Những dự báo của Xuân Vũ trong tiểu thuyết Tơ Vò về tham nhũng quyền lực thành hiện thực

Tác giả Xuân Vũ (tên thật là Vũ Xuân Bân) là một nhà báo từng trải, có chuyên môn vững, từng công tác tại Thông tấn xã Việt Nam với chức vụ Trưởng ban Tin trong nước, về nghỉ hưu từ năm 2011. Ông đã mạnh dạn thử nghiệm những trang viết văn học, bước đầu đã trình làng 2 cuốn “Tơ vò” (Tiểu thuyết) bút danh Xuân Vũ và “Ứng nghiệm thành đạt” (Tập Truyện ký) với bút danh Quân Yên đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 và năm 2023.

Dưới góc độ nghề nghiệp, ông là Phó Tổng Biên tập thường trực phụ trách nghiệp vụ của cơ quan chúng tôi hiện nay (Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển). Dưới góc độ xã hội, ông như là một người thầy, người đàn anh luôn chỉ bảo tận tâm đối với cánh phóng viên trẻ chúng tôi. Đúng như Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta”. Xuân Vũ không chỉ là một nhà quản lý, ông còn là một người trí thức giản dị, khiêm nhường, có những trang viết rất sắc sảo có tính dự báo chuẩn xác. 
Những bài báo chính luận trong số nhiều bài của ông tôi đọc được, tôi ấn tượng với 2 bài: "Cha chung không ai khóc – Cha chung đã có người khóc". Cách đặt tít bài ấn tượng và dễ nhớ, có sự sâu xa của chữ nghĩa. 

bia-tvo1a-1714702068.jpg
 


Qua tiểu thuyết Tơ Vò, với những ai từ quê ra phố để đi học Đại học, kể cả đi mưu sinh bằng những việc chân tay, chắc hẳn thấm thía khi phải đi nhờ vả chỗ này chỗ kia để kiếm một công việc. Sẽ vô cùng khó khăn để tìm một công việc tốt, lại như ý, lại sống phong lưu. Ban đầu nhiều người tưởng nhờ bác này, bác kia chắc sẽ được. Xuân Vũ đã khắc họa bằng một ý liên quan đến sự nhờ vả: “Có vị còn nói công khai ở chốn công đường: Từ ngày làm lãnh đạo ở đô thành sợ nhất là người nhà quê đến gặp nhờ xin việc làm cho con cháu, chỉ có nước đánh bài chuồn (trang 20). Thế mới thấy, cảnh “nhà quê ra phố” bao thiệt thòi, để ổn định cuộc sống mất biết bao nhiêu thời gian.
Xuân Vũ đã hình tượng mấy viên quan ở tỉnh nọ bằng mấy câu:
“…Đất ông Ải
Gái ông Dùng
(tức Trần Dùng, tên cúng cơm của Trần Bố)
Tham nhũng ông Phí
Lì xì ông Chút
Ấm ức ông Cù… (trang 22)”. Những vị ấy nếu đã từng đọc qua tiểu thuyết này, chắc hẳn cũng lạnh sống lưng, nếu còn chút lương tâm chắc hẳn đã biết điểm dừng để không tiếp tục lún sâu hơn vào những guồng quay tội lỗi nữa.
Xuân Vũ đã lên án những kẻ hách dịch, cửa quyền, cậy dựa vào quyền lực “Không những vậy, vị lãnh đạo tỉnh này còn khẳng định thông tin trên mạng xã hội về tài sản của bồ nhí là bịa đặt, đã huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh đối đầu với báo chí (trang 25)”. Có lẽ hiện nay, báo chí là một trong những mặt trận rất nóng. Bởi thế, những ngòi bút sắc sảo, tôn trọng sự thật đã khiến biết bao người có quyền lực muốn kiểm soát chặt hơn, muốn đối đầu như vị kia.

20230317-100629-1714660417.jpg
Nhà văn Xuân Vũ (Vũ Xuân Bân - bên trái) và tác giả dự Hội báo Xuân toàn quốc đầu năm 2023.


