Tu viện Tùng Tán Lâm: Trải nghiệm tâm linh và văn hóa dân tộc Tạng

Tu viện Tùng Tán Lâm (Songzanlin), tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, một điểm đến tâm linh nằm giữa những ngọn núi cao ngất, nơi du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa Tạng độc đáo. Đến đây, bạn không chỉ được tìm hiểu về tu hành và tâm linh, mà còn có cơ hội thuê trang phục cổ truyền của dân tộc Tạng, chụp ảnh và mua những đồ trang sức, đồ lưu niệm mang về làm quà.

z5592261985417-2237c46cc0b3831b040f1bef0c23b1bc-1719898858.jpg

Tu viện Tùng Tán Lâm ở độ cao 3380m, Trung tâm Phật giáo của Shangri - La, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Lê Cường).

Tu viện thuộc dòng Phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Được xây dựng vào năm 1679 trên độ cao 3.380 mét, tu viện rộng 30 hecta này là một phiên bản thu nhỏ của cung điện Potala - thánh địa Phật giáo - tại Lhasa, Tây Tạng. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, Tùng Tán Lâm vẫn được phục hồi và duy trì, giữ vững vị thế là biểu tượng thiêng liêng và niềm tự hào của người dân nơi đây.

Thuộc hệ phái Gelukpa, hay còn gọi là Mũ Vàng, tu viện Tùng Tán Lâm được thành lập bởi Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 với sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Tây Tạng và Trung Hoa. Mặc dù tu viện đã bị tàn phá nặng nề trong cuộc Cách mạng Văn hóa, nó đã được phục hồi vào năm 1983. Ngày nay, tu viện có thể tiếp đón 700 tu sĩ, trong khi trước đó có thể chứa đến 2.000 tu sĩ.

z5592268373084-44cae55a6f71cc944a355436166f5016-1719899123.jpg

Đường lên Phật điện. (Ảnh: Lê Cường).

Ngoài sự quan trọng về mặt tôn giáo, Tu viện Tùng Tán Lâm còn là một biểu tượng văn hóa và du lịch quan trọng của Vân Nam. Với sự phổ biến của tiểu thuyết "Horizon Lost" của nhà văn James Hilton, một tác phẩm nổi tiếng mô tả một xứ sở huyền bí nơi con người và thiên nhiên sống hòa hợp dưới sự cai trị của một vị Đạt Lai Lạt ma, chính quyền Trung Quốc đã quyết định đổi tên từ Huyện Zhongdian sang Huyện Shangri-La vào năm 2001, nhằm tôn vinh vùng đất mà Hilton lấy nguồn cảm hứng trong tác phẩm của ông.

z5592274598310-383d890a379ace65986430dbf36b75d0-1719899123.jpg

Những dãy điện thờ trong tu viện. (Ảnh: Lê Cường).

Về mặt địa lý, Tu viện Tùng Tán Lâm nằm tại thị trấn Shangri-la, trong dãy núi Hengduan. Với các tuyến đường giao thông hiện đại, từ Shangri-la có thể dễ dàng kết nối với các điểm đến như Lhasa, Litang, Dali và Tây Tạng Sichuan.

Sân bay Shangri-La cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng này với Lhasa và Kunming bằng đường hàng không.

Kiến trúc của Tu viện Tùng Tán Lâm như một tòa tháp canh năm tầng, với những mái ngói mạ vàng và tường đỏ đặc trưng. Các hoa văn chạm khắc tinh xảo thể hiện sâu sắc văn hóa và tín ngưỡng dân gian Tây Tạng. Nổi bật trên mái của các tu viện là bánh xe pháp luân cùng hai con nai quỳ chầu hai bên, biểu tượng Phật giáo Ấn Độ cổ đại và hình ảnh gợi nhắc về Vườn Nai - vùng đất thiêng liêng của Phật giáo.

z5592278917918-203bea816e59ba62586bdcc1a814954a-1719899123.jpg

Mái của tu viện được chạm khắc tinh xảo. (Ảnh: Lê Cường).

Các công trình trong tu viện chủ yếu được xây dựng từ gỗ và đá, mỗi tòa nhà mang những nét kiến trúc và tên gọi riêng. Tòa nhà lớn nhất là Phật điện, còn tháp cao nhất là tháp Lợi Quang. Xung quanh là các tu viện nhỏ hơn, nơi các tu sĩ trẻ tới tu tập và sinh hoạt.

z5592275674334-6a4c83de6cffcf9e4fde9a7a17a1ed02-1719899124.jpg

Các cột gỗ hoa văn trong Phật điện. (Ảnh: Lê Cường).

Bên trong các tu viện, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những di vật, tượng Phật và tranh tường độc đáo. Những hình ảnh về các vị Phật, cõi Thiên giới, địa giới, âm giới, ma quỷ, động vật và con người, cùng các kỳ quan và sự kiện trong lịch sử Tây Tạng tạo nên một bức tranh sống động và sắc màu.

Phía trước tu viện là một hồ nước trong xanh, chảy từ núi cao. Đây không chỉ là nguồn nước quý giá mà còn mang đến không gian mát lành cho cả khu vực. Hồ nước này cũng là điểm check-in nổi tiếng của du khách.

z5592276592804-b544589ecc552a9c862aab9680c9322b-1719899122.jpg
Hồ nước phía trước nhìn từ trên cao. (Ảnh: Lê Cường).

