Năm 1976, từ nước Pháp, giáo sư đã viết thư tay gửi về cho ngành Khảo cổ học Việt Nam và nêu lên giả định trên đây của mình.
Lần theo sự tích, truyền thuyết dân gian quanh vùng, kết hợp nghiên cứu giữa Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá và Viện Khảo cổ học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội (UBKHXH) Việt Nam, sự đóng góp của các ngành khoa học xã hội trong và ngoài nước đã khẳng định đây là cung điện xưa thời Trần - Hồ.
Để làm sáng tỏ vấn đề, năm 1978 đoàn công tác do cố giáo sư Phạm Huy Thông, Phó Chủ nhiệm UBKHXH - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam trực tiếp chỉ đạo phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá tổ chức các cuộc khảo sát. Và, cung Bảo Thanh được xác định tại núi Đại Lại, thuộc thôn Hưng Phát, xã Hà Đông. Khi khai quật khảo cổ, toàn bộ kiến trúc lộ thiên: Cung điện, Suối Ngự, Bến tắm, Lầu đấu kê, đình Vọng nguyệt.. không còn. Hầu hết hiện vật gốc bị thất lạc, mất mát hoặc hư hỏng, chỉ còn lại rải rác tại đống đổ nát...
Lần theo dấu tích lịch sử, năm 1397 sau khi cho viên Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh vào huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá để đo đạc xây thành Tây Đô làm hậu cứ, năm 1398, Hồ Quý Ly cho dựng cung Bảo Thanh ở hương Đại Lại quê mình, ép vua Trần là Trần Thuận Tông (1378 - 1399) dời đô từ kinh thành Thăng Long về đây, rồi nhường ngôi cho Thái tử An lấy hiệu là Kiến Tân, từ bỏ quyền hành về tu dưỡng tại cung Bảo Thanh, sau đó buộc Trần Thuận Tông rời cung Bảo Thanh về tu ở tận Đông Triều, Quảng Ninh rồi bức tử Thuận Tông...
Vì thế, cung Bảo Thanh hay còn gọi là Ly cung. Ly cung nằm gọn trong thế tay ngai của dãy núi Đại Lại, thuộc thôn Hưng Phát.
Năm 1403, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, Hán Thương cho đổi tên Đại Lại thành Kim Âu.
Sau hơn 600 năm, do thời gian và chiến tranh, cung Bảo Thanh nguy nga tráng lệ xưa chỉ còn là phế tích.
Kết quả khai quật, giữa khu di tích còn lưu giữ được một tấm bia đá dựng trên lưng rùa, ghi lời dẫn hai bài thơ về Kim Âu do vua Lê Tương Dực (1495 - 1516) triều Lê sơ nhân chuyến nhàn du vào ngày 25/2 năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) về bái yết lăng tẩm tiên đế ở Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Hai bài thơ giúp cho đời sau biết về Đại Lại quê hương của Hồ Quý Ly cụ thể và trung thực nhất. Đó là những vần thơ lai láng cảm xúc ca ngợi cảnh đẹp núi non hùng vĩ suối chảy chim ca… chốn gác tía lầu hồng (cung Bảo Thanh) được hai tác giả Hồng Phi và Hương Nao (Hội Tâm lý học giáo dục Thanh Hoá) phiên dịch:
Báo Thiên động chủ đề: “Hồng Thuận tam niên nhị nguyệt nhị thập ngũ nhật”. Thơ tạm dịch:
1. “Kim Âu muôn dặm được về thăm/ Ngàn hứng đùa vui với cảnh xuân/ Trăm cỏ trước thềm chùm khói biếc/ Ngàn hoa dưới bệ giỡn trời xanh/ Thanh âm chứa cả xuân trời đất/ Cõi thế thu về ngọc núi sông/ Cảnh vật bao triều y dấu cũ/ Giúp cho năm tháng mãi trường xuân.
2. Bấm đốt tiên triều trải bấy năm/ Kim Âu muôn thuở sáng bầu xuân/ Tùng già giữ được màu sương đẹp/ Cổ thụ làm nên cảnh trí thanh/ Muôn đoá mây lành che núi biếc/ Ngàn hàng lá thắm rọi dòng xanh/ Bao nhiêu cảnh đẹp khôn đường tả/ Ngâm vịnh vài câu thắm vẻ xuân”.
Qua 4 lần khai quật khảo cổ tại di tích Ly cung: Đợt 1 năm1979, đợt 2 năm 1980, đợt 3 năm 1985 đã thu được những hiện vật, dấu tích có giá trị nghiên cứu về Ly Cung xưa. Đợt khai quật lần thứ 4 tìm hiểu kiến trúc của sân, nền điện chính và một phần công trình khác như: tam quan, giếng ngọc, thành ngoài và các công trình sinh hoạt trong cung như suối ngự, bến tắm, lầu đấu kê, đình vọng nguyệt. Diện tích mặt nền 180m2, nền điện chính nằm ở độ sâu 1,2 mét so với lớp đất trồng trọt hiện tại. Móng nền, sân điện quy mô nhỏ, nhiều loại đá kê chân tảng, đặc biệt là bệ đá hoa sen rất lớn.
