Tuổi thơ tôi

Món ăn này chắc ít người biết lắm, món muối sườn ăn với cơm  của một thời khó khăn xưa của chúng tôi.
tuoi-tho-du-doi-1662288657.jpg
Tranh của họa sỹ Lê Anh Thanh. Ảnh do tác giả cung cấp

 

Món ăn của nhà nghèo, nhà đông con cháu!  Món muối sườn này ông ngoại làm cho chúng tôi ăn, thỉnh thoảng mới được ăn đấy.
Bây giờ trên mạng họ có hướng dẫn làm và thành phẩm rất ngon lành, hấp dẫn.
Ngày ấy chúng tôi  là lũ trẻ lít nhít bé lắm chỉ biết ăn như tằm ăn rỗi. Người lớn đun nấu cấm  trẻ con được vào sân trong vì quẩn chân và kẻo ngã vào bếp đang nấu. Ngày ấy nhà tôi đun củi. Củi do bà  tôi mua  của người ta kéo xe qua cửa. Củi mẹ tôi mua người ta chặt tỉa cây công viên. Còn nhớ vụ lụt năm 1971, nước ngập vào tận nhà. Mỗi lần ô tô đi qua sóng đánh, trẻ con ngồi trên phản lại reo hò. Mẹ tôi cùng mợ xắn quần cao, lội bì bõm cùng dân phố ra vớt củi. Cành cây gãy nhiều, bà con hàng phố ra tranh thủ kéo trước khi Công ty công viên cây xanh họ đến dọn dẹp. Nước ngập sâu vì nhà tôi gần Ga Hàng Cỏ, nơi có lẽ gần như trũng nhất Hà Nội hồi ý thì phải.  Những khúc củi to phải hai người vần. 
Sau này tôi mới biết năm ấy là trận lụt to nhất với người dân Hà Nội. Người ta cho một đoàn tàu chở đầy đá hộc chốt trên cầu Đuống. Chắc họ cũng thả những rọ đá xuống chân mố cầu để chống lại lực chảy xiết của nước. Nhìn cái ảnh chụp có người nhầm là cầu Long Biên.
  Nhà ông bà tôi đun bếp củi và sau này là bếp trấu, bếp mùn cưa,  bếp  tổ ong... khi ấy chúng tôi đã là những con chuồn chuồn có cánh bay về nhà người rồi.
Sườn bà mua về để ông chế biến . Có lẽ sườn rửa sạch, băm nhỏ, rang lên trộn cùng muối hạt, không có mì chính. Muối hạt to rang giã nhỏ chứ không phải gia vị. Những ngày mưa gió ăn bát cơm nóng rắc một chút muối sườn lên thì thật tuyệt! Ngon lúc đó với chúng tôi thôi chứ bây giờ trẻ con chúng không ăn đâu. 
Đã lâu lắm rồi chúng tôi không được ăn cơm muối sườn của ông ngoại nữa. Món ăn của nhà nghèo, nhà đông con cháu...
Đã đến tuổi quên  quên  nhớ nhớ rồi! Tôi lại cứ hay nhớ về ngày xưa,  kỷ niệm với những người thân yêu.

Chuyện làng quê