Văn nghệ buổi giao thời

  Bùi Trung

29/01/2022 14:40

Theo dõi trên

Cách đây hai tuần, Chị Luông kết bạn trên Facebook với tôi. Chị khoe chị đang ở Hà lan, chị hỏi thăm từng thành viên của đoàn Văn công để biết ai còn ai mất. Hoài Phương cũng nhờ theo đoàn mà có một thằng con trai. Những thành viên của đoàn Văn công Thị trấn Cái vồn ngày mỗi vắng đi...

van-nghe-1643442014.jpg
 

 

Năm 1976, tình cờ gặp Hoài Phương là phó đoàn Văn công Thị trấn Cái vồn tại nhà Dũng Chà Và. Anh ta nhìn tôi và chợt hỏi:

- Anh bạn có dáng đẹp quá mà biết hát hò gì không?

Tôi ngập ngừng trả lời:

- Tui chỉ hát được vài bài nhưng nhịp nhàng đúng sai thì... chưa biết anh ơi.

Nghe tôi hát bài Cùng anh tiến quân trên đường dài Hoài Phương gật gù:

- Bạn hát nghe cũng khá, hay là bạn theo đoàn Văn công với tụi mình nha. Tuy không có lương nhưng mình sẽ có điều kiện hát hò và có dịp để mình nâng cao niềm đam mê của mình.

Thế là sau cái gật đầu tôi theo Đoàn Văn công và được Hoài phương cho vào nhóm múa. Nhóm múa có 8 người 4 nam và 4 nữ. Những bài múa : Tiếng chày trên sóc bom bo, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Trống cơm... là những điệu múa chủ lực của đoàn. Tuy không có lương nhưng anh chị em trong BQT đoàn mỗi tháng được duyệt 13 ký gạo, điểm nhận gạo tại trạm kiểm soát lương thực bắt gạo của bà con chở ngang không có giấy phép.

Năm 1978 trên tờ báo xuân in hình cô gái Thanh niên xung phong ôm nguyên chùm Cao lương (bo bo) nên tôi và Hoài Phương năn nỉ không nhận gạo mà xin nhận 13 ký bo bo, hai đứa hí hửng mang về cái phòng đọc giảng đường ở cua quẹo được uỷ ban giao cho đoàn làm hậu cứ nấu thay cơm, vừa chín thì mùi thơm bay bát ngát nhưng khi nhai thì như nhai cát vậy. Nuốt không vô nổi thế là bán lại cho mấy người nấu cám heo người ta cũng chê không mua làm hai đứa mang qua lò rượu đổi rượu uống năn nỉ mãi người ta mới chịu.. vậy là từ đó sợ luôn cái thứ Cao lương mỹ vị mắc dịch.

Đoàn văn công Thị trấn Cái vồn thời đó vậy mà vui lắm hầu như đêm nào cũng có xuất diễn. Ngoài những buổi hát phục vụ cho những ngày lễ tết đoàn còn được các chủ Doanh nghiệp quốc doanh mời đến hát hò khai trương, liên hoan, tổng kết... Một dạng như đi show văn nghệ bây giờ. Sau buổi diễn là có bồi dưỡng cháo khuya ăn nhậu ì xèo có khi... tới sáng.

Một lần đang tập kịch thì vai tên ở đợ bị thiếu vì anh Thanh râu đóng vai đó chưa tới thế là tôi nhảy vô đóng thế làm nguyên đoàn cười ngả nghiêng, thế là  từ đó tôi được phân công đóng các vai hài trong những kịch bản Hài kịch của đoàn. Ngoài những vở kịch chôm theo các đoàn Đại nhạc hội như: Hai lá thư, Lính thú thời xưa... tôi lãnh luôn phần viết kịch bản cho các cây hài của đoàn như: Lý Nở , Hoàng Chương.. làm nên những trận cười nghiêng ngửa của bà con ưu ái dành cho đoàn. Lý Nở cao nghều đưa vô đội múa múa rất đẹp nhưng nhóm múa có mặt Lý Nở không xứng với mấy cô đào nên Lý Nở được chọn làm diễn viên hài.