Ông đã cảnh báo về cái được, mất ở đời: “Được đặc quyền, đặc lợi về đất đai làm trang trại nhưng Thạch Phí đã bị mất đi rất nhiều, trước hết là trăm năm “bia miệng để đời”. Xuất phát từ lòng tham, ông ta bất chấp dư luận, mà không nghĩ rằng bị mất lòng tin là mất tất cả (trang 33)”. Có những cái mất không thể lấy lại được, nhất là mất lòng tin. Lòng tin tuy vô hình nhưng lại là một tài sản vô giá. Để dũng cảm dừng chân: “mạnh dạn rũ bỏ bụi trần và những mánh khóe, bon chen ở chốn quan trường để về nghỉ hưu sớm cầu chữ an nhàn như nguyên phó bí thư thường trực này không phải là nhiều (trang 50).”. Thực sự, quyền lực là một ma lực thu hút mạnh mẽ biết bao con người. Ai đã vào vòng xoáy của quyền lực, kèm với đó là bao vinh hoa, mấy ai giữ được mình khi đã có trong tay nhiều quyền lực? Cũng bởi thế, nhiều người đã tìm cách “vấn nạn trẻ hóa bằng cách sửa lại tuổi, trở thành trò đùa cho thiên hạ đàm tiếu về tham quyền cố vị (trang 50)” đã được Xuân Vũ coi là một điều rất đáng lên án.
Trong muôn vàn những thủ đoạn ở chốn quan trường, Xuân Vũ cảnh tỉnh: “Có những trường hợp núp dưới chiêu bài thu hồi đất nông nghiệp để làm cụm công nghiệp là đất ven quốc lộ, tỉnh lộ rồi bỏ hoang hóa. Họ còn phù phép phân lô bán nền làm nhà ở cho không ít quan chức và những kẻ có nhiều tiền ( trang 56)”. Đây là hiện trạng xảy ra ở nhiều địa phương, liên quan đến nhiều người. Công cuộc chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin cho nhân dân cần được làm sâu sắc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới đất đai.
Ông cũng cảm thương cho những người nông dân, có người không biết quản lý đồng tiền “Lại có trường hợp, sau khi nhận tiền đền bù đất đai, bị rủ rê, chơi bời, nghiện hút, trai gái, đĩ bợm, gia đình tan nát, phải vào nhà đá bóc lịch (trang 58)”. Quả là, tự nhiên có một khoản đền bù lớn, có khi làm cả đời chưa tích cóp được bằng phân nửa, lại thiếu học hành, thì sự ăn chơi đua đòi là rất dễ xảy ra. Mặt trái nhức nhối ấy đã xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều gia đình, thật xót xa. Xuân Vũ tổng kết: “Tóm lại, chỉ khổ người nông dân thấp cổ bé họng. Họ không biết bấu víu vào đâu khi bị thu hồi đất làm dự án cho chủ tư nhân mà lâu nay chân lấm tay bùn, sống bằng nghề trồng trọt trên đồng ruộng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không chuyển được nghề kiếm sống (trang 62).” Vậy mới thấy, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng mang lại bao hệ lụy. Những tưởng dự án mọc lên, nhưng không mang lại nhiều công ăn việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Khi dự án hoàn thành thì họ chuyển nghề làm gì được đây khi mà không còn đất đai để canh tác?
Vị đại gia giàu có một cách bất thường mới “xộ khám” gần đây, đã được Xuân Vũ dự báo và cảnh tỉnh từ lâu cách nay 6 năm trong tiếu thuyết Tơ Vò: “Mang danh là “Luật sư tiêu biểu” và Tổng giám đốc một công ty luật, được bình chọn, cấp bằng là “Gương sáng tư pháp”, lại là Chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế lớn, Trịnh Quỳ lại hành xử bất tuân pháp luật như vậy?... Vì thế, hắn đi đến đâu cũng đều bị dân xua đuổi (trang 75)” đến nỗi “Trịnh Quỳ ít về làng nhưng cha mẹ hắn ở quê vẫn bị mọi người coi khinh (trang 99)”. Giá như vị đại gia ấy biết điểm dừng, biết lắng nghe những người chí sĩ của thời đại can gián, nhắc nhờ, khuyên nhủ; chắc đã không phải trả giá bằng ngồi lao lý như ngày hôm nay về tội "thao túng thị trường" và tội 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Sự đánh đổi ngồi tù  trong lúc đang đỉnh cao danh vọng ấy, nghĩ chắc cũng cay đắng, nhục nhã lắm, nhưng cái giá phải trả ấy còn quá rẻ so với những gì bá tánh lầm than phải gánh chịu.
