Tuổi mười bẩy

Thập niên những năm 1965-1968 chúng tôi học ơn đình làng, chùa làng, miếu làng, quán làng, lạy Đức Thánh Thành Hoàng Làng, lạy Phật A di đà che trở, chúng tôi học cấp 2 làng xã, nơi hàng ngày gầm rú tiếng máy bay không lực Hoa Kỳ xé rách bầu trời.
quang-tri-1-1669781572.jpg

Bộ đội ta tấn công vào Quảng Trị (ảnh tư liệu) năm 1972. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. 

Cảm như thủng cả màng nhĩ, khi đem bom đánh phá Miền Bắc, chúng đánh Hà Nội mà quê tôi là cửa ngõ Thủ Đô cũng là nơi chúng trút vội bom để tháo chạy tránh lưới lửa phòng không mặt đất, theo vệt không gian của dòng sông Hồng mênh mang sóng nước,

Cám ơn dòng sông Mẹ đã nhận và nhấn chìm bom rơi đạn nổ mà chỉ có mảnh bom bay ghim vào đất Mẹ làng tôi (Làng Lở )

    Tuổi trẻ của chúng tôi biết bao trò “Nhất quỷ nhì ma” nhưng lắng đọng lại nhất trong tôi là những buổi chia tay các anh “Tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu” lên đường nhập ngũ, các anh là người anh, người bạn, chung thầy, chung lớp, đẹp mãi, sống mãi tuổi 17 không bao giờ quê..

      Lớp 5 Chùa Gò (1967-1968)

 12 tuổi, tôi còn ngơ ngác chưa hiểu sự khốc liệt của chiến tranh.

Anh Nguyễn Hoàng Lệ, người anh cùng làng cùng lớp học với tôi, ngày mai anh lên đường nhập ngũ anh 17 tuổi,

    Lớp tôi lao động,mỗi người tự đào cho mình một hầm trú ẩn bom đạn Mỹ, hôm vào năm học mới,

Với sức vóc “mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu “anh đào một chốc đã xong hầm của anh, còn tôi loay hoay với cái xẻng đào mãi vẫn nông choèn choẹt mà tóc tai đuôi gà đẫm mồ hôi, anh chạy ra chỗ tôi bảo em vào bóng gốc cây nhãn nghỉ đi để đấy anh đào nốt cho, anh đào,đập,nèn kỹ lưỡng, anh nhảy xuống hầm cá nhân đo chiều cao độ rộng hẹp khoang  hầm cá nhân giúp tôi để cô giáo chủ nhiệm phê duyệt “Đạt tiêu chuẩn “ anh cao ráo đẹp trai thư sinh, sống nội tâm không ồn ào quậy phá, hàng ngày cùng chúng tôi mũ rơm, túi thuốc, tới lớp học Chùa Gò, chiếc nùn rơm trĩu nặng trên vai, vài quyển vở, cuốn sách giáo khoa cũ, chiếc bút máy trường  sơn nhẹ tênh, đựng trong túi vải xanh chéo, chứ làm gì lắm sách nhiều vở bút nọ bút kia như bây giờ !

     Năm học khoá 1968-1969 chúng tôi lên lớp 6, học và chạy máy bay ném bom như cơm bữa, mỗi khi có tiếng kẻng báo động ra hầm trú ẩn vang lên dồn dập, trên dốc chợ Gò của dân quân trực chiến, trong lớp ngoài sân, hầm hố giao thông hào chằng chịt rãnh nát cả sân trường dưới tán cây bàng, cây phượng vỹ, vì quen dần cảnh hầm hố trú ẩn, quen nghe tiếng chát chúa inh tai nhức óc của động cơ máy bay Mỹ bổ nhào hạ thấp chiều cao ném bom, nên chúng tôi hò nhau đếm bom đang rơi trên đầu và “thoát chết rồi trong địa bàn ảnh hưởng nó chệch lùi lũi ra phía bờ sông “, chúng tôi hò nhau đứng  dưới giao thông hào  chỉ chỏ phân biệt máy bay ta, máy bay địch đang quần rượt nhau xé toạc cả bầu trời xanh mây trắng, để lại vệt khói đen khói trắng đông đặc ngoằn nghèo mãi mới tan hết, chúng tôi chả biết sợ là gì, cứ hướng mắt ngửa mặt nhìn thấy hàng đàn quạ Mỹ điên cuồng cắt bom tháo chạy, Thần sấm con ma F111, Vỉ ruồi F4 cánh cụp cánh xòe bị MIC17, MIC21 đội tiêm kích của ta rượt đuổi chạy trối  chết, trên bầu trời loang loáng nhiễu ra đa bay trắng một vùng rơi lả tả,

    Bom Mỹ rơi lủng lẳng trên đầu, thần chết đen chũi lừng lững hướng bến cảng ngoài bờ sông, tiếng người lớn quát tháo, thúc dục trẻ con chui ngay tất cả vào hầm tránh bom bi và mảnh bom to nhỏ, chứ còn các quả bom vài trăm ký kia mà rơi vào đâu chỉ có chết tan thây.