Những ngày lễ, Tết đoàn dàn dựng chương trình Ca múa nhạc kịch ảo thuật như một Đoàn đại nhạc hội về hát tại sân trường Lập Nhơn (trường của hội người Hoa đã được trưng dụng làm Phòng giáo dục) tuy mỗi xuất diễn bán vé chỉ 50 xu nhưng một đêm bán hơn 1000 vé là chuyện bình thường. Mà hát ngoài trời phục vụ cả 1000 người thì phải mướn âm thanh bên Cần thơ, một là của nhạc sỹ Ngọc Lắm hai là của Nhạc sỹ Phượng Vũ. Cũng có lúc rảnh anh Phượng Vũ quảy luôn cây guitar điện qua tăng cường cho đoàn. Mà có anh ấy theo đệm guitar thì đoàn văn công cấp xã như mọc thêm đôi cánh. Nhìn anh đàn tôi thầm nghĩ ước gì sau này mình cũng sẽ đàn được như anh ấy. Một lần ở nhà Kiệt (Lò chao Thái Bình) mời cả đoàn đến nhà đãi nồi cháo gà. Đàn anh Phượng Vũ là khách mời danh dự của đoàn, khi dọn cháo lên nhìn chén nước mắm anh xin chén nước tương. Ngồi kế bên tôi nghĩ cháo gà sau chấm nước tương nhỉ? Ai dè khi ăn cháo anh vẫn ăn nước mắm. Hỏi thì anh cười rồi trả lời:

- Anh thấy nó lăng xăng quá nên nói vậy cho nó có việc làm vậy mà. Mình đang ngồi ăn ở lò nước tương mình xin nước tương cho người ta khoái.

Thì ra anh ấy cũng là một tay rắn mắt. Sau lần đó thì anh cũng đề nghị:

- Mấy em mua luôn giàn âm thanh anh bán rẻ cho 200 đồng thôi. Sau này có cái mà diễn khỏi phải thuê mướn.

Nhưng khi đề nghị lên lãnh đạo thì sếp nào cũng làm thinh. Sau này mới hay tin thì ra anh ấy muốn bán âm thanh để đi vượt biên.

Một lần đang dợt chương trình tại Trường tiểu học có một cô giáo dạy cấp một ngồi xem hết chương trình một cách chăm chú. Xong chị ngoắc tôi lại chị giới thiệu chị tên Hải là em bà con bạn dì với ca sỹ Thanh Thúy. Lúc trước năm 1975 thường chở chị tôi chạy show bằng xe Honda.

Chị góp ý:

- Em có giọng ca không thua mấy người trong đoàn nhưng em ca không hồn vía gì hết như vậy làm sao em có khán giả? Bài Gởi lại em em vừa ca phải cho người ta thấy cái thành phố mình muốn chào trong bài hát nó nằm ở đâu? Ngày mai mình lên đường đi về nơi nào phải thể hiện cho khán giả thấy họ mới tin.

Nhờ chị mà tôi hiểu được nhiều điều, rất tiếc là sau này không gặp lại chị một lần nào nữa.

Được ba năm thì Đoàn giải tán vì không ai chịu theo nữa vì không có lương, chế độ gạo cũng bị cắt vì trạm kiểm soát bắt gạo bị... ế. Theo đoàn mà không được miễn Lao động nên ai cũng chán và vì vậy đoàn cũng rã bèn. Hoài Phương thì cũng nhờ lăn lóc theo đoàn mà có được một thằng con trai còn tụi tôi thì đã hơn 40 năm vẫn duy trì tình bạn đến mãi bây giờ.

Cách đây hai tuần, Chị Luông kết bạn trên Facebook với tôi. Chị khoe chị đang ở Hà lan, chị hỏi thăm từng thành viên của đoàn Văn công để biết ai còn ai mất. Hoài Phương cũng nhờ theo đoàn mà có một thằng con trai. Những thành viên của đoàn Văn công Thị trấn Cái vồn ngày mỗi vắng đi...

(* Những thành viên Đoàn văn công Thị trấn Cái vồn:

Trưởng đoàn anh Phan Văn Bé (Bé Năm) Anh Ngợi guitar bass, anh Dễ guitar solo, Hoài Phương ca sỹ kiêm biên đạo múa, Sáu Đu, Hổ, Thanh Râu, Lý Nở , Hoàng Chương, Công minh, Yến guitar cổ, Phương Thảo, Tuấn kiệt, Lê Tòng tay trống kiêm diễn viên múa, Tăng Hào Minh, Hoàng DZŨNG, Nguyễn Trung, Phạm Tài, Đinh công Tâm, Văn Trị, Phấn Ảo thuật, Chị Liên, chị Luông, Liên nhỏ, Hồng Sa, Hồng Tươi, Út Ngân, Ngọc Quý, Thu, Uyên, Hồng, Kim Nga, Thái Danh...).

                                           

Bạn đang đọc bài viết "Văn nghệ buổi giao thời" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn