Tuyên Quang: Tục lấy tên con đầu lòng để gọi tên cha, mẹ của người Tày

Lê Hoàn

10/05/2021 21:41

Theo dõi trên

Trải qua thời gian, dù xã hội có thay đổi, dù cuộc sống ngày càng phát triển nhưng nhiều nét đẹp cổ truyền vẫn được đồng bào Tày tại Tuyên Quang gìn giữ và truyền lại đến đời sau.

Dân tộc Tày ở Tuyên Quang hiện chiếm trên 25% dân số toàn tỉnh (số dân đông sau dân tộc Kinh) và chiếm hơn 50% số dân các dân tộc thiểu số. Người Tày ở Tuyên Quang sinh sống từ lâu đời trong các bản làng, ven con suối uốn lượn, dưới chân các ngọn núi cao sừng sững. Trải qua thời gian, người Tày ở Tuyên Quang hiện vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống và cả một kho tàng văn học về các loại truyện thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca...

Trong mỗi mái nhà của người Tày, các thế hệ thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau; nhất là về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, các nghề truyền thống... Đa số các gia đình vẫn bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ của dân tộc, quan tâm thực hiện các nghi lễ vào dịp lễ tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách và gìn giữ, phát huy cốt cách của tộc người, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại. Tiêu biểu trong số đó là tục lấy tên con đầu lòng để gọi tên cha, mẹ của người Tày ở Tuyên Quang. Đây là tục lệ hiếm gặp trong các dân tộc tại nước ta.

img-5059-1620654758.JPG

Gia đình người Tày quây quần trong lễ hội Lồng Tồng. Ảnh tư liệu 

Theo truyền thống, khi một đứa con đầu lòng của một đôi vợ chông được sinh ra sau một tháng trẻ sẽ được tổ chức Nghi lễ đặt tên. Ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thích hai bên nội, ngoại cùng bàn bạc chọn tên để đặt cho bé một cái tên hay và ý nghĩa, tuy nhiên không được trùng tên những người trong gia tộc nội, ngoại. Ngoài ra, việc đặt tên con của người Tày cũng có những điều kiêng kỵ, nếu trong bản, xã có người bị mất trong những trường hợp rủi ro, như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã núi… mọi người tránh không đặt tên con trùng với những cái tên người đã chết bất đắc kỳ tử đó. Các tên gọi phổ biến của người Tày thường là các loại hoa đẹp đối với con gái và các tên thể hiện sự mạnh mẽ, cứng rắn đối với con trai.

 Khi đã chọn được tên, ông bà hai bên nhờ thầy cúng báo lên tổ tiên cùng lễ vật như xôi ngũ sắc, gà trống choai, rượu ngon…Đặc biệt lễ vật không thể thiếu bánh “coóc mò” -  loại bánh gói hình dạng giống như sừng con trâu non được làm bằng gạo nếp. Sau khi thầy cúng hoàn thành nghi lễ thì lúc đó đứa trẻ chính thức được dòng họ công nhân là thành viên. Và nếu đứa trẻ đó là con đầu lòng (không phân biệt trai hay gái) thì người dân trong làng sẽ lấy tên của đứa trẻ đó để gọi bố mẹ chúng.

Ông Nguyễn Vương Chi, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có con trai đầu lòng tên là Đối. Vì vậy lâu nay người dân trong thôn vẫn quen gọi ông Chi là “ông Đối”, “bác Đối”…thay vì gọi ông Chi, bác Chi như thông thường. Hay trong gia đình bà Hoàng Thị Niềm, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, con gái cả của bà tên Hương vì vậy người dân trong vùng, trong thôn sẽ gọi bà Niềm là bà Hương, bá Hương hay bác Hương… Người Tày thường lấy tên con đầu để gọi thay cho tên cha mẹ, nhưng nếu chẳng may người con bị mất đi thì họ lại linh động lấy tên người con kế tiếp để gọi.

Theo những người già tại đây cho biết, sở dĩ người Tày có cách gọi khác lạ như thế là vì cách gọi này thể hiện sự gắn kết tình cảm trong gia đình giữa cha mẹ và con cái. Người Tày vốn coi trọng tình cảm gia đình. Người Tày quan niệm gia đình là nơi mỗi người được sinh ra, được nuôi dưỡng, giáo dục đến lúc trưởng thành. Gia đình đồng thời còn là nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc. Vì vậy khi một cặp vợ chồng lấy nhau và sinh được người con đầu lòng đó là niềm hạnh phúc không chỉ cho hai vợ chồng mà còn cho cả đôi bên nội ngoại và cả dòng họ. Niềm hạnh phúc lớn lao và cũng là trách nhiệm của hai vợ chồng, cùng nhau chăm sóc dạy bảo con cái trưởng thành, làm rạng danh gia đình, dòng tộc, dòng họ. Cũng vì vậy người Tày thường lấy tên con đầu để gọi tên cho cha mẹ.

Ngoài việc giữ gìn và phát huy nền văn hoá truyền thống, người Tày ở Tuyên Quang còn chú trọng đến việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Các em nhỏ đã được cha mẹ tập cho những nghề truyền thống, ra đồng giúp cha mẹ làm những việc vừa với sức. Họ khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đến trường học văn hoá, tiếp thu tri thức mới để nắm bắt và theo kịp các dân tộc anh em nhưng vẫn giữ gìn và phát huy những nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc.

Nhiều phong tục, tập quán của người Tày ở Tuyên Quang đã được thay đổi để tránh rườm rà, lãng phí. Tuy nhiên những phong tục truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ nguyên bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày, đồng thời thể hiện nét đẹp, sự đặc sắc, phong phú về văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tục lệ lấy tên con đầu lòng để gọi tên cha, mẹ đã được người Tày bảo tồn qua rất nhiều thế hệ và trở thành nét văn hóa riêng của người Tày ở Tuyên Quang.

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Tục lấy tên con đầu lòng để gọi tên cha, mẹ của người Tày" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn