dè, một nghề thủ công truyền thống của địa phương. Nhờ sự cần cù, chịu khó, cuộc sống dần dần được ổn định. Năm 1973, Kha lập gia đình. Vợ Kha người Hương Sơn-Hà Tĩnh, cùng cảnh nghèo khó đến với nhau, nương tựa vào nhau xây dựng tổ ấn. Năm 1977, con gái đầu Hoài Như ra đời, đem lại nguồn vui mới cho gia đình.
Nhưng rồi thử thách vẫn chưa buông tha. Năm 1978, quê hương bị bão lụt hoành hành, mùa màng thất bát nặng. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nghề đan lát cũng như một số nghề thủ công khác lâm vào cảnh đình đốn, sản phẩm làm ra ế ẩm, không tiêu thụ được. Với ba miệng ăn, gia đình Kha trở nên thiếu đói. Trong khi Kha còn vắt óc lo nghĩ về con đường sống, người chú ruột của Kha đã vào miền Nam lập nghiệp từ trước, khuyên Kha đưa gia đình vào với chú, chú sẽ giúp đỡ. Có cơ hội thuận lợi nên dù quê hương đối với Kha là mảnh đất thiêng liêng với bao kỷ niêm vui buồn, dù miền Nam còn là mảnh đất xa lạ, đôi mắt của Kha lại như vậy, đi lại khá khó khăn, nhưng vì cuộc sống của cả gia đình và bản thân, Kha quyết định vào miền đất hứa.
Người bền gan vững chí thì đất trời không phụ. Gia đình Kha từ giã quê hương vào Phước Long - Sông Bé (nay là Bình Phước) lập nghiệpp, bước đầu không khỏi gặp những bỡ ngỡ, khó khăn mới, nhưng được người chú tốt bụng, chí tình giúp đỡ, nhường cho một ít đất đai để làm ăn,tạo điều kiện cho nơi ăn chốn ở, thu xếp cho những việc làm thích hợp. Gia đình Kha đã yên tâm với nơi “đất lành chim đậu”. Hơn bao giờ hết, ý chí, nghị lực và tinh thần quyết tâm vươn tới tương lai của hai vợ chồng đã được phát huy. Chung sức chung lòng, chồng chủ yếu theo nghề cũ, nghề đan lát, vợ chủ yếu chịu thương chịu khó trồng điều, trồng hồ tiêu,vừa sản xuất vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Kinh tế dần khá lên. Lại thêm mấy con lần lượt ra đời. Tuy phải vất vả nuôi con, nhưng con lớn lên lại có nhân lực để hỗ trợ cha mẹ. Ngoài việc chăm chỉ học hành, các con biết bảo ban nhau tuỳ theo khả năng mỗi người một việc đỡ đần bố mẹ trong nhà.
Kha thường nghĩ muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo, ngoài sự cần cù chăm chỉ lao động, phải có kiến thức, phải có trình độ văn hoá. Phận mình đã vậy, phải để con cái vươn lên cùng cộng đồng, giúp ích cho đời. Nghĩ vậy và làm vậy. Kha đã cùng vợ ráng sức nuôi dạy con cái khôn lớn, tạo điều kiện cho chúng theo học đến nơi đến chốn. Cuối cùng, lòng thương yêu con cái và tinh thần chịu đựng vượt khó của bố mẹ đã được đền bù. Đến nay, bốn người con đều có bằng cử nhân sư phạm và đang giảng dạy ở các trường phổ thông cơ sở trong tỉnh Bình Phước: Phạm Thị Hoài Như (con gái đầu) ở trường Long Hưng-Phú Riềng, Phạm Bằng Đoàn trường Long Phước- tx Long Phước, Phạm thị Thu Thuỷ trường Lộc Tấn- Lộc Ninh, Phạm Thị Kim Thoa ở trường Dân tộc nội trú Bù Đốp huyện Bù Đốp. Riêng Phạm Trọng Đạt (con trai út) tốt nghiệp trung cấp, nhân viên ngành điện. Cả năm chị em đều có gia đình riêng êm ấm.
Ai có thể biết rước được rằng một con người như Phạm Văn Kha từ hồi nhỏ gặp bao nhiêu hoạn nạn, lại sống trong cảnh mù loà hầu như suốt cả cuộc đời, đã tạo nên một đại gia đình hạnh phúc. Ngày nay, Phạm văn Kha 84 tuổi đã trở thành một cây đại thụ xum xuê lá cành, hoa trái, toả bóng mát che chở cho đông đảo con trai, con gái, dâu rể, cháu , chắt.
Năm 2008, gia đình Kha được Hội đồng hương Nghệ Tĩnh bình xét là gia đình xuất sắc, UBND huyện Phước Long tặng giấy khen, UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen, UBMT Tổ Quốc, Hội khuyến học tỉnh tặng kỉ niệm chương Gia đình hiếu học tiêu biểu. Thành tích đáng kể là vậy nhưng Kha rất khiêm tốn. Trong bức thư mới nhất Kha gửi cho tôi có câu:”Em xin cảm ơn thầy đã quan tâm đến em, em tự nghĩ mình cũng chỉ bình thường thôi...”. Đặc biệt, chưa bao giờ Kha tỏ thái độ hằn học, bực bội, oán thán với những tháng năm tai bay vạ gió.