Trong đống đổ nát của phế tích là mảnh vỡ của ngói hình mũi hài, lá đề, tượng đất nung đầu đao, nóc bò kiến trúc, có viên còn nguyên vẹn… Đặc biệt là đá bó nền, trục đá, chân tảng, đầu rồng, bệ đá, chân tảng hoa văn cánh sen chạm hình rồng chầu mặt nguyệt; bệ tảng trang trí hoa văn dây leo uốn lượn hình sin mềm mại… Hiện vật đất nung ở đây cũng khá phong phú, như tượng đầu rồng, tượng đầu chim, tượng đầu sư tử; các loại gạch hoa lát sân điện, ốp tường hoa văn rồng, ngói lá đề hình tháp, hình rồng nhả ngọc… Trên 600 m2 khai quật, chứng tích về di tích Ly Cung đã đóng góp vào kho tàng nghệ thuật điêu khắc cổ xưa của dân tộc ta một bộ sưu tập hiện vật phong phú cả về loại hình lẫn hoa văn trang trí.
“Giếng ngọc” xây ở phía Đông Nam sân điện, thành giếng kè đá, miệng giếng ghép bằng bốn khối đá liên kết thành miệng giếng hình tròn 0,8m, điêu khắc khá tinh xảo. Bến tắm suối ngự tạo từ khe nước trong vắt ở lòng núi đổ xuống, sân lát những khối đá xanh to, có máng đá dẫn nước để tắm. “Lầu đấu kê” hiện còn nền, cách chính điện 120m về phía Tây, là nơi đấu gà để giải trí của vua Trần và các quý tộc vương triều xưa. Thành ngoài móng bằng đá, lớp tường thành không còn nhưng theo phỏng đoán cũng được xây bằng đá vừa uy nghiêm vừa kiên cố.
Với quy mô mặt bằng, kiến trúc cùng những hiện vật kiến trúc nghệ thuật đã tìm được, có thể hình dung về sự bề thế, tráng lệ, lầu son gác tía của cung Bảo Thanh xưa, điều đó nói lên tài nghệ của ông cha ta đã đạt tới trình độ điêu luyện.
Đến tham quan di tích cung Bảo Thanh, đoàn công tác của lãnh đạo cơ quan Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá khi đó, giáo sư Phạm Huy Thông - Phó Chủ nhiệm UBKHXH - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đã khẳng định: “Khảo cổ học chưa hề gặp một di tích thuộc thời Trần lại có nhiều loại hình di vật, với các đồ án trang trí phong phú như ở Ly Cung. Điều đặc biệt ở đây còn có một số tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đẹp, từ trước tới nay chưa phát hiện được…”. Do giá trị về văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và nghiên cứu năm 1985 UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định bảo vệ “cung Bảo Thanh là di tích lịch sử văn hoá”.
Năm 1999, Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng cung Bảo Thanh là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Đại Lại (hay) Kim Âu, xã Hà Đông, huyện Hà Trung là quê hương sinh thành của Hồ Quý Ly.
Triều đại nhà Hồ tồn tại trong 7 năm do Hồ Quý Ly lập nên, với nhiều cải cách tích cực (xây dựng đất nước cường thịnh, chính sách hạn điền, hạn nô, định lại chế độ thuế khoá, cho phát hành bạc giấy, quy định lại việc đo lường, quan tâm vấn đề cứu tế xã hội, thay đổi phép học và cách thi cử…).
Triều đại nhà Hồ tuy ngắn ngủi, nhưng các công trình kiến trúc nghệ thuật bằng đá độc đáo gắn liền với thân thế sự nghiệp của Hồ Quý Ly như thành Nhà Hồ (thành Tây Đô, huyện Vĩnh Lộc), cung Bảo Thanh (Ly cung, huyện Hà Trung) trường tồn hơn 6 thế kỷ qua, hiện vẫn còn nguyên giá trị.
Nhiều thế hệ du khách, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến đây nghiên cứu, chiêm ngưỡng, vãng cảnh, ca ngợi.
Di tích quốc gia thành Nhà Hồ đã được Unesco vinh danh là di sản văn hoá của nhân loại.
Triều đại nhà Hồ đã để lại cho xứ Thanh, đất nước ta và toàn thể nhân loại một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đá đồ sộ kỳ vĩ vô giá…
Nói về di tích Ly cung Trần - Hồ, ông Nguyễn Văn Thái, công chức văn hoá - xã hội của xã Hà Đông cho biết: Ly cung có diện tích đất gần 25 ngàn m2, được nhân dân trong thôn Hưng Phát và người hảo tâm tự nguyện ủng hộ tiền xây tường rào bao quanh khu vực nhà bia (khoảng 114m2) để bảo vệ, không cho chăn thả gia súc; xung quanh trồng nhiều cây (đa, phượng vĩ, lộc vừng, thị, sấu) tạo cảnh quan, bóng mát. Đầu tư ban đầu trên 70 triệu đồng xây dựng nhà 2 tầng 8 mái lợp ngói để bảo vệ tấm bia đá.
Cung Bảo Thanh là di tích được xếp hạng quốc gia, được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá lưu giữ, bảo vệ.
Là di tích thuộc quần thể di tích quốc gia thành Nhà Hồ, địa phương rất mong được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư trùng tu tôn tạo để phát huy giá trị với kỳ vọng di sản Ly cung Trần - Hồ sẽ là điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước về với xã Hà Đông, huyện Hà trung và xứ Thanh trong thời gian tới.