Hôm sau đến lớp, cô Liên gọi :
- Cả lớp mình ai lên chữa bài toán này nào?
Im phăng phắc, ái ngại… Cô nhìn nó:
- Nào mời nhà bác học của tôi!
Nó ngại ngùng, bẽn lẽn đứng dậy rồi đi lên bảng. Vài nét phấn, thêm vài dòng chứng minh, diễn giải vài lời, cô Liên cười rạng rỡ. Cả lớp đứa nào cũng trên mặt chữ O, chữ A thán phục. Nó có chút hãnh diện. Từ lớp 1 đến lớp 7 bây giờ nó vẫn yêu thích môn toán và môn gì gì đó… hình như là khoa học. Năm lớp 4, cái sơ đồ máy hơi nước nó nhớ như in, lại còn được đi thi khu ( quận bây giờ). Lớp 5 học trường Quang Trung, cô Chỉnh cử nó làm lớp trưởng ngay. Nó cũng không phụ lòng tin của cô. Cô Chỉnh quý nó lắm. Cô có con là thằng Khôi, cùng học và thân với nó. Hồi đó lớp có anh An cao to như người lớn, lại nói giọng miền Nam. Anh An thích nó, anh dạy nó phi dao găm, con dao sáng loáng, kể chuyện người lớn cho nó nghe. Một bữa phát vở lại cho các bạn, chồng vở thì cao tới bốn chục quyển mà bọn lớp cứ xông vào lật tìm, đứa nào cũng đòi lấy trước, nhất là thằng Ấn. Nó lúng túng quá phát cáu, gạt tay đứa nọ, đứa kia rồi tiện tay đấm ngay cho thằng Ấn một quả, cũng nhẹ thôi mà làm sao cái mũi thằng Ấn phồng lên bằng quả ổi.
Nó cùng cả lớp hoảng quá cứ ngây ra. Cô Chỉnh gọi được bố thằng Ấn đến. Ông nhìn nó không nói gì, trao đổi với cô Chỉnh chỉ nghe cô nhíu mày rồi nói nghe loáng thoáng đại loại trẻ con sao sao đó… Thằng Ấn được bố nó đón về, mãi 3 ngày sau mới đi học tiếp. Nó thì cứ hồi hộp, lo lắng chờ xem mà không thấy ai nói gì.
Quay lại thời lớp 7, một bữa cô Thủy bận việc, nghỉ, nhờ cô Diệu bên lớp 7A dạy thay môn Văn. 3 ngày cô Diệu giọng Huế thương nhẹ nhàng, lối giảng sôi nổi, hào sảng, cô cho bọn lớp B của nó lác mắt với 3 trích đoạn Truyện Kiều. Từ đó, nó bỏ hẳn thành kiến với môn Văn, nó yêu thích Văn rồi.
Xa bạn bè cấp II, nó vào cấp III nơi sơ tán tận Thường Tín. Hên cho nó, cái lớp 8C lại được thầy Nguyễn Đức Hương chủ nhiệm, dạy Văn lại kiêm làm cha mẹ cho hơn 40 đứa trẻ, trai gái dở dở ương ương.
Lớp nội trú ăn đói, mặc rét, thiếu thốn đủ bề. Riêng nó, chỉ một quyển hóa đơn dày cộp, trắng 1 mặt. Tất tật các môn vào một quyển này, tiền đâu mà mua vở. Thầy Hương dạy văn cực siêu lại bao la tình người, thương lũ trẻ như con. Thầy hơn bọn trẻ ở lớp hai chục tuổi. Cô Minh dạy Trung văn là vợ thầy (nó ghét môn chữ tượng hình này lắm, thấy không khoa học, mấy lần bị cô Minh mời ra ngoài vì nói chuyện riêng). Thầy cô hồi đó được em Hằng rồi. Tới giờ nó vẫn nhớ cách giảng điệu đà, giọng nói diễn đạt mê hoặc, hấp dẫn (giờ cứ nghe Nghệ sỹ ưu tú Hà Phương đọc là nhớ thầy). Có bữa trời mưa rét, để cho cả lớp đỡ đói, đỡ buồn, thầy tự đệm đàn hát ca khúc “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”. Cả lớp lặng người vì thầy hát hay, đàn giỏi. Cái gì thầy cũng số một rồi, khỏi thắc mắc.
Hôm đó khuya rồi, thằng Đạo ngoại trú nhà có giỗ, gói ít xôi thịt lại kèm cả cút rượu, cả bọn đang nhồm nhoàm ăn. Rượu thì cay sộc lên, nâng chén mà chẳng đứa nào “zô” được một ngụm, chỉ tạo dáng cho là người lớn thì thầy đã đứng ngay sau. Thằng Đạo theo phản xạ, sẵn chén rượu trong tay nó mời thầy (trời ơi). Thầy nhắc :
- Thôi ăn nốt rồi đi ngủ, cậu đưa tôi ra cổng.
Nó len lén theo thầy ra tới mép ao. Thầy nói:
- Cậu luôn phải nhớ, cậu không như người khác đâu! (ngắn vậy mà cái con ngựa bất kham trong nó phải quy thuận suốt đời).
Nó làm văn thì ngắn, chữ xấu lem nhem mà luôn được điểm văn cao với lời phê súc tích, ngắn gọn “chữ xấu, cần luyện chữ". (nếu nhìn nét chữ để đoán tính cách thì ôi thôi).
Chưa học hết lớp 10, cả lớp rủ nhau viết đơn tình nguyện (sau khi về Hà Nội viếng Bác). Đợt đó, cả trường chỉ có nó và một người được trúng tuyển.
Sau ngần ấy năm bộ đội trở về làm dân thường, nó vẫn trân trọng, yêu thích văn học nhưng chỉ có cơ hội đọc sách, đọc báo mà thôi.
Lão về hưu đã cả chục năm rồi, con gái thay cái điện thoại, lão thử dùng cho đỡ buồn, mồ hôi, mồ kê vã ra mà chẳng biết mô-tê gì bèn ra cửa trường Trung học nhờ các cháu, Ok ngay. Bọn trẻ chỉ bảo nhiệt tình đây đây ông ạ, con ghi vào giấy huyền, sắc, hỏi, ngã là chữ này chữ này. Các thầy cô nhí này vừa vui tính, vừa giảng giải dễ vào. Con gái lại cài cho lão mục gì có B, có F, lại tặng cho một cái nia, cái nick gì đó, lại cả Zalo nữa. Vậy là hoàn chỉnh. Thấy hay hay, lão kết bạn thêm nhóm trên mạng. Giá trị nhất là lần đầu mở ra đã được mời vào nhóm tình nguyện viên “tìm thông tin liệt sỹ” của ông giáo Nguyễn Sỹ Hồ mà lão ao ước để tìm được anh trai mình. Điện thoại của lão giờ toàn hình ảnh bia, mộ, hồ sơ liệt sỹ, lại còn được nhóm phong cho danh hiệu “ngôi sao đang lên”.
Tới giờ lại mê hơn khi lão xin vào được nhóm “Trái tim người lính”, “Chuyện làng quê”. Người ta nói đây là không chuyên, cây nhà lá vườn mà lão đọc thấy hay quá là hay, tha hồ đọc; mệt thì nghỉ; lại còn được bình luận khen chê.
Khi đọc, thấy nhiều bài hay quá, đúng tim đen, tim đỏ của mình thì lão cũng muốn giãi bày những điều thầm kín, những món nợ vẫn còn đọng lại hàng chục năm nay chứ có ít đâu.
Tình cờ gặp được bài viết tâm đắc của một đồng đội, lão cũng mạnh dạn giơ tay nhờ cô giáo Hồng Điệp bình dân học vụ cho; biên tập, sửa bài giúp; không ngờ ngay bài viết đầu tiên cũng được điểm trung bình, khen chê 50/50. Lão vui lắm!
Hôm qua, Hội người cao tuổi mang tặng cái bằng khen, đã thọ tới 70, lão mừng vui “à ra đã được 70 rồi. Sống quá thọ. Giờ thì chẳng lăn tăn, áy náy đua chen gì. Lãi quá rồi”.
Viết nốt bài thứ 4 về Quảng Ngãi, lão thấy nhẹ người như xong nhiệm vụ lớn, cũng là để nhớ tới anh em nằm lại và để nhớ về đồng đội một thời trên mảnh đất này, không gì, không ai bị lãng quên.
Lại muốn viết nữa, Viết gì đây nhỉ?!
Mùng 3 tháng 1 năm 2022
Thân gửi đến anh chị em ban quản trị trang “Trái tim người lính” thay lời cảm ơn chân thành nhất!
Theo Trái tim người lính