Có lẽ, với tất cả những ai đã sống trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước - chỉ cần theo dõi... “nhà đài” chút thôi, cũng đã biết đến Anh hùng LLVTND Giu-se Đỗ Văn Chiến thuộc Trung đội 3 - Đại đội 2 - Tiểu đoàn 101 - Binh trạm 31- Binh đoàn 559.
Ông sinh ra tại giáo xứ Liên Phú (Hải Đông - Hải Hậu - Nam Định). Tháng 9-1966, khi vợ mang bầu đứa con đầu lòng, sắp đến ngày ở cữ thì ông lên đường tòng quân. Do nhu cầu cấp bách của chiến trường ông được điều sang nước bạn Lào, làm công tác vận chuyển quân lương vào chiến trường miền Nam. Nơi làm nhiệm vụ vận tải là trọng điểm máu lửa Xeng Phan (tỉnh Khăm Muộn), điểm yết hầu trên đường vận tải quân lương của bộ đội ta. Nắm rõ điều đó địch ném bom không ngớt cả ngày lẫn đêm hết sức ác liệt. Nhưng người thanh niên công giáo ấy đã kiên cường bám trụ suốt 3 năm, không một đêm nào vận chuyển dưới hai chuyến - đưa hàng đi đến nơi về đến chốn. Tháng cao điểm, anh em bị thương nhiều, ông tự nguyện “một người làm việc bằng ba”, thậm chí trên cả ba, ông vận tải đến 32 chuyến/ tháng...
Ông kể: “Đêm 24-2-1968, trả hàng xong, tôi cùng đồng chí Diếp là lái phụ đi đầu đoàn lái xe ra thì bị bom tọa độ đánh trúng vào đầu xe. Tôi và đồng chí Diếp cùng bị thương. Tôi bị đứt một ngón tay thứ tư (bàn tay phải), còn dính ít da, đồng chí Diếp bị thương vào tay trái. Tôi bảo đồng chí Diếp là giật đứt ngón tay vứt ra để anh em cùng lái xe với hai cánh tay còn lại. Chúng tôi đã đi qua trọng điểm 7 cây số vào nơi an toàn, giải phóng cho đoàn xe phía sau. Sau đó anh em Công binh mới đưa chúng tôi vào điều trị ở bệnh xá Đội 14 Trường Sơn”. Tổng cộng có đến 5 lần bị thương, giám định thương tật mất 48% sức khỏe, hiện trong người ông còn nhiều mảnh đạn chưa được lấy ra...
Có một điều thật thú vị là: Chính chiếc xe Din 3 cầu 157 BKS: TS1-132 (TS1 là Trường Sơn 1) bị bom đánh trúng, cháy ca-bin, vỡ hết kính ông vẫn khắc phục đưa vào vận hành, phục vụ chiến đấu tốt... Điều này đã làm xúc động nhà thơ Phạm Tiến Duật và bài thơ “Tiểu đội xe không kính” đã ra đời trong hoàn cảnh này. Câu thơ “Xe không kính, không phải vì xe không có kính...” là thực tế sống động được phản ánh từ hành động phi thường của Anh hùng Đỗ Văn Chiến.
Vào thời kỳ đó, không chỉ có nhà thơ Phạm Tiến Duật mà còn có cả các nhà thơ, nhà văn, nhà báo như: Bằng Việt, Bằng Khoa, Trọng Khoát, Lê Lựu, Nguyễn Trần Thiết... nhiều lần “xin” ngồi trên chiếc xe đó để lấy cảm xúc thực của bộ đội Trường Sơn.
Ngày 22-12-1969, ông Đỗ Văn Chiến đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Sau khi về hưu với quân hàm đại tá, ông lại được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, Ủy viên Trung ương Hội CCB Việt Nam khóa II và III...
Trái tim người lính