Nhà nào có ao thì làm riêng một chiếc cầu ao để dùng, nhà nào không có ao thì dùng chung chiếc cầu ao của xóm.
Cầu ao là nơi để mọi người tắm rửa, giặt giũ…hàng ngày. Cầu ao của xóm cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng, kết nối tình làng nghĩa xóm.
Để có một chiếc cầu ao sạch sẽ, nước trong mát…thì người làm cầu ao phải chọn được cái ao có nguồn nước sạch ra vào thường xuyên; không chọn ao tù, nước đọng. Cầu ao chung của xóm thì phải sát đường làng, trung tâm xóm.
Có nhiều loại cầu ao như cầu ao xây bậc gạch, bậc đá; cầu ao bắc ván gỗ, sạp tre…
Cầu ao phổ biến và lâu đời nhất là cầu ao xây bậc gạch hoặc bậc đá. Bởi vì loại cầu ao này không phụ thuộc vào mực nước, nước lên cao hay xuống thấp đều tắm rửa được. Nhưng mỗi lần tắm rửa, thì phải lội xuống bậc có nước làm ướt chân (mùa đông trời lạnh thì rất ngại).
Cầu ao bắc ván gỗ, sạp tre có ưu điểm là người ngồi trên cầu tắm rửa…không phải lội xuống, nhưng nếu nước cạn quá thì không cúi xuống được, nước lớn quá thì bị ngập cầu không ngồi được.
Để cầu ao sạch, nước trong thì phải thường xuyên dọn bùn, vớt bèo rác. Dùng sào tre khô hoặc dây muống tươi quây xung quanh, cắm cọc tạo thành một khoảng nước trống để tắm rửa, giặt quần áo…
Cầu ao là nơi thu hút nhiều loại cá đến kiếm ăn như cá rô, cá diếc, mại ván, cá mương…
Cứ mỗi lần người ta vo gạo, rửa rau, làm gà vịt…lũ cá kéo đến tranh nhau ăn những hạt tấm, hạt cám, váng mỡ….Lũ cá mương, cá rói khoái chén mỡ gà vịt, người làm gà vịt không để ý là chúng kéo cả bộ lòng gà vịt ra giữa ao luôn. Có người làm gà vịt, bị con lươn to kéo mất luôn một đoạn lòng vào hang.
Cầu ao là nơi câu cá rô rất hiệu quả, ao nhiều cá câu một buổi được mấy chục con, đủ loại to nhỏ.
Người dùng cầu ao chung của xóm, thì phải có ý thức tự giác dọn dẹp vệ sinh, ai đến trước dùng trước, người đến sau phải đợi không tranh nhau. Những thứ bẩn thỉu tuyệt đối không được đem ra rửa ở cầu ao. Lội xuống cầu ao tắm rửa, kỳ cọ cơ thể thoải mái. Nhưng nếu đi vệ sinh xong mà ra cầu ao tụt quần ra rửa…sẽ bị cả xóm chửi thậm tệ.
Cầu ao là nơi mọi người gặp nhau trò chuyện, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chuyện nhà, chuyện làng, chuyện thiên hạ; đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất…sau mỗi buổi lao động mệt nhọc. Vì vậy những chuyện nói và nghe được ở cầu ao, người ta gọi là “Thông tấn xã cầu ao”.
Cầu ao cũng là ông Tơ, bà Nguyệt se duyên cho nhiều đôi nam nữ nên vợ nên chồng. Chàng trai đi làm đồng về gặp cô thôn nữ rửa chân, khoe cặp đùi trắng, thon chắc…thế là mê li luôn.
Một anh có tý khiếu văn thơ, tán đổ luôn cô em xinh nhất làng đang rửa tay chân ở cầu ao chỉ bằng hai câu thơ “Dưới ao, tay trắng ngọc ngà/Trên người, đào quả ngọt ngào lắm thay!”.
Cầu ao cũng là nơi mấy ông, mấy bà sồn sồn chí choé trêu ghẹo nhau. Có bà quần xắn đến tận bẹn rửa chân, gặp ông đi cày về xuống cầu ao…tiện tay vỗ luôn mấy cái…bà cô mắng “Khỉ gió cái nhà ông này! Của quý nhà người ta, ai cho ông sờ…”. Ông chú cũng chẳng vừa “Của quý không dùng, chết rồi chôn đi phí lắm”.
Có nhiều ông chú còn chủ động khoe (của quý) của mình, cứ ra cầu ao tắm tiên. Tắm xong thì lồng lộng đi về…làm mấy bà, mấy cô xấu hổ chả dám nhìn!
Dù đi đâu, làm gì…xa quê vạn dặm để mưu sinh, nhưng vẫn nhớ cầu ao quê nhà. Nếu có gặp khó khăn, trắc trở…thậm chí thất bại, thì cầu ao vẫn là niềm an ủi, động viên “Ta về, ta tắm ao ta/Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”.
Ngày nay, nếu bạn về quê thì khó tìm được cầu ao. Nếu tìm được cầu ao, thì cũng không ai dám dùng nữa, bởi vì nước bẩn và ô nhiễm lắm rồi.
Cầu ao và “Văn hoá cầu ao” ở mỗi làng quê, có lẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức thôi các bác ạ!
Hải Dương 11/4/23
N.H
Trái tim người lính