Tức Mặc cố hương ngời Quốc sử

Giao Hưởng

20/03/2023 19:12

Theo dõi trên

Tám trăm năm sau nhìn lại, ta càng cảm nhận tài năng của kiến trúc sư Trần Thủ Độ. Ngẫm ai đó có lý cho rằng, cỗ xe nhà Lý sau 215 năm (1010-1225) hành trình, nhờ cụ Điện tiền chỉ huy sứ kịp vung “cây roi lịch sử”, bấy giờ cỗ xe đã rệu rã ấy mới nép vào lề đường nhường chỗ cho cỗ xe mới mang tên nhà Trần, để quốc gia Đại Việt tiếp tục hành trình trên đường đua mang tên “thời đại”.

Chẳng là khoảng hai chục năm cuối nhà Lý, bức tranh kinh tế xã hội Đại Việt đầy u ám, rối ren. Lý Cao Tông (1173-1210) - vị vua thứ bảy nhà Lý, trị vì từ năm 1175-1210, vẫn ngựa quen đường cũ chơi bời vô độ, ham mê săn bắn, vơ vét của dân. Chính sự hành pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liên tiếp, Vua bắt trăm họ xây dựng nhiều cung điện, chùa chiền. Sách xưa chép: Khi đang xây dở gác Kinh Thiên có chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long cho là điềm xấu bèn khuyên can vua: “Trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải”.  

Lời ngay bị vua để ngoài tai, trăm họ càng thêm khốn khổ. Năm 1208 người chết đói hàng loạt vua vẫn ăn chơi vô độ, không có kế sách cứu dân, cùng năm ấy vua lập Lý Sảm con trưởng làm Thái tử, tức Lý Huệ Tông (1194-1226).  

Năm 1209 vua nghe đám nghịch thần xúc xiểm giết Phạm Bỉnh Di, thuộc tướng của Di là Quách Bốc mang quân đánh phá thành trả thù cho chủ. Vua Cao Tông phải bỏ Thăng Long chạy lên Quy Hóa (nay là Yên Bái, Lào Cai), Quách Bốc làm chủ Thăng Long, lập Lý Thầm là con thứ của Cao Tông lên ngôi.

Thoát khỏi cuộc biến loạn Quách Bốc, Thái tử Sảm chạy về thôn Lưu Gia, Hải Ấp - nơi Trần Lý cai quản. Hải Ấp nay thuộc xã Lưu Xá huyện Hưng Hà - Thái Bình. Tại đây Thái tử Sảm nương nhờ Trần Lý, được Trần Lý gả con gái là Trần Thị Dung. Sách ĐVSKTT chép: “Hoàng thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ...”.

85159607-dce4-4005-9a1e-888f91aa1f2a-1679308493.jpeg

Cổng chính Đền Trần

Đầu năm 1210  vua Cao Tông sức khỏe như đèn cạn dầu, vua cho người đi đón Thái tử Sảm về kinh để truyền ngôi. Quân của Trần Lý nhân dịp này hội cùng quân triều đình làm thành đoàn rước Thái tử Sảm về dinh. Tháng 10/1210 Lý Sảm đăng quang, lấy vương hiệu Lý Huệ Tông đời vua thứ 8 của nhà Lý.

Việc đầu tiên của tân vương Huệ Tông là đón vợ là Trần Thị Dung vào cung lập nguyên phi; ân thưởng Trần Lý nhạc phụ tước “Hải Minh Tự”, nghĩa là được toàn quyền cai quản khai phá vùng Hải Ấp. ĐVSKTT chép: “Thái tử... trao cho Trần Lý tước Minh Tự, phong cho Tô Trung Từ là cậu của Trần Thị Dung làm Điện tiền chỉ huy sứ”. Trần Lý về sau là ông nội của Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, vị vua khai sáng triều Trần.

Tháng sau (11/1210) vua cha Cao Tông băng hà. Đến năm Mậu Dần-1218 bà Trần Thị Dung hạ sinh cho vua Lý Huệ Tông một công chúa. Lúc này nhà Lý đã thời kỳ suy tàn, ông nội của Chiêu Hoàng là vua Lý Cao Tông “chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm”, cơ nghiệp nhà Lý suy từ đấy. Đến đời vua Lý Huệ Tông đất nước càng bi đát hơn, sử viết:

“Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát”. Vua Lý Huệ Tông không có hoàng tử, năm 1225  công chúa Lý Chiêu Hoàng lên bảy tuổi nối ngôi cha, trở thành vị vua cuối cùng của vương triều Lý, cũng là nữ hoàng duy nhất trong sử Việt. 

Trên ngai vàng, ấu vua  đau ốm liên miên, xanh xao gầy gò, biếng ăn kém ngủ, thầy giỏi thuốc quý từ khắp trong nước chữa trị cũng không khỏi. Bấy giờ quan nội triều Trần Thừa có con trai là Trần Cảnh (1218-1277) khôi ngô tuấn tú cùng tuổi với nữ hoàng. Trần Cảnh  gọi Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ là chú ruột.  Trần Thủ Độ mưu lược, thu xếp để nội quan Trần Thừa cung tiến Trần Cảnh vào cấm cung phục vụ nữ hoàng. Truyền rằng, từ ngày Trần Cảnh vào cấm cung, cặp bé khác giới rất hợp nhau, bệnh của nữ hoàng dần thuyên giảm. Sách Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép: “Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy cái khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy, nhận lấy, rồi mách với Thủ Độ. Thủ Độ liền đem gia thuộc và họ hàng vào trong cung cấm, sai đóng các cửa thành lại. Trăm quan tiến triều không vào được, Thủ Độ nhân thế loan báo cho mọi người: “Bệ hạ đã có chồng rồi!”. Các quan đều vâng lời và xin chọn ngày vào hầu để làm lễ yết kiến”. 

31862aca-8c95-450c-9689-95d2b254c463-1679308649.png

Đền Trùng Hoa

Xưa nay việc chuyển giao quyền bính luôn là đại sự. Chuyển giao thực quyền từ triều đại này sang triều đại khác lại càng là đại đại sự. Triều Lý ngập trong suy thoái, ba nhân vật họ Trần là Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung không đành mũ nỉ che tai, đặc biệt là Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ đầy quyền lực, đã  lựa thời lựa thế, khéo sắp đặt màn diễn “nhường ngôi cho chồng” để chuyển giao từ cỗ xe quyền bính nhà Lý sang cỗ xe nhà Trần.  

Ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) tại điện Thiên An, thông qua cặp diễn viên nhí, cuộc chuyển giao vương triều đã diễn ra trong lung linh huyền ảo như bảy sắc cầu vồng. Trước ba quân thiên hạ, cánh cổng lịch sử 215 năm vương triều Lý khép lại, đồng thời mở ra 175 năm (1255-1400) oanh liệt của vương triều Trần. Kiến trúc sư Trần Thủ Độ mượn cung đình nhà Lý làm sân khấu, ông bố trí cho cặp nhí Chiêu Hoàng - Trần Cảnh sắm vai người lớn. Với màn diễn độc nhất vô nhị này của sử Việt, Trần Thủ Độ dễ dàng hô biến ngọn núi quyền bính triều Lý sau 215 năm tồn tại, thành những viên sỏi-đồ chơi trong tay cặp diễn viên nhí. Màn diễn chuyển giao quyền bính này cũng siêu nhiên “khắc xuất khắc nhập” như cây tre trăm đốt cổ tích Việt Nam.

Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu Trần Thái Tông, vị vua khai sáng triều Trần. Ngài là con trưởng của cụ Trần Thừa ở làng Tức Mặc, như đã nói Ngài là cháu đích tôn của cụ Trần Lý người từng cưu mang Thái tử Sảm; Cụ Trần Thừa chưa một ngày làm vua, song có con làm vua nên vẫn là Thượng hoàng. 

Là vị vua khai sáng triều Trần, tại sao người đời không gọi vua Trần Thái Tông là Trần Thái Tổ như từng gọi các vị vua (khai sáng) Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Mạc Thái Tổ?  

Dòng họ của Ngài Trần Thái Tông là ngư dân, trước kia ở làng Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đời thứ tư vào định cư tại đồng bằng cổ Bắc bộ, còn gọi là đồng bằng sông Hồng. Sách ĐVSKTT Kỷ Nhà Trần - Thái Tông hoàng đế chép: “…Trước kia tổ tiên vua... có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua (Trần Cảnh) là con thứ 2 của Thừa, mẹ họ Lê …”. Như vậy từ đời các cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa, đến vua Trần Thái Tông là đời thứ năm đã ở hương Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay là Nam Định). Vậy, đất Tức Mặc (xưa) là bản quán của các đời vua Trần - triều đại nhà Trần - một triều đại huy hoàng bậc nhất trong sử Việt. 

