Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích thì mạng xã hội như con dao hai lưỡi làm nảy sinh nhiều mẫu thuẫn không đáng có khi người dùng kích động và ứng xử thiếu văn hóa với nhau trên thế giới ảo này.
“Cà khịa” trên mạng xã hội
Năm ngoái, tôi được chị đồng nghiệp hướng dẫn lập tài khoản Facebook. Hằng ngày, sau những giờ làm việc ở cơ quan, thu vén xong việc nhà cửa, cơm nước, dạy con học bài, tôi cũng có những khoảng thời gian thảnh thơi để lướt web, trò chuyện với bạn bè trên Facebook, Zalo. Bấm vào các đường link, tài khoản cá nhân của nhiều người, tôi có được nhiều điều lý thú, đó là thông tin về cuộc sống bình yên, hạnh phúc, sự nghiệp phát triển của bạn bè; được đọc, ngắm nhìn những hình ảnh đẹp, nghĩa cử đẹp giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn; những mẫu thời trang thời thượng đẹp mắt, các hướng dẫn nấu các món ăn ngon, những mẹo vặt hữu ích trong cuộc sống; cách nuôi dạy, hình thành nhân cách tốt cho con cái…Thế nhưng, bên cạnh những điều bổ ích, lý thú ấy, mỗi lần chạm bàn phím, tôi nhận thấy có một thực tế rất đáng buồn là môi trường mạng xã hội đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng. Nhiều người đã lợi dụng các diễn đàn để công khai đả kích, nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, phá hoại cuộc sống của nhau. Nhiều bạn trẻ còn quan niệm mạng xã hội là thế giới ảo, có thể ẩn danh nên thỏa mái lựa chọn hình ảnh, thể hiện cái tôi cá nhân, quyền từ do nguôn luận để săm soi, chỉ trích, phí báng làm tổn thương người khác.
Chẳng hạn lướt Facebook ngày 12/7, sau trận chung kết EURO 2021 vào lúc rạng sáng giữa đội tuyển Anh và Italia, có không ít tài khoản cá nhân đã bình luận, chỉ trích huấn luyện viên đội tuyển Anh bằng nhiều lời lẽ khiếm nhã khi cho rằng huấn luyện viên này “lú lẫn” đã chọn 3 cầu thủ “trẻ trâu” mang áo các số 25,11,17 có tổng 53 – một con số được xếp cặp với số 49 được coi là đen đủi theo quan niệm của nhiều người vào đá penanti. Còn trong tháng 5, tháng 6, mạng xã hội rộ lên, nhiều người lùng sục tìm trang cá nhân của cô người mẫu “thánh chửi” T.T, bởi mỗi lần livestream bán hàng, cô thường dùng những lời lẽ thô tục, chửi bới, công kích lại những lời lẽ chế giễu mình. Hay như chuyện một số nghệ sỹ nổi tiếng với những lùm xùm về việc làm từ thiện; việc livestream rầm rộ của một nữ doanh nhân để công kích, kể tội, soi mói đời tư của nhiều nghệ sỹ.
Đặc biệt, trong những ngày qua, khi cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì trên mạng xã hội cũng có không ít những phần tử phản động đã lập nhiều tài khoản chia sẻ, đăng tải hình ảnh, video, clip nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cổ súy cho những thói hư tật xấu, những câu chuyện trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam…
Từ thực tế này cho thấy, văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã và đang bị chính người sử dụng coi nhẹ. Mạng xã hội đang dần phơi bày những mảng màu đen tối để người dùng nó lan truyền tin tức sai sự thật, để kích động, gây hấn, tẩy chay, xâm phạm đời sống riêng tư của nhau. Trong nhiều trường hợp, sự tự do không kiểm soát đã biến thành lỗ hổng khiến không ít người đăng tải, bình luận mà không cần nghĩ, suy xét hay chịu trách nhiệm và không nhận ra đâu là giới hạn vi phạm bởi sự phức tạp của vấn đề.
Tạo môi trường mạng lành mạnh
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, Việt Nam có hơn 70 triệu người đang sử dụng internet, chiếm gần 70% dân số. Trong đó có 95% người dùng vào internet thông qua di động và dành hơn 3 tiếng để truy cập mạng và dành không ít thời gian vào mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Zalo, FB Mesenger, Instagram, Tiktok, Mocha, Google+, Twiter, Skype…Thế nhưng, bên cạnh những tiện ích vượt trội, mạng xã hội nảy sinh không ít vấn đề, với những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa, văn minh hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc.
Để khắc phục những bất cập này và hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, giữa tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, áp dụng cho 3 nhóm đối tượng gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo Bộ Quy tắc này, tổ chức, công dân phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung là tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin và trách nhiệm. Ngoài ra, mỗi nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc cụ thể khác cần áp dụng.
Ông Đỗ Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tuy đây mới chỉ là bộ quy tắc, hướng dẫn, chưa có các chế tài xử phạt, áp dụng cụ thể song, bước đầu bộ quy tắc sẽ góp phần hình thành ý thức cho mỗi cá nhân tham gia mạng xã hội, dần tạo nên những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, làm tiền đề để tiến tới xây dựng những quy định, chế tài cụ thể hơn, có tính khả thi hơn.
Tại Vĩnh Phúc, để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng; thực hiện giám sát các tin giả, tin xấu, các phản ánh trái chiều, các vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến tỉnh Vĩnh Phúc, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Sở 2 lần/ngày; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Thanh tra Sở đã phối hợp với Công an tỉnh xác minh, xử lý nghiêm nhiều trường hợp thông tin sai sự thật về hình hình dịch bệnh Covid-19, giả mạo văn bản của cơ quan nhà nước phát tán trên mạng xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân. Gần đây nhất, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh phát hiện, xử phạt hành chính đối với chủ tài khoản Facebook có nickname Dương Hoa chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19, cách phòng và chữa dịch bệnh Covid-19 tại nhà.
Theo ông Đỗ Hữu Vinh, để lan tỏa việc ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dùng mạng xã hội cần chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội; tuyệt đối không được lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tính gương mẫu, tuân thủ nghiêm quy định phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ.
Cùng với đó, người sử dụng mạng xã hội phải tôn trọng, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm đến người khác; mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan, tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp, không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác; suy nghĩ kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên mạng xã hội và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ; không đăng thông tin, hình ảnh không đúng quy định pháp luật, hoặc không phù hợp với văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.
“Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyền truyền về Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp, các nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh”- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Vinh khẳng định.