Tuyên Quang: Nâng cao giá trị cây chè Khau Mút

Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) hiện có hơn 255 ha chè Khau Mút được trồng chủ yếu trên địa bàn xã Thổ Bình, trong đó hơn 25 ha là cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi. Chè được trồng trên độ cao 700 - 1.000m so với mực nước biển, với mật độ bình quân 2.000 - 2.500 cây/ha, tập trung ở các thôn Bản Phú và thôn Bản Pước.
nguoi-dan-phai-bac-thang-thu-hoach-che-co-thu-khau-mut-1-min-1691739605.JPG
Người dân thu hái chè Shan cổ thụ Khau Mút

Ông Chẩu Văn Học, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết: Trước đây, chè Shan Khau Mút ở xã Thổ Bình dù cho chất lượng thơm ngon nhưng chủ yếu tiêu thụ trong dân và ít người biết đến. Tuy nhiên, hiện nay, xã Thổ Bình có 2 Hợp tác xã là Hợp tác xã Đồng Tiến và Hợp tác xã Phúc Hưng đứng ra thu gom chè búp tươi của người dân và chế biến sản phẩm. Mỗi năm, các Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn chè khô bán ra thị trường, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Chè Khau Mút có hương thơm nồng đượm, vị ngọt đậm và chát dịu, nước chè sánh trong vắt, không lẫn tạp chất, rất đặc trưng. Các sản phẩm chè Shan Khau Mút đang được xuất khẩu đi các thị trường như: Đài Loan, Châu Âu… Ngoài việc xuất khẩu, các sản phẩm chè Khau Mút cũng đang hướng đến đưa vào các chuỗi siêu thị lớn trong nước.

Để phát triển bền vững, huyện Lâm Bình và xã Thổ Bình có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cây chè, cơ sở chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước, từng bước xây dựng thương hiệu chè Khau Mút. Huyện cũng quan tâm chuẩn hóa quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch chè được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn như: VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp bền vững, ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò chè.

Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã dần  được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

nguoi-dan-phai-bac-thang-thu-hoach-che-co-thu-khau-mut-2-min-1691739638.JPG
Sản phẩm chè Shan Khau Mút được nhiều thị trường trong nước biết đến

Các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Khau mút.

Đến nay, sản phẩm chè Khau Mút đã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; một bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực và quốc gia. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè của huyện.

Ông Ma Công Hồ, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 3 ha chè Shan, mỗi lứa thu được từ sao khô được 18 đến 20 kg chè, 1 năm thu khoảng 200 kg chè khô bán với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng. Từ trồng chè, thu nhập của gia đình được nâng lên, cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô với hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, thời gian tới, xã Thổ Bình tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số huyện có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn  đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trồng chè thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cùng với đó, huyện và xã quản lý chặt chẽ việc sử dụng vật tư đầu vào trong vùng nguyên liệu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tiếp tục đầu tư vào các khâu trồng mới, chăm sóc, thu hoạch; đầu tư thâm canh và cải tạo chè xuống cấp.

Mặt khác, tỉnh huyện hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu chè nhằm mang lại giá trị cao nhất, đưa thương hiệu chè Khau Mút xã Thổ Bình ngày càng vươn xa.