Điều làm tôi thêm cảm phuc Kha laf mặc dù cuộc đời ba chìm bảy nổi là vậy và trong bóng tối, tình nghĩa thầy trò của Kha- một học sinh đã cách đây sáu, bảy thập kỷ vẫn nguyên vẹn. Cũng cần nói thêm, lứa tuổi học sinh cũ của tôi khi xưa phần lớn đều có một tình cảm tương tự. Năm tôi 80 tuổi, nhân dịp biết tôi về thăm quê, một số học sinh đã thành ông, thành bà trên dưới 70 tuổi và là những cán bộ, giáo viên, sĩ quan về hưu, đã bảo nhau tổ chức một cuộc gặp mặt thầy trò rất cảm động. Tấm bảng mừng thọ và những bài thơ chan chứa tình cảm của các em là những kỷ vật quý giá đang được lưu giữ trong tủ tư liệu văn hoá của đời tôi. Xin kể thêm một học sinh cũ của tôi cùng lứa tuổi và cùng học một trường với Phạm Văn Kha hồi đó là Thái Quý. Quý là lớp trưởng nhanh nhẹn, hoạt bát, có tinh thần trách nhiệm. Cũng như Kha, năm sáu chục năm chúng tôi không gặp nhau và cũng không biết tin của nhau. Tình cờ ngày 20/10/2000, tôi đến Nhà tang lễ bộ Quốc phòng viếng và tiễn đưa một người bạn đồng hương, đồng môn cũ về nơi an nhỉ cuối cùng thì gặp lại Quý. Quý lúc này tuổi đã trên 60 với chức danh giáo sư, tiến sĩ và đang giữ trọng trách làm viện trưởng Viện huyết học , Bệnh viện Bạch Mai. Thầy trò gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau tình hình sức khoẻ, trao đổi cho nhau địa chỉ và số điện thoại,... Tuy nhiên vì đám tang rất đông người, thời gian có hạn, ai cũng đang lo vào lễ viếng nên chúng tôi chưa nói chuyện với nhau được nhiều. Nhưng gần một tháng sau, tôi đã nhận được thư của Quý. Thư viết: “ Kính gửi thầy Nhật. Vì còn phải đi làm, công việc hàng ngày rất bận nên trò chưa đến thăm thầy và gia đình được, mong thầy thông cảm. Hôm nay học trò xin gửi lời chào chúc mừng thầy và gia đình sức khoẻ, an khang, hạnh phúc. Hôm gặp lại thầy, trò rất xúc động và đã làm mấy câu thơ tặng thầy:
Hơn 50 năm mới gặp lại thầy
Rưng rưng xúc động nước mắt rơi
Nhớ thủa thiếu thời thầy vẫn dạy
Đời là biển cả cố mà bơi
Cha mẹ sinh thành, thầy giáo huấn
Thăng trầm gian khổ vượt biển khơi
Để đến hôm nay cuối chặng đời
Giáo sư, tiến sĩ đã vươn tới
Công Đảng, ơn dân, có công thầy...”
Nhưng trường hợp Phạm Văn Kha lại có những nét riêng biệt. Trải qua bao sóng gió cuộc đời, bao đổi thay thời cuộc, mái trường xưa đã lùi vào dĩ vãng từ rất lâu, thầy, bạn ai còn ai mất, biệt vô âm tính, nhưng hình ảnh người thầy cũ của mình vẫn đọng mãi trong tâm trí. Và khi biết được thầy vẫn còn sống, Kha đã không chậm trễ, trong bóng tối, nhờ con biên thư hỏi thăm, chúc mừng thầy. Từ đó đến nay đã qua 6 năm, nhưng năm nào Ngày Nhà giáo VN 20/11 hay ngày Tết nguyên đán, Kha cũng không quên gửi thư và chút quà “cây nhà lá vườn” tặng thầy. Đọc một ít lời thư của Kha, tôi cứ tưởng như mình đang trò chuyện với trò Kha 12, 13 tuổi năm nào. Chứ không phải là bậc cao niên tuổi:
“Thật là một sự tình cờ nhờ chú Quế em mới được gặp lại thầy, người thấy giáo cũ kính mến sau hai phần ba thế kỷ. Gặp thầy, em mừng nhất khi biết thầy lên tuổi đại thọ, vẫn khoẻ, vẫn minh mẫn như thủa nào. Gặp lại thầy cảm em cảm thấy mình như còn trẻ, hình ảnh thời thơ ấu ùa về trong ký ức, những lời giảng dạy của thầy còn văng vẳng bên tai...”
Tấm gương của Phạm Văn Kha thêm một lần giúp tôi thấy rõ giữa thời đại nới, trong khi đất nước hội nhập quốc tế, cái hay, cái được và cái dở, cái mất đang đan xen nhau, truyền thống những phẩm chất cao đẹp của dân tộc vẫn được duy trì và bảo vệ. Ngay đến những con người bị khuyết tật năn nề, những mảnh đời bất hạnh, tưởng như không còn một mảnh đất để tồn tại, vẫn vùng lên lập thân, lập nghiệp với sự cưu mang giúp đỡ của những tấm lòng vàng nhân ái của gia đình, họ hàng, bạn bè, xã hội. Hơn thế nữa, họ vẫn sống thuỷ chung, trọn tình trọn nghĩa với quê hương, đất nước, với tất cả những ai đã nâng đỡ họ vào đời, giúp họ vượt lên số phận trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Nói đến Phạm Văn Kha là nói đến một nghị lực sống phi thường, một tình nghã thầy trò hiếm có.
Trên đây là câu chuyện của cha tôi, cụ Trần Quang Nhật 96 tuổi-Cựu giáo chức thời kỳ KC chống Pháp kể về những người trò cũ của mình!
( Chuyện về nghị lực sống và tình nghĩa thầy trò của một học sinh cũ của cha tôi)
Theo Chuyện quê