Văn Hùng – Trung vệ Đội Công an Hà Nội

Đội (và cũng là hội) cựu cầu thủ Công an Hà Nội được thành lập từ hồi bao cấp. Khi ấy đội bóng CAHN vẫn đang đá trong giải vô địch quốc gia.
van-hung-1657276708.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tạo sân chơi cho các cựu cầu thủ, ông Nguyễn Văn Thọ (Thọ “gáo”), cùng các ông Tô Hiền, Đức “khựa”, Du “cò”, Dư “còng”, Ngọc “chóp”, Thịnh “cơm”, Thái “si”, Độ “trây”… nhóm họp, thành lập đội bóng của các cựu cầu thủ CAHN.
Tiền thuê sân bãi do các thành viên đóng góp. Trang phục thi đấu được ông Tô Hiền “mở hàng” bằng bộ quần xanh, áo xanh cổ quả tim của đội CAHN chuyển sang.

Về sau, đội có thêm bộ quần trắng áo vàng đặt mua từ bên Thái. Đắt tiền nên phải ba đứa Khanh “ốc”, Hoành “bò kệu”, Thiết “quài” góp vào mới đủ kinh phí.
Lâu lâu Ban liên lạc nhóm họp. Những khi ấy ông Thịnh “cơm”, Ngọc “chóp” hoặc gặp dịp ông Thành C hoặc Hiếu “trâu” về nước chi trả.Đến lúc các thành viên rơi rụng vì nhiều lẽ, ông Thọ “gáo” nhận thêm những cầu thủ yêu quý đội CAHN tham gia, để gánh đỡ chi phí thuê sân bãi.

Hồi đó hay gọi là đội CAHN “mở”. Sau này, ông Thọ “gáo” muốn tránh tiếng, đổi tên thành đội Đông Đô.
Khi đó Văn Hùng từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội lập nghiệp. Sau thử nghiệm ở bar discotheque Mái lá, Văn Hùng về kinh doanh quán cà phê, sau thêm các món ăn tại nhà bố đẻ ở đầu phố Lý Thường Kiệt.
Ngay từ những ngày đầu, Văn Hùng đã nhờ anh Điệp “lùn” phụ giúp quản lý và cũng là để tiếp thị kinh doanh. Mãi về sau mọi người mới nhận ra việc mời anh Điệp ‘lùn” về cũng vì Văn Hùng muốn qua anh Điệp, một cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam để quy tụ các cựu cầu thủ CAHN đang tản mát khắp nơi.

Tính đến đời Phương Đình Long đang làm Chủ tịch Hội, “chiếc ghế” của những ông “Vác tù và hàng tổng” này đã có 6 ông đảm nhiệm. Ngoại trừ ông Thọ “gáo” là số 1, dạng “Cây đa cây đề”, đến nay chưa ai làm Chủ tịch Hội hiệu quả bằng Văn Hùng. Vừa có tâm vừa có tầm, nếp quản lý có từ đời Văn Hùng đến nay vẫn được duy trì. CAHN là nơi đầu tiên có đội bóng của các cựu cầu thủ công an. Tiếp đến là Thanh Hóa và Hải Phòng. Sau một chút là đội Vĩnh Phúc…
Là thương hiệu lớn nên đội CAHN được mời đi giao hữu khắp nơi. Chủ tịch Văn Hùng còn hào phóng “bao” cả Hội sang Thái Lan du lịch. Thầy Lưu Đình Tòng đã mất, chỉ còn thầy Vũ Văn Hạc và vợ theo đoàn.
Ban liên lạc họp thường xuyên tại quán Cà phê Phố của Văn Hùng. Vừa họp vừa nhấm nháp bia tươi và thức ăn anh Điệp “lùn” chuẩn bị.

Suốt hè 1970, đội CAHN tuyển chọn năng khiếu. Trong số hàng nghìn thanh thiếu niên tham gia ứng tuyển tại sân Hàng Đẫy, Văn Hùng lọt vào danh sách 9 người gồm Văn Hùng, Phúc Hùng, Phi Hùng, Cường “kinh”, Cường “ki”, Hưởng “lợn”, Vũ Dũng, Bình “mẩu”, Thiết “quài”. Đội tập trung tháng 1 năm 1971 ở Công an Cầu Giấy, trong gian nhà sát vách với nhà của nhà thơ Tú Mỡ. Sau thời gian tập sự 6 tháng, Văn Hùng và các cầu thủ trẻ được sắc phong quân hàm hạ sĩ.
Văn Hùng là “cậu ấm’ con cụ Nguyễn Văn Đào, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Lãnh đạo hồi đấy đều dạng “Khai quốc công thần”, giữ cương vị tới khi về hưu. Vậy mà sinh hoạt trong đội, Văn Hùng cùng Tuấn Sơn và Đức Dũng là 3 anh chàng từ trường Trỗi về, lại là những người chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của đơn vị. Có lẽ nếp sinh hoạt, kỷ luật thép của trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã ngấm vào máu những cầu thủ mới này.

Thường đêm đến thầy Tòng và thầy Hạc ở nhà, mình được giao làm đội trưởng, lo quản sinh hoạt và đốc thúc mọi người đi học văn hóa. Mấy “ông Trỗi” thì mình yên tâm nhưng mấy “Công tử Hà thành” thì mình cực hãi. Các ông ấy đá rất tinh quái nhưng nghịch thì còn tinh quái hơn. Hồi đấy có trò chơi tú lơ khơ vẽ râu hoặc đội mũ sắt. Mấy đứa hứng lên còn mang bóng ra nghịch huỳnh huỵch suýt đêm. Đến tận nửa đêm, ông hàng xóm tên Tui làm ở bên CSKT, vẫn phải réo lên: Thiết ơi. Mày bảo bọn nó bớt làm ồn đi.
Văn Hùng có đôi chân dài cực dẻo. Tập thể lực, ông này có thể gác chân lên tận mang tai. Đang chạy về trám chỗ trong vòng cấm, bóng lơ lửng theo sau mà Văn Hùng vẫn vắt chân phá bóng ngon ơ.
Lên đội 1, lối đá kỹ thuật và tỉnh táo của Văn Hùng khiến anh Thành C, trung vệ có lối đá kỹ thuật và đầu óc nhất CAHN bấy giờ yêu quý, tận tình kèm cặp cậu em.
Từ khi đá cặp với ông Thành C, mới 20 tuổi Văn Hùng đã vào đội hình chính thức đội bóng CAHN. Chân ướt chân ráo lên đá cùng các anh lớn, Văn Hùng đã ghi bàn thắng đầu tiên trong nghiệp quần đùi áo số năm 1974 tại sân Chùa Cuối – Nam Định.
Năm 1977 Văn Hùng được lên tuyển Thanh niên Việt Nam và năm 1978, tham gia tuyển Quốc gia. Văn Hùng được phong Kiện tướng Quốc gia và là Đội trưởng Đội bóng đá CAHN giai đoạn 1978 – 1979.
Không phải ngẫu nhiên khi đội Thể công đá với đội bóng nước ngoài, họ đã sang CAHN mượn đích danh ông Hiển “Coóc” và Văn Hùng để bổ sung lực lượng.
Giải nghệ, Văn Hùng thực hiện lời hứa với cha khi xin được bỏ học theo nghiệp bóng banh. Ông về công tác tại Hải quan thành phố Hồ Chí Minh.
Biết nhau khi cùng đá, HLV Hồ Thanh Cang đã thuyết phục Văn Hùng đá thêm một thời gian nữa cho đội bóng Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, trước khi chính thức làm nghiệp vụ thuần túy của một cán bộ hải quan.
Văn Hùng hiện định cư tại Hungari nhưng hàng ngày ông vẫn “lướt mạng”, theo dõi từng chuyển động của bóng đá nước nhà.
Rất nhiều cựu cầu thủ ở Hà Nội vẫn mong ngóng ông, sớm chán phương trời Tây để về với đội, để lại theo đội rong ruổi trong các buổi giao lưu và lại xỏ giày để vào sân thi đấu.

Chuyện làng quê