
Hà Tĩnh là địa phương có vị trí đặc biệt trong hành trình mở cõi của dân tộc. Trên mảnh đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, vừa kiên cường, vừa oanh liệt, điển hình là cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chống lại ách đô hộ nhà Đường trong những năm đầu của thế kỷ thứ X.
Đầu thế kỷ XV, Lê Lợi chọn vùng đất Đỗ Gia, Hương Sơn làm căn cứ xây dựng lực lượng tấn công quân Minh.
Đến thế kỷ XVII, hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước và xô đẩy nhân dân ta vào cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, mảnh đất Hà Tĩnh là nơi chứng kiến cuộc giao tranh dai dẳng, kéo dài nhiều năm với 7 cuộc chiến lớn nhỏ. Các địa danh như Hà Trung, Kỳ La, Lạc Xuyên, Nam Giới, Hội Thống, sông La, sông Lam… đến nay vẫn còn lưu nhiều dấu tích của cuộc chiến này.
Thế kỷ XVIII, tỉnh Hà Tĩnh cũng là địa bàn chiến lược của Nguyễn Huệ khi hành quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh”, đánh đuổi bè lũ xâm lược phương Bắc, thống nhất đất nước, lập nên vương triều Tây Sơn.
Cuối thế kỷ XIX, Phan Đình Phùng lựa chọn vùng rừng núi Vụ Quang - Hương Khê tổ chức phong trào Cần Vương chống Pháp.
Trong thế kỷ XX, đế quốc Mỹ đã từng trút xuống mảnh đất Đồng Lộc hàng ngàn tấn bom đạn để hòng chia cắt tiền tuyến với hậu phương…
Chính từ những nguyên nhân, điều kiện lịch sử nêu trên nên đã tôi luyện cho người Hà Tĩnh giàu nghị lực, luôn nỗ lực vươn lên, sáng tạo nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Toàn tỉnh hiện có hơn 1800 di tích lịch sử - văn hóa đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích thuộc hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (Ngã ba Đồng Lộc và Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, 500); 92 di tích quốc gia, 585 di tích cấp tỉnh; có 3 bảo vật quốc gia, gần 70 lễ hội lớn.
Hai danh nhân được UNESCO vinh danh là Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Dân ca Ví Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương…
Hà Tĩnh cũng là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Chùa Hương Tích, hồ Kẻ Gỗ, thác Vũ Môn, hồ Ngàn Trươi Cẩm Trang, chùa và hồ Thiên Tượng… Nhiều món ăn ngon, sản phẩm nổi tiếng như mực nháy Vũng Áng, nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, nước mắn Cẩm Nhượng…
Cùng với di sản vật thể và phi vật thể thì di sản tư liệu của Hà Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là số lượng sắc phong của Hà Tĩnh hiện còn rất nhiều.
Tất cả các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nêu trên đã tạo nên hệ thống giá trị riêng cho văn hóa Hà Tĩnh, thấm vào mỗi con người, hòa quyện vào mỗi hành vi, cách ứng xử rất riêng của người Hà Tĩnh.
Với truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Điển hình như trong năm 2024, tỉnh đã phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Festival "Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản", nhằm kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, các hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, Fstival đã tạo điều kiện để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cùng các di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh như: Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Hát Xoan (Phú Thọ), Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (Lâm Đồng), Hát bài Chòi (Quảng Nam)... có dịp được trình diễn rộng rãi trước công chúng Hà Tĩnh. Ước tính có hàng nghìn khán giả là người dân Hà Tĩnh và du khách đã trực tiếp tham dự vào các hoạt động của sự kiện.
Ngoài ra, một số hoạt động như: Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ Ví, Giặm" được Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An và nhiều đài địa phương trong nước truyền hình trực tiếp; Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh được Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh phát sóng trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội... đã tiếp cận hàng nghìn khán giả trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Qua đó, tạo sức lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của Dân ca Ví, Giặm và các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc đến khắp mọi miền.

Đặc biệt, cuối năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Để có được kết quả này là cả một quá trình chuẩn bị công phu, với sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; các cơ quan Trung ương gồm Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tại lễ kỷ niệm, ngoài phần lễ; Chương trình nghệ thuật “Hải Thượng Lãn Ông - Trăm năm ngàn năm” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho đại biểu và đông đảo nhân dân trong, ngoài tỉnh. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều đài truyền hình các tỉnh, thành phố. Qua hoạt động kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, những giá trị của Lê Hữu Trác ngày càng lan tỏa rộng khắp.
Bước sang năm 2025, trên cơ sở những thành quả đã đạt được, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã hoạch định nhiều nội dung, chương trình quan trọng như tổ chức các hoạt động kỷ niệm 260 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820); triển khai lập và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời Hà Tĩnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa; triển khai đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh; xây dựng, trùng tu, tôn tạo Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập; kết hợp hài hoà việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật…
Đặc biệt là tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới bằng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể, phù hợp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025.
Mục tiêu tổng quát về văn hóa của Hà Tĩnh trong giai đoạn mới đó là “xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa và con người Hà Tĩnh thấm nhuần tinh thần dân tộc, giàu bản sắc quê hương, tiếp thu chọn lọc các giá trị văn hóa tiên tiến. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng, giàu bản sắc; phát triển đa dạng các loại hình văn học, nghệ thuật. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước”.
Với những chương trình, quyết sách đã có, cộng với những nền tảng đã được xây dựng, vun đắp từ lâu, kỳ vọng và tin tưởng rằng, văn hóa Hà Tĩnh sẽ ngày càng phát triển hơn nữa trong năm 2025 và những năm tiếp theo.