Trang phục cổ truyền và chụp ảnh

Khi bước vào tu viện, bạn sẽ bị cuốn hút bởi sắc màu rực rỡ của trang phục cổ truyền. Những bộ áo dài, khăn quàng và nón độc đáo của dân tộc Tạng đang chờ bạn khám phá. Hãy thuê một bộ trang phục và tạo dáng trong khu vườn hoa xanh mướt hoặc trước cửa chính của tu viện. Bạn sẽ có những bức ảnh độc đáo để lưu giữ kỷ niệm.

z5593721356146-f67eeb742478119f84327a8fd97de913-1719899124.jpg
Trang phục phụ nữ của dân tộc Tạng
z5593734239284-e2adc77ca0685ec1c92f6e979d47a27a-1719899123.jpg
Các khách du lịch thuê trang phục và chụp ảnh với nền là bánh xe pháp luân.

Mua sắm và lời cầu chúc

Điều đặc biệt ở tu viện là các nhà sư không chỉ là những người tu hành, họ còn là những nhân viên đứng bán hàng trực tiếp ở các quầy lưu niệm. Khi bạn mua những vật phẩm như hạt mắc khén, thần chú, hoặc tranh thủy mặc, các nhà sư thường đọc những lời cầu chúc trước khi đưa hàng cho bạn. Điều này tạo ra một không gian tâm linh và thiêng liêng, khiến bạn cảm thấy gần gũi với văn hóa và tâm hồn của người dân Tạng.

5592280382217-1719899203.mp4

Nhà sư đứng bán hàng và đọc lời cầu chúc trước khi giao hàng cho khách

z5593721385434-0400f5045bb8e6687b49f1d7232e6555-1719899202.jpg
Những chiếc vòng đeo tay được các nhà sư bán thường có giá từ 300 - 500 tệ, khoảng 1 - 2 triệu đồng. (Ảnh: Lê Cường).

Xoay bánh xe pháp luân - hành trình tâm thức

Kinh luân, hay còn được biết đến như bánh xe pháp luân, là một biểu tượng thiêng liêng trong Phật giáo Tây Tạng, thường thấy tại các tu viện và đền thờ Phật giáo. Tại Tu viện Songzanlin, kinh luân không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc mà còn là biểu tượng của nhiều khía cạnh trong giáo lý Phật giáo.

z5592270689292-58bd17b62afa511f153d92c3d1ef206d-1719899124.jpg
Các bánh xe pháp luân được trang trí trên những bức tường. (Ảnh: Lê Cường)

Xoay kinh luân không chỉ là một hành động thể chất mà còn là hành trình tâm thức, từ mê muội đến giác ngộ. Hành động này nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều có khả năng vượt qua khổ đau và đạt đến sự giải thoát thông qua việc thực hành Phật pháp. Xoay bánh xe pháp luân là một cách thức để tâm trí không ngừng vận động, chuyển hóa từ những u mê sang sự tỉnh thức và hiểu biết. 

5592273034723-1719899204.mp4

Du khách tham gia xoay bánh xe pháp luân

Bữa ăn từ củi

Trong khu bếp của tu viện, chất lượng và tinh thần làm việc của các nhà tu hành đều được thể hiện qua việc họ dùng củi để nấu các bữa ăn. Củi không chỉ là nguồn nhiên liệu, mà còn là biểu tượng của sự kết nối với tự nhiên và tâm linh. Nếu có cơ hội, hãy thử một bữa ăn tại đây để cảm nhận sự đơn giản và thanh khiết của thực phẩm được nấu từ củi.

z5593712752766-8342e305b629312d37c4ee62ac962e4a-1719899202.jpg
Bếp và củi nấu ăn của các nhà sư. (Ảnh: Lê Cường).

Tu viện tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, trong đó có lễ hội Gedong vào ngày 29 tháng 11 với điệu múa Cham đầy màu sắc. Lễ hội Đua ngựa, được tổ chức tại Zandiaong vào tháng 6 theo lịch âm, mang đến không khí lễ hội sôi động với các hoạt động đua ngựa và các trò chơi dân gian.

Ngoài ra, Lễ hội Dân tộc thiểu số vào tháng 9 là cơ hội để các nghệ sĩ từ các khu vực lân cận và Tây Tạng trình diễn nghệ thuật độc đáo của họ.

Tu viện Tùng Tán Lâm luôn tấp nập du khách mỗi ngày. Thời gian lý tưởng nhất để tham quan là từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 11. Trong những tháng này, thời tiết Tây Tạng mát mẻ và khô ráo, bầu trời xanh trong và ánh nắng rực rỡ mang lại cảm giác thanh tịnh và bình yên cho tâm hồn.

z5593712788868-e2e0d7968e48dcc4b67b04266e5a3d32-1719899124.jpg
Kiến trúc đIện thờ là sự kết hợp độc đáo của người Tạng và văn hóa Trung Quốc. (Ảnh: Lê Cường)..

Trước khi đến tu viện, du khách nên tìm hiểu về thời gian và thời tiết để có kế hoạch tham quan phù hợp. Do nằm ở độ cao khá cao nên thời tiết ở đây thường rất lạnh và khô ráo. Hãy mang theo quần áo ấm và chống nắng để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Nếu đi vào mùa đông, hãy chuẩn bị mũ, khăn ấm, găng tay và giày ấm để bảo vệ khỏi cái lạnh cắt da.

Tùng Tán Lâm không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là nơi để tìm về sự bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Đó là niềm tự hào của Shangri-La, là nơi mà mỗi du khách đều mong muốn được một lần đặt chân tới và chiêm ngưỡng.