Tuyên Quang: Chiêm Hoá bảo vệ và phát triển rừng

Huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế của người dân đồng thời giữ và bảo vệ nguồn nước đầu nguồn.

Cả thể thống chính trị vào cuộc

Ông Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hoá cho biết: Toàn huyện hiện có trên 73.833 ha rừng. Trong đó, rừng sản xuất gần 56.212 ha; rừng phòng hộ 17.374 ha. Rừng đặc dụng 246ha trên tổng số địa bàn 21 xã, thị trấn.

trong-rung-1692962017.jpg
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa hướng dẫn người dân trồng rừng

Nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện diện tích có rừng của huyện luôn được duy trì và phát triển ổn định. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế rừng mang lại, người dân các địa phương trong huyện cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Cùng với đó vấn đề bảo vệ, PCCCR trong thời điểm mùa khô, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy rừng có thể xảy ra luôn được hạt kiểm lâm chú trọng, nhờ đó trong nhiều năm trở lại đây số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng cũng như số vụ cháy rừng đã giảm đi nhiều.

Huyện đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ như việc tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, coi rừng là tài sản quý cần phải giữ gìn, vận động nhân dân góp đất trồng rừng mới. Nhờ đó tình trạng chặt phá rừng đã được hạn chế, số vụ cháy rừng giảm mạnh, nhiều cánh rừng tái sinh, khoanh nuôi đang sinh trưởng mạnh. Đặc biệt là trong thời điểm mùa khô, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng luôn mà nhiệm vụ hết sức quan trọng được chính quyền các địa phương trong toàn huyện tập trung chú trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

Dựa vào dân để bảo vệ rừng

Địa bàn rộng, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết nắng nóng thay đổi bất thường nên đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tại Chiêm Hóa. Mật độ dân cư phân bố không đồng đều, nhận thức của người dân còn những mặt hạn chế. Đa số người dân vùng cao chủ yếu sản xuất trên nương là chính nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Những năm qua thực hiện chủ trương của các xã về việc quản lý bảo vệ rừng nhằm tạo một môi trường ngày càng trong lành và tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân thông qua tiền dịch vụ môi trường rừng của nhà nước. Thôn, bản thường xuyên tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, lập quy ước hương ước của bản trong việc bảo vệ rừng. Đây được coi là nhiệm vụ chung của cả bản chứ không phải riêng cá nhân từng hộ gia đình. Những trường hợp có hành vi chặt phá, đốt nương trái quy định sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Cùng với đó vai trò của người đứng đầu bản, già làng, trưởng bản cũng được phát huy tối ưu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Giữ được rừng là giữ được nguồn nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt cũng như canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhờ đó mà tình trạng nhân dân tự ý chặt phá cây rừng trái quy định đã không còn, hiện tượng người dân đốt rừng làm nương cũng không có, nhân dân chung tay bảo vệ rừng đặc biệt là trong mùa khô khi mà nguy cơ cháy rừng xảy ra cao.

Xã Yên Nguyên là một những xã có công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt của huyện Chiêm Hoá. Rừng ở Yên Nguyên ngày càng xanh tốt, đồng bào các dân tộc  thôn bản trên đia bàn xã đã tích cực tham gia nhận khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng tự nhiên.

Đây là kết quả của công tác tuyên truyền cũng như ý thức chủ động phòng chống cháy rừng của toàn thể chính quyền và nhân dân trong xã. Mặc dù đây là địa phương có diện tích rừng không lớn nhưng lại dễ có nguy cơ để xảy ra cháy rừng cao. Chính vì vậy ngay từ đầu năm xã đã thành lập Ban chỉ đạo PCCCR và cứu nạn, cứu hộ. Ban chỉ đạo đã họp bàn xây dựng kế hoạch PCCCR, triển khai đồng bộ các phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ là: Lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ để mọi người dân trong xã cùng nhau thực hiện. Xã đã thành lập  tổ đội chuyên trách BVPTR tại 5 bản. Mỗi gia đình sẽ có 1 thành viên tham gia.

Ông Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Yên Nguyên cho biết: Cấp uỷ và chính quyền xã  luôn chỉ đạo công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn xã. Vào những đợt nắng nóng kéo dài chúng tôi đã tăng cường  lực lượng đi kiểm tra, kiểm soát các diện tích rừng đã được bảo vệ...

Nhờ vậy từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã 16 thôn bản đã không còn hiện tượng người dân tự ý chặt phá rừng, nhân dân đã ý thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình nguồn nước từ đầu nguồn luôn đủ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Đặc biệt hơn là xã luôn chú trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh để giảm thiểu số vụ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn xã. Khi sự cố cháy rừng xảy ra mọi người trong các bản sẽ đồng lòng, chung sức cùng nhau dập lửa, không để đám cháy lan mạnh làm ảnh hưởng đến diện tích rừng.          

Việc giữ rừng, bảo vệ rừng không chỉ được thực hiện tốt riêng ở xã Yên  Nguyên mà còn được duy trì ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.