    Cảnh thương tâm bao trùm lên làng xã, người chết, người bị thương than khóc, rầm rập bước chân chạy tới cứu hộ cứu thương của đội dân quân trực chiến phòng không trên điếm canh nước dốc Gò, tiếng kẻng dồn dập gõ vào vỏ quả bom liên hồi thúc dục liên hồi ngay sau nhiều loạt bom đồng loạt nổ rung chuyển làng xã, bạn Cầm  lớp tôi đeo khăn tang cha bị bom Mỹ sát hại, ngay bến sông cách trường chúng tôi học 1 km, chúng tôi bàng hoàng xót thương bạn gái mình, ôm cha khóc ngất trong trận máy bay đánh cảng Dốc Phượng Lâu, để lại nhiều hố bom loang lổ  đầu làng Phượng Lâu, xã Ngọc Thanh, để lại vết tích tội ác chiến tranh ngay trên làng xã tôi.

     Năm học khoá 1969-1970 tôi nhớ mãi vào một ngày, bước vào đầu  kỳ 2 lớp 7 cả lớp chúng tôi đến lớp  sớm hơn thường lệ để chia tay 3 anh gác bút nghiên, lên đường nhập ngũ.

    - Anh Thuỷ lớp trưởng tính tình vui vẻ

     - Anh Thịnh A cao gầy nhanh nhẹn

     - Anh Thịnh B còn nhiều nét trẻ con trên gương mặt học trò.

     Anh Thuỷ thấy chúng tôi đỏ hoe con mắt, anh bảo chúng mày cười tươi lên chứ,trước lúc lên đường anh chúc các em học hành cho giỏi, cuối năm đỗ tốt nghiệp cấp 2 trăm phần trăm nhé,

rồi anh phất phất tấm bằng tốt nghiệp đặc cách được phòng giáo dục huyện Kim Động  cấp trước ngày các anh lên đường, anh vui vẻ pha trò, anh bảo với đàn em chúng tôi rằng!

     Anh và hai anh Thịnh tốt nghiệp trước các em,oách ra phết chứ không đùa đâu nhé !!!

Rồi anh cầm càng cả lớp hát bài “không cho chúng nó thoát “

“ Giải phóng Miền Nam “

 Thế đấy, tuổi 17 các anh hồn nhiên ra trận, chưa có bạn gái, chưa có người yêu, chỉ có tuổi trẻ căng tràn sức sống nhập ngũ lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc !!!

     Đất nước trọn niềm vui hôm nay, cứ tháng 7 về, đến ngày 27/7 tôi lặng lẽ thắp nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình trước các anh linh anh hùng Liệt Sỹ trên quê hương tôi và không quên lên kỳ đài nghĩa trang lần tìm tên các anh, chung thầy, chung lớp với tôi một thủa đẹp mãi tuổi  17 “Bẻ gẫy sừng trâu “

“Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước” bài hát vang lên thủa nào như mới hôm qua.

      - Liệt sỹ: Nguyễn Hoàng Lệ

       - Liệt sỹ: Đoàn Hồng Thuỷ

       - Liệt sỹ: Đoàn Văn Thịnh

       - Liệt sỹ: Đỗ Văn Thịnh

   Cuộc chiến nào cũng có mất mát hy sinh, tên các anh đã tạc vào hồn thiêng sông núi mãi mãi tuổi 20.

Các anh các bạn học của tôi sống mãi tuổi học trò tinh khôi trong tôi, nhớ về các anh, tưởng nhớ về kỷ niệm xưa tôi thầm gọi tên các Anh, mỗi mùa hoa phượng về phảng phất đâu đó hình dáng giọng nói tiếng cười của các anh luôn hiển hiện hiến dâng tuổi thanh xuân để.

 “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh “!!!

 Chảo lửa Quảng Trị nơi các anh ngã xuống năm 1972. Địa danh tạc vào sử vàng dân tộc Việt Nam.

Chuyện Làng Quê