Xuân Vũ cũng gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về giáo dục: “Một trong những thứ phải chạy là “chạy bằng cấp”... Tuy có bằng tiến sĩ nhưng Trương Tồn bị xếp vào diện tiến sĩ “mù” ngoại ngữ…Nhiều ý kiến cho rằng muốn trị được căn bệnh “tiến sĩ giấy”, giáo sư “thùng rỗng kêu to” thì hãy trị từ gốc chứ đừng trị ngọn nữa. Nhiệm vụ đó không thuộc về công chúng mà thuộc về Nhà nước và các cấp quản lý bị buông lỏng từ lâu. (trang 113)”. Những vị như Trương Tồn kia trong xã hội cũng không ít. Mang danh bằng cấp này nọ mà chẳng có đóng góp tẹo teo nào về khoa học thì nên lấy đó mà xấu hổ, chứ suốt ngày rao giảng đạo lý này kia chỉ khiến cho những người hiểu chuyện cười chê. Ông cho rằng “Đó là hậu quả của lối đào tạo khoa bảng, hư danh, không thực chất. Đó cũng là bệnh thành tích, thích khoe khoang của những người không có lòng tự trọng ( trang 117).” 
Ông cũng mạnh mẽ chỉ thẳng vào lĩnh vực văn hóa: “Trong khi bảo tàng chỉ trưng bày lèo tèo mấy hiện vật, không tương xứng với công năng, quy mô, không gian kiến trúc hiện đại theo trường phái phương Tây…Những quan chức đã quyết định xây dựng bảo tàng đó nay đã nghỉ hưu. Liệu những vị này có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự lãng phí kéo dài, góp phần tiếp tục làm nghèo đất nước? (trang 115)”. Chuyện xảy ra đã lâu, nhưng còn đó những nan đề mà không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Sự lãng phí ấy nhiều người có thấy những có mấy người dám nói? 
Hay như lĩnh vực pháp luật cũng không phải ngoại lệ khi ông cho rằng: “Những lỗ hổng cho phép những người nắm trong tay pháp luật được quyền đứng trên cả pháp luật hành xử sai trái, cố tình áp đặt án oan lên người dân lương thiện (trang 176).” Mặc dù những chuyện án oan là hy hữu nhưng vẫn xảy ra. Bởi thế, những người làm luật, thực thi pháp luật cần phải tu dưỡng, học hỏi nhiều hơn nữa; để cho xã hội thực sự minh bạch, dân chủ, văn minh; dù điều đó là vô cùng khó khăn.
Xuân Vũ nhắc lại chuyện kéo bè kéo cánh: “Có những vị sắp hạ cánh còn tìm mọi cách giành suất lãnh đạo không chỉ cho con đẻ mà cho cả con rể, anh em họ hàng, người quen thân thuộc cánh hẩu (trang 204).” Thật đáng buồn khi chuyện này có xảy ra không phải chỉ 1 địa phương. Bao sinh viên ra trường không có việc làm, rất khó xin được vào những cơ quan này một phần bởi thực trạng này chăng?
Xuân Vũ đã dùng những lời quyết liệt với những vị quan chức rời ra lý tưởng ban đầu: “Dưới con mắt người dân, họ không còn là “đầy tớ” mà là quan tham, xa rời dân. Như vị chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ trước từng núp dưới danh nghĩa mẹ vợ để “nuốt” gần chục hecta làm trang trại. Đến vị chủ tịch tỉnh kế nhiệm không chỉ vướng vào vụ “quan tài trước ngõ” liên quan đến “quý tử”, mà con rể cũng bị nghi dính líu đến vụ “quan tài diễu phố”, bia miệng để đời (trang 240)”. Đó có thể nói là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa rất nguy hiểm tới sự tồn vong của chế độ. Bởi thế, chúng ta cần sáng suốt nhận ra, chỉ ra, làm cho ra những cá nhân đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, đã tha hóa, biến chất, đã làm mất lòng tin của nhân dân phải chịu những hình phạt cao nhất để đưa đất nước phát triển bền vững.
Những biểu hiện của “một cán bộ công chức từng nắm giữ quyền lực nhưng lại yếu kém về nhân cách. Trương Tồn khi chưa có quyền lực thì tốt nhưng khi đã nhiễm máu quyền lực thì dần dần trở nên tha hóa, không từ một thủ đoạn nào vì cái “ghế vàng” ở chốn quan trường! (trang 288).” Công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay rất được nhân dân ủng hộ. Các vị lãnh đạo có tài, nhưng lại thiếu đạo đức, sớm muộn cũng sẽ phải trả giá. Nếu không phải trả giá khi đương chức, thì lúc về hưu hẳn cũng khó mà hạ cánh an toàn.
Đúng như nhan đề “Tơ Vò”, Xuân Vũ đã hệ thống lại một loạt những thủ đoạn, cạm bẫy, cám dỗ mà ở chốn quan trường nhìn vào mới thấm, mới thấu. Nhiều vị quan tham đứng đầu tỉnh nọ bị gục ngã về tội "nhận hối lộ" đã từng được phơi bày và cảnh báo trong tiếu thuyết Tơ Vò nay thành hiện thực. Với ngòi bút sắc lẹm, điểm huyệt đúng những vị từng nhúng chàm và đã ứng nghiệm với một số trường hợp, ông đã đưa người đọc đến với những miền đất mà nhiều khi  ngôn ngữ báo chí chưa lột tả, dự báo hết được. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Xuân Vũ khắc hoạ khá đậm nét về tham nhũng quyền lực hấp dẫn bạn đọc.