Bấy giờ hương Tức Mặc thuộc lộ Thiên Trường, tại đây “Năm Kiến Trung thứ 7 (1231), mùa thu tháng 8, vua Trần Thái Tông vua đầu triều nhà Trần, ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở Tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau. Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 8 (1239), vua sai Phùng Tá Chu về hương Tức Mặc xây dựng nhà cửa, cung điện. Thiệu Long năm thứ 5 (1262), mùa xuân tháng 2, Thượng hoàng (tức Trần Thái Tông đã nhường ngôi) ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Hoa, gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này”.

b339b2c5-65aa-422c-b718-69f07fe10f37-1679308864.png

Cổng đền Cố Trạch

An Nam chí lược của Lê Tắc viết: “Đến nhà Trần nối theo nhà Lý lấy đất ấy đặt thêm 3 phủ nữa là: Long Hưng, Thiên Trường, Trường An”, và giải thích: “Long Hưng phủ tên cũ là Đa Cương hương, tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi đi qua một cái cầu khe, khi qua rồi, ngoảnh lại không thấy cầu nữa. Chẳng bao lâu họ Trần được nước, người ta gọi khe ấy là Long Khê, nên đổi tên Đa Cương làm Long Hưng. Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát tích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến 1 lần để tỏ ra là không bỏ quên chỗ phát tích của ông bà, rồi đổi tên làm Thiên Trường phủ, chỗ ấy có nước thủy triều chảy quanh thành, hai bên bờ mọc đầy cây hoa, khí thơm ngát người, hoa thuyền qua lại giống như cảnh tiên vậy”.
Hai vị vua khai sáng hai triều Lý,Trần có sự tương đồng thú vị. Năm Thuận Thiên 1 (1010), Lý Thái Tổ vua đầu triều nhà Lý, sau khi đăng quang xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng, đổi hương Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức. Trần Thái Tông vua đầu triều nhà Trần, nhận ngôi vua khi mới 8 tuổi, Ngài về quê bái tổ muộn. Năm Kiến Trung thứ 7 (1231), vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở Tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau, đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Hương Tức Mặc được vua Trần Thánh Tông (1258-1278) vua thứ hai của nhà Trần ngợi ca (trong) “mười hai cõi tiên thì chốn này là thứ nhất”. 

Trên đất Tức Mặc từng có nhiều cung điện: Cung điện Trùng Quang (đền Trần) nơi ở của Thái Thượng hoàng; Cung điện Trùng Hoa (không còn vết tích); Cung Đệ Nhất (nay là thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung, Bình Lục, Hà Nam); Vườn Đình, Vườn Quang (còn có cống thoát nước và gạch hoa văn); Cung Đệ Nhị (xã Mỹ Trung - Bình Lục - Hà Nam); Cung Đệ Tam (thôn Đệ Tam, xã Mỹ Phúc - Bình Lục - Hà Nam)…

e5f00e83-69fc-4c96-b251-6882078dd222-1679309000.jpegLễ khai ấn Đền Trần

Ba cuộc kháng chiến của quân dân nhà Trần chiến thắng xâm lược Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285, 1287-1288. Trước thế mạnh chẻ tre của quân giặc, vua tôi nhà Trần đã hai lần (thứ nhất 1258 và thứ hai 1285) tạm lui về Tức Mặc lập phòng tuyến cản địch. Tức Mặc cũng là bàn đạp của đại binh nhà Trần phản công chiến lược giành lại Đại Việt.  Nhiều công trình kiến trúc từng được các đời vua Trần xây dựng lộng lẫy nguy nga trên đất Tức Mặc, sau hơn 7 thế kỷ chỉ còn một số dấu tích và địa danh, cùng với hiện hữu các công trình chùa Phổ Minh, đền Trần, đền Cổ Trạch. Ngay như địa danh Tức Mặc rộng lớn xưa xa, nay chỉ là tên gọi của một trong 5 làng thuộc phường Lộc Vương, thành phố Nam Định.  Nay làng Tức Mặc vẫn giữ nét gốc xưa, hiện cả làng chỉ dòng họ Trần cư ngụ với gần 400 hộ gia đình, phần lớn là dân gốc các chi họ: Trần Thế, Trần Đăng, Trần Huy, Trần Xuân... Những người ngụ cư họ khác, tâm nguyện muốn đổi thành họ Trần, đều được người dân Tức Mặc đồng ý, bởi họ cho rằng đó là cách tốt nhất giữ làng Tức Mặc, giữ phẩm chất của họ Trần Tức Mặc lừng danh.

Bạn đang đọc bài viết "Tức Mặc cố hương ngời Quốc sử" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn
Trần Tất Tiến

Trần Tất Tiến

07:51 25/03/2023

bài viết quá lê thê, đầu tiên hãy nói Tức Mặc ở đâu... rồi hãy chi tiết