Mùa lễ hội và du lịch đã đến. Trước chuyến đi Hoa Lư, khi tìm hiểu trên mạng các trang giới thiệu chương trình du lịch, bạn sẽ thấy có hai tên gọi này, trong đó hầu hết gọi là “Tuyệt Tình Cốc”. Trên đường đi, hướng dẫn viên du lịch cũng giới thiệu là “Tuyệt Tình Cốc”; còn trên thực địa, các biển chỉ dẫn đôi chỗ viết “Tuyệt Tịnh Cốc”, nhưng hầu hết đều viết “Tuyệt Tình Cốc”. Vậy thực ra tên gọi đúng là gì?
- Ở Hoa Lư là Tuyệt Tịnh Cốc
Đây là một khu vực núi non trùng điệp không cao lắm bao bọc vùng nước tươi đẹp, tạo ra một thế giới cách biệt hẳn với bên ngoài. Nguồn nước từ các dãy núi đá vôi hai bên chảy xuống tích tụ vào thung hẹp uốn lượn sát theo chân núi. Vùng nước trong xanh nhìn rõ rong rêu tận đáy, không ghềnh đá, phẳng lặng như tờ, in bóng núi, hình 1. Trong khu vực đó, một hang sâu rộng ẩn khuất lưng chừng vách núi là một điểm nhấn mà thiên nhiên ban tặng.
Theo ghi chép, từ khi dựng đô ở Hoa Lư, khu vực vắng vẻ biệt lập này được Vua Đinh khai thác đầu tiên vào việc tồn trữ binh lương và hành quyết kẻ tử tội; tiếp theo, Vua Lê Đại Hành dùng làm nơi nhốt tù binh Tống.
Nay, để tiện cho du khách đi bộ vào, một đường hầm xuyên núi và con đường nhỏ bằng bê tông viền quanh bờ nước đã được xây dựng. Nhưng vào một ngày vắng vẻ, bạn có thể dễ dàng hình dung được khu vực này hơn nghìn năm trước huyền bí hoang hiểm đến mức nào.
Sau khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long năm1010, nơi đây được dân chúng dọn dẹp tẩy uế, tu tạo, hương khói giải oan để xua đi âm khí nặng nề. Hang núi dần trở thành địa điểm lý tưởng cho những người tìm đến Phật pháp, tìm tới sự giải thoát và an nhiên, đúng lúc Phật giáo phát triển cực thịnh trong Triều Lý. Ngôi lều tranh thờ Phật trong hang này được gọi là Am Tiên (庵 仙). Cạnh đó, một chùa khác được dựng lên, nơi Thái hậu Dương Vân Nga xuất gia tu hành những năm tháng cuối đời. Hiện nay, trong động có các bàn thờ Phật, Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không và các danh nhân thời Đinh, hình 2.
Với khung cảnh non nước u tịch hợp với việc tĩnh tâm tu thiền như thế, nơi đây trở thành một tịnh thất nổi tiếng thu hút nhiều tăng ni phật tử, trong đó Thiền sư Minh Không cũng đã từng dựng chùa tụng kinh thuyết pháp. Tuyệt Tịnh Cốc (絕 净 谷) được gọi tên từ đó, với nghĩa ở đây là:
Tuyệt : hoàn toàn, rất, hết sức, vô cùng, cực kỳ;
Tịnh: Sạch sẽ, thanh khiết, trong sạch; yên lặng;
Cốc: Hang thẳm, khe núi; vùng nước chảy giữa các trái núi.
Vì vậy, Tuyệt Tịnh Cốc được hiểu là Hang núi vô cùng thanh tĩnh.
- Tên gọi “Tuyệt Tình Cốc” từ đâu đến?
Hẳn nhiều bạn ở Sài Gòn đã bắt đầu đọc tiểu thuyết Thần điêu đại hiệp của nhà văn Kim Dung vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Câu chuyện xoay quanh mối tình của đôi nam nữ võ hiệp Dương Quá và Tiểu Long Nữ. Công Tôn Chỉ, chủ nhân một vùng sơn động, giàu có, vẻ ngoài thanh lịch nhưng độc ác, đa mưu, người đã cứu vớt Tiểu Long Nữ khỏi chết đuối khi bị trôi dạt đến đây, nuôi cô trong nhà và lập mưu lấy làm vợ. Trong quan hệ éo le đó, khi Dương Quá tìm đến được thì từ đây sóng gió nổi lên với nhiều cảnh bi thương, đẫm máu. Trải 16 năm đau đớn ly biệt chốn giang hồ, Dương Quá đã tìm lại được người mình yêu còn sống ở một hang động nằm trong thung khe ngập nước này.
Đó là lai lịch của tên gọi Tuyệt Tình Cốc (絕 情 谷), có nghĩa là “Hang núi xảy ra câu chuyện tình đẹp đẽ bi tráng có một không hai”. Tuyệt ở đây là tính từ, có nghĩa đẹp đẽ lạ thường (như trong tuyệt phẩm, tuyệt sắc), không phải là động từ dứt bỏ (như trong tuyệt giao, tuyệt thực), và cũng không phải là trợ từ cực kỳ/vô cùng (như trong tuyệt tịnh, tuyệt mỹ).
Nhiều bộ phim đã được dựng lại dựa theo cuốn tiểu thuyết Kim Dung, sau đó được chiếu ở nhiều nước, trong đó có trên truyền hình Việt Nam. Với các diễn viên xinh đẹp, âm nhạc huyền bí và võ thuật cao cường cùng những phong cảnh núi non mây nước đẹp như chốn bồng lai, câu chuyện ly kỳ đã hấp dẫn người xem. Tên gọi Tuyệt Tình Cốc do đó càng thêm cuốn hút, đặc biệt đối với đông đảo giới trẻ khắp Châu Á.
- Việc đặt tên cho địa điểm du lịch
Bắt chước tên gọi ăn khách này, hiện nay ở Hải Phòng, Đà Lạt, An Giang, v.v.., một số hồ nước xanh mới phát hiện dưới chân núi cũng đồng loạt được gọi là Tuyệt Tình Cốc. Tiếc thay, thực tế ở những nơi đó, ngoài những bức ảnh hở hang, khêu gợi được lan truyền, ta không thấy có câu chuyện tình đẹp đẽ cảm động nào gắn với tên gọi.
Những điểm đến có tiềm năng du lịch chưa có tên gọi như vậy cần được tu tạo thêm nhiều để có thể trở thành nơi an toàn, tiện nghi, có giá trị thưởng ngoạn và nghỉ dưỡng. Ngay từ giờ, những người có trách nhiệm hãy sớm nghĩ đến việc đặt tên chính thức cho chúng, thay cho tên gọi nhái, để tránh sau này gọi sai tên thành thói quen như tình trạng ở Hoa Lư. Thêm nữa, việc nhái tên gọi hay thương hiệu của người khác còn là vi phạm luật bản quyền!
Rồi sau đó, tên chính thức phải được dùng trong văn bản nhà nước, truyền thông, bản đồ, các công ty du lịch, trên các bảng giới thiệu và biển chỉ dẫn ở thực địa.
Trở lại câu chuyện ở Hoa Lư. Cũng vì ảnh hưởng truyện Kim Dung mà tên vốn có Tuyệt Tịnh Cốc, như mô tả ở phần đầu bài viết, giờ đây bị gọi chệch đi thành Tuyệt Tình Cốc – một cái tên ngoại lai làm mất đi hoàn toàn ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lịch sử dân tộc.
Như đã biết, Tuyệt Tình Cốc là tên mới xuất hiện gần đây, bằng tiếng Hoa năm 1959 và dịch ra tiếng Việt vào khoảng 60 năm nay, trong khi tên gọi Tuyệt Tịnh Cốc ở Hoa Lư đã có từ trước đó ít ra chục thế kỷ, do tầng lớp trí thức trong giới Phật giáo ở nước ta đặt ra, cùng thời với các địa danh khác trong vùng, như Tam Cốc (三 谷 – Ba hang núi), Bích Động (璧 峒 – Hang động đẹp), Tràng An (长 安 – Yên bình dài lâu), vv.
Cũng có một bài viết mới đây nói rằng động Am Tiên gắn liền với giai thoại tình yêu của Phò mã Trương Quán Sơn và Công chúa Đinh Phù Dung, nhưng không kể ra giai thoại và cũng không chỉ ra tài liệu nói về mối tình ấy “tuyệt” thế nào. E rằng, do hiểu chệch thành “Tuyệt Tình Cốc”, nên người viết đã gượng đưa câu ấy vào như một cách giải thích cho phù hợp.
Thực ra, Trương Quán Sơn là con trai của Trương Ma Ni, một người sát cánh với Đinh Bộ Lĩnh từ thuở đi dẹp loạn sứ quân và sau trở thành đại quan trong triều đình Hoa Lư. Với mối quan hệ như vậy, việc Trương Quán Sơn trở thành phò mã là chuyện quá đỗi bình thường, và không đâu nói mối tình đó có sóng gió, thử thách gì. Phò mã cùng cha mình được Vua Đinh giao cho việc cai quản khu vực pháp trường này, hiện được đặt bệ thờ trong động Am Tiên.
Thậm chí, một số tài liệu viết tên Tuyệt Tịnh Cốc, nhưng lại giải nghĩa thật nực cười là “Nhịn ăn hoàn toàn” (họ cho rằng cốc là lúa gạo, lương thực chăng?!), và Am Tiên viết thành An Tiêm (nhân vật truyền thuyết đời Hùng Vương thứ 17)!
Như vậy, cần sớm tìm cách trả lại tên gọi đúng cho Tuyệt Tịnh Cốc ở Hoa Lư, nhất là khi biết rằng nó đã thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.
Địa điểm du lịch là danh thắng của địa phương và quốc gia, có đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm; nó phải được đặt tên một cách có ý nghĩa văn hoá. Các Công ty du lịch cũng như người hướng dẫn du lịch cần hiểu ý nghĩa của địa danh để không giải thích sai với du khách.
Để ngăn chặn sự lan truyền xu hướng chạy theo thị hiếu bất chấp ý nghĩa làm mất đi bản sắc, thiết nghĩ người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương về văn hoá và du lịch không thể đứng ngoài.
Tản Hồng
21:18 22/01/2022
Bài viết rất thuyết phục. Đề nghị những người có trách nhiệm lưu tâm. Cảm ơn tác giả.