Số lượng mắc 2020 là trên 16.400 ca và số tử vong do ung thư đại trực tràng là trên 8200. Dự đoán đến năm 2040 sẽ có 3,2 triệu ca mắc mới và 1,6 triệu ca tử vong do ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng - nguyên nhân sinh bệnh
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây UTĐTT, trong đó phải kể đến các bệnh lí tiền ung thư, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường. Người bệnh mắc các bệnh lí viêm ruột như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn, polyp,.. cần được giám sát chặt chẽ. Các hội chứng di truyền được biết đến sự phát triển của UT ĐTT, chẳng hạn như bệnh polyp đại trực tràng có tính chất gia đình (FAP), hội chứng ung thư có tính chất di truyền (Lynch I và II) chiếm 5%, có quan hệ huyết thống trực tiếp chiếm 20% và các trường hợp riêng lẻ chiếm 75%. Ngoài ra, lối sống hiện đại, ăn thịt đỏ, uống rượu và béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc UT ĐTT cao hơn.
Tỉ lệ gặp ung thư đại tràng tăng lên theo độ tuổi, nguy cơ mắc tăng lên gấp đôi mỗi thập niên của đời người, thường gặp nhưng người trên 50 tuổi. Ở Mỹ, năm 2014, độ tuổi trung bình ở thời điểm chẩn đoán là khoảng 70 tuổi. Có thể thấy, người cao tuổi mắc ung thư đại trực tràng ngày càng tăng.
Các phương pháp điều trị Ung thư đại trực tràng
Tùy thuộc vào giai đoạn UT ĐTT, tỷ lệ tái phát, thời gian sống và quản lí theo dõi khác nhau. Điều trị UT ĐTT là điều trị đa mô thức. Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản mang tính triệt căn. Trong đó phẫu thuật nội soi (PTNS) là phẫu thuật ít xâm lấn, giảm sang chấn cho bệnh nhân, đặc biệt có ý nghĩa ở những bệnh nhân cao tuổi. Phẫu thuật nội soi giúp giảm đau sau mổ là điều kiện quan trọng tạo thuận lợi hồi phục và tránh các biến chứng liên quan tắc mạch huyết khối, nhiễm trùng phổi, tiết niệu và tắc ruột. Tuy nhiên thời gian PTNS ở bệnh nhân cao tuổi cũng có nhược điểm là thời gian mổ có thể kéo dài hơn mổ mở, quá trình bơm hơi ổ bụng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hô hấp và tuần hoàn trong mổ. Vì còn có nhiều hoài nghi về tính an toàn của PTNS ở đối tượng bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt mắc kèm các rối loạn về hô hấp và tim mạch nên nhiều nghiên cứu về lợi ích của PTNS đối với đối tượng người cao tuổi đã được thực hiện.
Trên thế giới, năm 2002, Wai Lun Law và cộng sự thực hiện nghiên cứu so sánh 65 bệnh nhân PTNS cắt đại trực tràng và 89 BN mổ mở ở bệnh nhân UT ĐTT trên 70 tuổi. Kết quả cho thấy thời gian PTNS dài hơn (180 phút so với 135 phút) nhưng lượng máu mất ít hơn. Có 1 trường hợp BN tử vong trong nhóm nội soi so với 5 BN tử vong ở nhóm mổ mở. Thời gian có nhu động ruột trở lại sau phẫu thuật cũng sớm hơn (3 ngày so với 4 ngày), thời gian ăn đặc trở lại sớm hơn (3 ngày so với 5 ngày), thời gian nằm viện ngắn (7 ngày so với 9 ngày), và các biến chứng tim phổi cũng thấp hơn (7,7% so với 22,4%).
Nghiên cứu của Frasson và cộng sự năm 2008 thực hiện trên 535 bệnh nhân UT ĐTT. Trong đó có 268 trường hợp PTNS và 267 trường hợp mổ mở. Có 201 BN trên 70 tuổi và 334 trường hợp dưới 70. Ở nhóm BN cao tuổi, mổ nội soi giảm tỉ lệ biến chứng (20,2% so với 37,5%) và thời gian nằm viện (9,5 so với 13 ngày) so với phẫu thuật mổ mở. Kết quả nghiên cứu cho thấy PTNS cải thiện kết quả sớm ở bệnh nhân cao tuổi rõ rệt hơn bệnh nhân trẻ tuổi. Đây chính là lợi ích quan trọng nhất của phẫu thuật ít xâm lấn ở BN cao tuổi. Nguy cơ tử vong ở nhóm BN này không phải đến trực tiếp từ các biến chứng liên quan đến phẫu thuật mà là các biến chứng tắc mạch và nhiễm trùng phổi. PTNS giúp BN có quá trình vận động và hồi phục nhanh hơn từ đó giảm thiểu các nguy cơ này.
Năm 2016, Shochi Fujii và các cộng sự đã tổng hợp phân tích 15 nghiên cứu so sánh mức độ an toàn và giá trị mặt ung thư của PTNS so với mổ mở trong điều trị UT ĐTT ở nhóm BN trên 65 tuổi. Có 1.436 bệnh nhân PTNS và 1.810 BN mổ mở. Kết quả cho thấy PTNS điều trị UT ĐTT ở bệnh nhân cao tuổi có kết quả sớm tốt hơn so với mổ mở. Kết quả xa và giá trị ung thư học của PTNS và mổ mở điều trị UT ĐTT là như nhau.
Ở Nhật Bản, năm 2021, nơi người dân có tuổi thọ trung bình thuộc top cao nhất thế giới, Hashida và cộng sự đã nghiên cứu 108 ca phẫu thuật điều trị UT ĐTT ở nhóm bệnh nhân từ 85 tuổi trở lên. Có 26 trường hợp mổ mở và 82 trường hợp mổ nội soi đã được thực hiện trong nghiên cứu. Thời gian phẫu thuật trung bình ở 2 nhóm này lần lượt là 215 phút và 228 phút. Lượng máu mất trong mổ nội soi thấp hơn. Có 2 trường hợp biến chứng sau mổ và 1 ca biến chứng sau 1 tháng đều ở bệnh nhân mổ mở. Không có trường hợp biến chứng nào ở BN mổ nội soi. Thời gian sống sau mổ ở 2 nhóm không có sự khác biệt. BN lớn tuổi nhất dược phẫu thuật nội soi cắt đại tràng, nạo vét hạch là hơn 102 tuổi.
Từ lâu, phẫu thuật cắt đại trực tràng ở BN cao tuổi được coi là loại phẫu thuật nhiều rủi ro và báo cáo tỉ lệ tử vong cao. Trong đó, biến chứng tim phổi là nguyên nhân gây tử vong và nằm viện dài ở những bệnh nhân phẫu thuật cắt đại trực tràng. Vì vậy kết quả gần là tiêu chí đặc biệt quan trọng ở BN cao tuổi. Với sự cải thiện trong gây mê hồi sức, chăm sóc chu phẫu, các nghiên cứu gần đây báo cáo PTNS điều trị UT ĐTT có tỷ lệ biến chứng tim phổi thấp, giúp giảm sang chấn, giảm đau, chức năng phổi và các chức năng khác của cơ thể hồi phục sớm hơn, giảm các stress cho bệnh nhân, vận động, ăn uống trở lại sớm ngay sau mổ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ phát triển các biến chứng có thể dẫn đến tử vong sau phẫu thuật, thời gian nằm viện kéo dài và tuổi tác không phải là yếu tố chống chỉ định.
Ngoài ra, thời gian sống còn và tỉ lệ tái phát, giá trị mặt ung thư học PTNS và mổ mở là như nhau đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khác.
Như vậy PTNS cắt đại trực tràng trong điều trị ung thư được đánh giá là phẫu thuật an toàn, giảm các biến chứng sau mổ, có kết quả gần tốt, giá trị mặt ung thư học tương tự so với mổ mở đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi, siêu cao tuổi.