Tuyên Quang: Lâm Bình đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Lê Hoàn

22/03/2024 09:21

Theo dõi trên

Tận dụng lợi thế, tiềm năng của mình, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, tạo sinh kế cho người dân một cách bền vững.

Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế

du-lich-lam-bin-1711073413.jpg

Điểm check-in Km0 tại thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình

Lâm Bình là huyện vùng cao xa xôi nhất ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang, nằm cách Hà Nội khoảng 280km, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 130km. Đây là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Tày chiếm 62%, Dao trên 25%, Mông 6%, còn lại là các dân tộc khác.

Theo ông Cao Văn Minh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lâm Bình: Mỗi dân tộc tại huyện đều có bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo riêng, hình thành nên diện mạo văn hóa đa dạng và đặc trưng riêng của vùng.. Đặc biệt, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang của huyện có dân tộc Pà Thẻn sinh sống, chiếm khoảng 2% dân số toàn huyện. Dân tộc Pà Thẻn có nét văn hóa đặc sắc, với Nghi lễ Nhảy lửa hết sức huyền bí, đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2023.

cocvai-1711073495.jpg

Cọc Vài Phạ trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang thuộc khu vực xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Bên cạnh đó, huyện được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; Phong cảnh, núi non Khuôn Hà, Lăng Can; hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào), Núi Đổ (địa phận giáp ranh giữa huyện Lâm Bình và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang); Đèo Ái Au, xã Thượng Lâm; đèo Tát Nga, Khau Cau, xã Phúc Yên…

Hòa quyện với núi rừng xanh thẳm và lòng hồ rộng lớn là các thác nước với nhiều tầng thác, nguyên sơ: Thác Khuổi Nhi, Nặm Me, Khuổi Súng, Tát Ngà,… trên khu vực Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình và nhiều danh thắng khác.

sanmay-1711073909.jpg

Điểm săn mây và ngắm hoa đào tại Đèo Khau Lắc, xã Bình An, huyện Lâm Bình

Huyện còn có các di tích lịch sử, khảo cổ, tâm linh như Di tích Quốc gia Đền Pú Bảo, Chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân Khí H52 của Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm, Đền Pác Vãng, Đền Bà Chủa (Bà Chúa)…

Có thể nói, chính sự đa dạng, phong phú về văn hoá, giá trị về lịch sử đã mang lại cho huyện Lâm Bình một nguồn tài nguyên giá trị về văn hoá vật thể, phi vật thể đặc sắc cần bảo tồn và phát triển. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Lâm Bình phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, huyện Lâm Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, ngoài các chương trình, dự án đầu tư phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, huyện đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư một số điểm du lịch có quy mô để tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, có sức thu hút mạnh.

Thực tế cho thấy, việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch huyện Lâm Bình.

caytichdien-1711073558.jpg

Nghi lễ cày “Tịch điền”  tại Hội Lồng tông huyện Lâm Bình Xuân Giáp Thìn 2024

Từ cuối năm 2016, huyện đã triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can), đến nay tổng số hộ cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tăng lên trên 50 hộ (thêm các xã Phúc Yên, Thổ Bình, Hồng Quang, Phúc Sơn); khuyến khích đầu tư các dịch vụ cho khách trải nghiệm: Thuyền Kayak, thuyền vận chuyển khách du lịch; các sản phẩm quà lưu niệm: Sản phẩm từ tre (Hợp tác xã An nhiên phát, Hợp tác xã Nhật Minh), dệt thổ cẩm, dịch vụ cưỡi ngựa,…

Huyện còn tổ chức kết nối với các công ty du lịch, lữ hành du lịch với trên 200 công ty, đơn vị đến khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối tour du lịch tại huyện, trong đó: Công ty du lịch Năm Sao đã đầu tư cơ sở Homestay tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và thôn Bản Bon xã Phúc Yên; Công ty Sao Nam Việt của Hà Nội; công ty TNHH du lịch Non nước Lâm Bình kết nối tour đưa khách du lịch đến tham quan, du lịch; Công ty ETHOS (Sa Pa) kết nối tour dành riêng cho khách du lịch người nước ngoài…

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo và sức hút của ngành “công nghiệp không khói” ở Lâm Bình đã có nhiều bước chuyển tích cực..

Năm 2023, huyện Lâm Bình đã đón trên 152 nghìn lượt khách đến tham quan, tăng hơn 65 nghìn lượt khách so với năm 2018. Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đưa Lâm Bình trở thành điểm đến hấp dẫn

334199573-1453171551880109-3630613410497450620-n-1711073647.jpg

Du khách hào hứng tham gia đốt lửa trại tại homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch huyện Lâm Bình phát triển vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa được khai thác xứng tầm, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.

Có thể kể đến như hạ tầng tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khảo cổ, hệ thống giao thông kết nối dù đã được đầu tư xây dựng nhưng còn chưa đồng bộ; kỹ năng làm du lịch của người dân còn chưa cao nên khó khăn cho việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài...

“Huyện chủ trương phát triển du lịch theo định hướng gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, di sản thiên nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái nên đang cần những nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp du lịch lớn có tâm và có tầm để thúc đẩy sự phát triển du lịch của huyện”, ông Cao Văn Minh - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lâm Bình khẳng định.

du-lich-1711074034.jpg

Lượng khách du lịch đến Lâm Bình tăng đều qua các năm

Năm 2024, huyện Lâm Bình phấn đấu đón trên 175 nghìn lượt khách du lịch; tổng thu xã hội từ du lịch ước đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Để đạt được mực tiêu trên, huyện Lâm Bình đã phối hợp các sở, ngành chức năng hoàn thiện các quy hoạch ngành, thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định, xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông.

Tập trung chỉ đạo giải quyết nhanh thủ tục hành chính ở cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giữ vững ổn định an ninh trật tự, với quan điểm xuyên suốt tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án du lịch, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đã hình thành như là du lịch lòng hồ, du lịch trải nghiệm văn hóa, Homestay theo hướng bản sắc, bền vững. Tiếp tục phát triển loại hình du lịch mà huyện có tiềm năng như Famestay (du lịch kết hợp trang trại), du lịch sinh thái, khám phá rừng nguyên sinh, du lịch mạo hiểm..

Đi đôi với đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được huyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, như báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội…

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Lâm Bình đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn